(SVVN) Năm nay, Hành Thiện có 75 học sinh dự thi và... 72 bạn đỗ đại học, cao đẳng (47 bạn đỗ đại học, 25 bạn đỗ cao đẳng). Đây là một kỷ lục riêng của làng và cũng có thể là kỉ lục của cả nước ở thời điểm này.
Nghèo tiền bạc, không nghèo chữ
Gia đình ông Phạm Ngọc Toán (xóm 7 làng Hành Thiện) là một hộ nông dân nghèo điển hình của làng Hành Thiện. Căn nhà trống huếch trống hoác, chẳng có một đồ vật nào đáng giá, ấy vậy, nhưng "gia tài" của vợ chồng ông lại khiến cả làng phải ngưỡng mộ.
Người dẫn đường cho chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội khuyến học Hành Thiện: "Vợ chồng nhà ấy giỏi lắm, chỉ có làm ruộng thôi mà nuôi 3 đứa con học đại học. Giờ này sang không biết có ai ở nhà không, hai vợ chồng làm việc quần quật cả ngày từ sáng đến tối, không hở tay lúc nào".
Ruộng ít, cuộc sống của vợ chồng ông Toán phải trông cậy cả vào nghề phụ nấu rượu và vài con lợn nuôi thêm. "Hoàn cảnh gia đình như thế, có năm tôi không dám mong cho các em nó đỗ, ấy thế mà cứ đỗ. Mọi người động viên nhau cố gắng vì nhà mình như thế là giàu chữ đấy, mấy năm nữa giàu cả tiền" - ông cười.
Bác Phạm Ngọc Toàn nấu rượu và nuôi lợn - nuôi 3 con học Đại học
Chỉ tay vào tấm ảnh gia đình treo trên tường, ông Toán rạng rỡ khoe: "Đây là ba anh em nó. Cậu cả là Phạm Duy Trọng, học ĐH Nông nghiệp, sắp ra trường; cô hai là Phạm Thị Phương, đang học ĐH Thương mại năm thứ 4; thằng út là Phạm Ngọc Lâm, học ĐH Giao thông - Vận tải năm thứ 2. Chúng nó cứ tự bảo ban nhau mà học thôi".
Mỗi tháng nhận được 2 triệu đồng chắt chiu từ bố mẹ, ba anh em chi tiêu dè sẻn, thuê chung một nhà trọ, hằng tháng ra bến xe nhận gạo bố mẹ gửi lên. Đi lại khó khăn thì khắc phục bằng cách mua vé xe buýt tháng, đi mấy tuyến mới đến được trường. Không có phương tiện nên cũng không thể làm thêm được gì, cậu anh cả thỉnh thoảng lại được bác chủ nhà cho đi theo làm phụ hồ, đánh vôi. "Nhà có 8 phòng trọ nhưng ông chủ lại quý anh em nó nhất, về quê thăm chơi hai lần rồi...".
Ngày trước, tự hào về truyền thống "Đông - Cổ Am, Nam - Hành Thiện" (làng Cổ Am thuộc tỉnh Hải Dương xứ Đông xưa cùng với làng Hành Thiện của Nam Định có nhiều người học hành đỗ đạt cao), người làng thường nhắc nhau và kể cho khách đến chơi về những giai thoại như cụ Nguyễn Trọng Trù - lúc cày, bừa, giã gạo đều mang theo sách, đỗ cử nhân 25 tuổi; cụ Đặng Huyền đỗ tú tài năm 11 tuổi, cụ Nguyễn Như Bổng đỗ năm 60 tuổi...
Nay đến làng, mọi người lại khoe: nhà Phạm Ngọc Toán, chỉ ở nhà nấu rượu làm ruộng thôi mà nuôi ba con học đại học; nhà Chủ tịch xã Nguyễn Vũ Thịnh, vợ làm đồng nát mà nuôi ba con học đại học; ... Ngôi làng bé nhỏ chỉ với 6.000 dân này luôn đem đến cho người ta những điều ngạc nhiên.
Sức mạnh truyền thống
Ông Nguyễn Đăng Hùng cẩn thận lật giở từng trang giấy đã ố màu, ghi lại truyền thống của ngôi làng địa linh nhân kiệt - nơi sinh ra không biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước. Cả một tập tài liệu được giữ gìn cẩn thận với chi tiết từng cái tên, từng câu chuyện, từ thời Nho học với người "khai hoa" đầu tiên cho làng - cụ Nguyễn Thiện Sỹ (sinh năm 1501, đỗ cử nhân năm 1522) cho đến danh sách những học sinh trúng tuyển kỳ tuyển sinh 2008 - năm làng có tỉ lệ đỗ cao nhất từ trước đến nay.
Người thầy giáo - Hiệu trưởng trường chuyên của huyện năm nào giờ đã có thâm niên hơn 10 năm làm công tác khuyến học của làng. ông Hùng kể: "Ngay từ năm 1994, trước hai năm ra đời Hội khuyến học của Trung ương, chúng tôi đã có Hội khuyến học của làng Hành Thiện. Năm vừa rồi, Hội đã chi 8.292.000 đồng làm phần thưởng và quà cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh đỗ đại học, cao đẳng.
Quà động viên thì giá trị nhỏ thôi nhưng tổ chức trang trọng. Mỗi dịp có khen thưởng học sinh giỏi hay học sinh đỗ đại học làng lại như ngày hội vậy. Tôi đọc trên loa tên từng cháu một, con ông bà nào, ở xóm nào. Dân làng nghe tên con phấn khởi lắm. Nhà nào chưa được thì lại phấn đấu để được. Chúng tôi cứ tích cực kiên trì như vậy".
Học sinh cấp 3 tan trường
Dân Hành Thiện tự hào về truyền thống hiếu học và đỗ đạt cũng có nghĩa là tự hào về cái tên có từ thời Lê Trung Hưng thứ nhất - năm 1454 của làng mình (Hành Thiện là ngôi làng cổ thuộc hành lang phủ Thiên Trường).
"Cái đặc biệt nhất của làng là quan niệm của các cụ về chuyện học. Học không chỉ để làm ra tiền tài, của cải cho xã hội và bản thân mà còn để trở thành những con người có hiểu biết sâu rộng hơn về đạo lý làm người, gần với thánh hiền nhiều hơn. Học để có tri thức, sống hợp với luân thường đạo lý, với xã hội và với thời thế. Đồng thời học trở thành cái "nghề" của làng, ngoài hai nghề chính là nông nghiệp và dệt.
Những buổi sớm mai lẫn trong tiếng sáo diều vi vu, tiếng đập vải của các bà các chị là tiếng đọc bài ê a của các trò nhỏ. Cả làng cùng học. Hành Thiện có nghĩa là làm điều lương thiện, ông Hùng giải thích.
"Luyện thi" kiểu Hành Thiện
Lý giải về tỉ lệ đỗ đại học cao hiếm thấy của làng Hành Thiện, thầy Hoàng Trọng Sâm, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Trường - ngôi trường có rất đông con em Hành Thiện theo học, "bật mí": "Truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề định hướng nghề nghiệp và tổ chức ôn tập cho học sinh. Trong quá trình dạy và học, bản thân lãnh đạo chúng tôi phải nắm được tình hình học sinh qua các đợt thi và định hướng cho các em. Thí dụ, thi khối A phải 21 điểm trở lên và nên chọn những trường nào...
Bên cạnh đó, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật thông tin về điểm chuẩn của các trường hằng năm, dự báo cho học sinh và trước kỳ thi bao giờ cũng có tư vấn kỹ càng cho các em. Trong việc dạy học cũng phải linh hoạt. Cách thức thay đổi thì nội dung và phương pháp cũng phải thay đổi theo ngay. Thi tự luận thì ôn theo kiểu tự luận, tức là giải đề dài, khó; thi trắc nghiệm thì học hết sức cơ bản và chắc, giải những đề ngắn, một bài tập có thể chia thành 6, 7 bài nhỏ khác nhau. Có phương pháp để theo đúng thời cuộc, trong cách dạy của thầy và cách học của trò".
Niềm tự hào của ông Sâm chính là đội ngũ giáo viên ở trường. "Quan trọng nhất ở giáo viên là phải có kinh nghiệm. Trường tôi có 3 "bộ" giáo viên "ngon lành". Thông thường, Toán, Lý, Hóa được môn này sẽ "hỏng" môn kia, nhưng chúng tôi được cả ba vì cực kỳ chú trọng việc đào tạo nguồn kế cận trong chuyên môn.
Người ta chỉ hay nói đến kế cận trong lãnh đạo, nhưng ông Sâm lại có quan điểm cho rằng, kế cận trong chuyên môn mới cực kỳ quan trọng: "Hiện tại đội ngũ giáo viên trẻ, là học sinh cũ của trường rất đông và có kiến thức tốt. Chúng tôi giao chỉ tiêu cho tổ chuyên môn mỗi năm phải kèm một người, sao cho luôn có nhiều người dạy giỏi. Phải xem nếu thầy/cô này nghỉ thì ai có khả năng thay ngay được"...
Kiều Hải - Quỳnh PhươngLàng Hành Thiện là một địa danh nổi tiếng về số người học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt: 88 giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân (thống kê chưa đầy đủ). Trong khi đó, dân số của làng chỉ khoảng trên 6.000 người. Những năm gần đây, năm nào con em của làng cũng thi đỗ vào đại học, cao đẳng với tỉ lệ cao nhất nhì của cả nước.
Theo Sinh viên Việt Nam