Ai về Hành Thiện mà... nghe

Ngày xưa, làng Hành Thiện (Nam Định) được các cụ trong làng vẽ hệt hình con cá chép và khéo léo chia đều con cá làm 14 khúc. Mỗi khúc là một xóm và mỗi xóm cách nhau đúng 60m. Riêng xóm nhà cố tổng Bí thư Trường Chinh dài 600m.
Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư TrườngChinh tại làng Hành Thiện

Từ bản đồ làng cho thấy, ngay đầu cá có một chữ Miếu, thờ ba vị thần đầu tiên đến đất này dựng làng. Sau mới đến chữ Thị - nghĩa là chợ của làng Hành Thiện. Từ rốn đến mang cá là khu dân cư. Riêng xóm nhà đồng chí Trường Chinh nằm ở giữa làng, nên dài nhất được 600m. Từ rốn cá đến đuôi, người ta ngăn một con đường vào xóm, một bên có chữ Hương Điền (ruộng làng) và một bên là nghĩa trang. Chỗ đóng khung có 2 chữ Nội tự - chính là ngôi chùa làng Hành Thiện. Chùa được xây dựng trên đất làng này từ năm 1588, nhưng từ ngày xây dựng đến nay, làng văn hoá này không nhận bất cứ một vị sư nào đến trụ trì ngôi chùa.

Theo dã sử ghi lại, làng Hành Thiện có từ thời các vương triều Trần giữ nước. Năm 1823, khi vua Minh Mạng lên ngôi năm thứ tư, thấy làng học hành đỗ đạt cao, lại chuyên làm những điều lành, vua liền ban cho làng 4 chữ Hán "Mỹ Tục Khả Phong" sơn son thiếp vàng và đổi tên làng thành Hành Thiện (Hành là làng, Thiện là lành).

Trong ngôi nhà cổ được xây dựng hơn 140 năm trước của cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội Tổng bí thư Trường Chinh), chúng tôi được ôn lại câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng bí thư mà rất đỗi tự hào. Theo gia phả gia đình, gia tộc ông có gốc gác họ Trần, thuộc chi Hưng Trí Vương, con trai thứ tư của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông nội Trường Chinh là Đặng Xuân Bảng, từng đỗ Tam giác tiến sĩ đệ nhất danh và là một học giả có tiếng tăm đương thời… Còn thân phụ của ông là Đặng Xuân Viện, cũng là một học giả được đánh giá cao, dù không gặp may mắn trên đường thi cử.

Từ nhỏ, Đặng Xuân Khu (tên thật của đồng chí Trường Chinh) đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ Đường và được đào tạo bài bản về văn hoá và lịch sử theo truyền thống Nho học. Khi còn học ở bậc Thành Chung, Đặng Xuân Khu đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước. Ông tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu, lãnh đạo cuộc bãi khoá ở Nam Định để truy điệu Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Sau đó, theo học ở Trường cao đẳng thương mại Đông Dương và tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội; tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản đảng ở Bắc Kỳ. Cuối năm 1930, ông bị Pháp bắt và kết án 12 năm tù và đày đi Sơn La, đến năm 1936 ông được trả tự do.

Từ năm 1936 - 1940, ông là Xứ Uỷ viên Bắc Kỳ, đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ; làm chủ bút làm báo Cờ giải phóng; phụ trách các tờ báo tiếng Pháp như Le Travail, Rassemblement, En Avant và báo Tin tức. Tại Hội nghị Trung ương 7, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm Quyền Tổng Bí thư Đảng thay Nguyễn Văn Cừ. Tháng 5/1941, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm Trưởng ban tuyên huấn Trung ương. Năm 1943, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Nhớ lần về thăm quê cuối cùng của Tổng Bí thư Trường Chinh trong 2 ngày 10 và 11/11/1987. Sau khi hỏi han chuyện làng, chuyện xóm, Tổng bí thư kể lại: Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật, ông đã xách va li về lại ngôi nhà này để làm việc. Được một thời gian ngắn, bọn thực dân phong kiến địa phương phát hiện, chúng báo lên với mật thám Nam Định là "Đặng Xuân Khu đang hoạt động tại địa phương", lập tức ập đến bắt ông.

Hôm đó, ông chỉ kịp cho tư liệu đang làm việc trong ngày vào va li và nhảy ra vườn đằng sau chạy về phía sông Hồng, nhờ người dân chài lưới chở sang Vũ Thư, Thái Bình. Chính trong cái tủ đứng của ông còn một số trang bản thảo, thư từ, tư liệu chưa kịp mang đi, mẹ của ông thấy động đã nhanh chóng mang mẹt vơ tất thư từ, tư liệu vùi xuống chuồng chấu một cách an toàn. Ít ngày sau khi đã yên ổn, các đồng chí liên lạc đã về thưa chuyện, rồi cùng vợ ông mang tư liệu sang cho ông.

Tổng bí thư Trường Chinh mất ngày 20/8 năm Mậu Thìn, cùng ngày, cùng tháng với Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo.

Theo banduong.vn
read more “Ai về Hành Thiện mà... nghe”

Sách "Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954"

LỜI TỰA II *

Sau cuốn “Làng Hành Thiện và các nhà nho Hành Thiện triều Nguyễn” đã được nhiều độc giả thích thú, nhà biên khảo sử Đặng Hữu Thụ lại đến với chúng ta với cuốn “Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954”. Cũng như cuốn trước, đây là một công trình biên khảo công phu. Gần mười năm là khoảng cách thời gian giữa hai cuốn sách: điều này minh chứng sự cẩn trọng của tác giả trong việc sưu tầm, tra khảo tài liệu, kiểm chứng sự kiện.

Cuốn sách này có một tựa đề rất khiêm tốn, vì dường như chỉ nói đến sự việc liên quan tới làng Hành Thiện, một làng nhỏ miền Bắc. thật ra tầm vóc của cuốn sách vượt xa phạm vi của một làng, không hẳn vì làng Hành Thiện có những nhân vật lịch sử như Nguyễn Thế Truyền, Đặng Xuân Khu… mà vì cuốn sách đã có nhiều chương, nhiều đoạn nói đến những vấn đề chung của cả nước Việt Nam, và nhất là cuốn sách này đã soạn thảo theo một chiều hướng viết sử rất cận đại.

Trong năm chương đầu, tác giả đã đề cập tới bối cảnh chung của những người Việt Nam ham học từ đầu thế kỷ 20, từ việc tổ chức hành chính, chính sách của Pháp, ảnh hưởng văn hóa Pháp, những khía cạnh giáo dục (sự hình thành và phổ biến chữ quốc ngữ), kinh tế xã hội (học phí, đời sống cư xá…) tới khung cảnh những năm chiến tranh 1945 – 1954. Từ chương 16 tới chương 20 tác giả nói tới những vấn đề binh bị (tổ chức dưới thời Pháp thuộc cũng như trong thời kỳ Liên Hiệp Pháp), chính trị (các đảng phái), văn hóa (văn thơ, nhạc, họa…), xã hội (quang cảnh đời sống…), tất cả những khía cạnh này có ảnh hưởng chung tới toàn dân Việt Nam, chứ không hẳn giới hạn trong phạm vi người Hành Thiện. Trong các chương còn lại (các chương 6 tới 15), tuy để nói về các nhân vật Hành Thiện xếp theo từng ngành chuyên môn, trong mỗi đầu chương, tác giả đều có một đoạn khá dài tả việc tổ chức học hành thi cử và nghề nghiệp của từng ngành. Các đoạn này tất nhiên có giá trị chung cho cả nước Việt: thí dụ như trong ngành Y Dược, tác giả tả rất rõ về ngành Y sĩ, Dược sĩ Đông Dương trước năm 1954.
Giá trị của cuốn sách cũng được thể hiện trong phương pháp viết sử. Tác giả đã tra cứu một cách nghiêm túc, đã nghiên cứu các sự kiện một cách có hệ thống và trình bày nội dung một cách rất mạch lạc, đúng như tiêu chuẩn của các học giả Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn,… đã đề ra. Tác giả Đặng Hữu Thụ còn đi xa hơn nữa vì ông đã theo đúng đường lối của trường phái lịch sử mới, xuất hiện ở bên Pháp vào thập niên 60, có xu hướng tìm kiếm những phương pháp mới, dựa trên những dữ kiện có tính cách toàn thể của một thời đại, không những dùng sách vở hoặc văn kiện mà còn dùng các phương tiện khác, như phỏng vấn, thăm dò tại chỗ… Tất cả những phương pháp này đưa tới một khoa học mới mà ta có thể tạm gọi là khoa nhân chủng lịch sử học. Các cuốn sách của tác giả Đặng Hữu Thụ làm chúng tôi nhớ tới cuốn “Montaillou, village Occitan” của sử gia Pháp Emmanuel Le Roy Ladurie, do nhà sách Gallimard xuất bản năm 1972. Trong sách này sử gia Le Roy Ladurie áp dụng các phương pháp dân tộc học, xã hội học, kinh tế học, chính trị học… tả lại đời sống trong một làng nhỏ bên Pháp và có nhiều đoạn có thể được đọc say mê như đọc tiểu thuyết. Trong sách của ông Đặng Hữu Thụ, độc giả cũng tìm thấy nhiều chi tiết rất lý thú về đời sống nhiều nhân vật làng Hành Thiện. Cách viết này đánh dấu một chiều hướng viết sử hiện đại, không chú trọng tới các biến cố lớn, các triều đại, mà chú trọng tới những giá trị căn bản của con người.

Tất nhiên khi đem tâm tình viết lịch sử, và viết một cách đam mê (như Hegel đã nói: “nếu không đam mê thì không làm được việc lớn”) nhất là trong hoàn cảnh một người trong cuộc, của một tác nhân có ảnh hưởng tới thời cuộc, người viết không thể hoàn toàn khách quan (như một sử gia ngoại quốc viết về Việt Nam chẳng hạn).

Đối với người đồng hương Hành Thiện, cuốn sách này rất cần thiết để bổ sung và điều chỉnh lại các gia phả nhiều họ trong làng, vì mỗi nhân vật trong cuốn sách này đều được kể lại theo dòng dõi gia phả. Như ông Đặng Hữu Thụ đã viết, nhiều cuốn gia phả hiện có của nhiều dòng họ không được kiểm điểm cặn kẽ, nhất là trong các mục học hành và bằng cấp nên có nhiều điều sai sót. Vì ông Đặng Hữu Thụ đã kiểm tra theo các tài liệu chính thức của các kho tài liệu Pháp tất cả các bằng cấp chức vụ của các nhân vật nói trong cuốn sách này, nên các điều ông viết rất chính xác.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu cuốn “Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954” của tác giả Đặng Hữu Thụ với độc giả. Đây quả là một công trình nghiên cứu đồ sộ, một tài liệu lịch sử có tầm giá trị quan trọng vượt hẳn chủ đề cuốn sách. Cuốn sách này xứng đáng để phổ biến không những cho những người làng Hành Thiện tại hải ngoại, cho người làng tại quốc nội, mà còn cho cả những sinh viên, những nhà nghiên cứu về sử học trong cũng như ngòai nước, và nói chung là cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam cận đại.

Nguyễn Thế Văn
Paris, ngày 30 tháng 6 năm 1999


* Đây là lời tựa thứ 2 cho cuốn Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954 - quyển thượng (Melun 1999) của tác giả Đặng Hữu Thụ, một luật gia, cựu Phó Chưởng Lý tòa Thượng thẩm Sài Gòn, cư trú tại Pháp từ sau 1975.
read more “Sách "Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954"”