Bàn thêm về câu ngạn ngữ: “Đông- Cổ Am- Nam, Hành Thiện”

Báo Hải Phòng cuối tuần số 53 và số 54 tháng 1-2008 có bài “Cổ tích mới về Đông Cổ Am- Nam Hành Thiện” của Lê Việt Thắng. Theo tác giả “Thời Nho học, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (Nam Định) sáng danh là làng khoa bảng “Đệ nhất đất Việt” về số người đỗ đạt cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Đất học Cổ Am và Hành Thiện cũng là nơi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong mạch chảy truyền thống, Cổ Am, Hành Thiện hôm nay thêm nhiều sự tích mới”...

article17702

Một góc làng Cổ Am (Vĩnh Bảo)

Tôi nhất trí với tác giả viết về truyền thống yêu nước, cách mạng của Cổ Am và Hành Thiện cũng như dân hai làng này đã kế thừa, phát huy truyền thống học hành của tổ tiên. Còn về Cổ Am Hành Thiện “sáng danh là làng khoa bảng” Đệ nhất đất Việt” về số người đỗ đạt cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình thứ 2 khác xa sự thực trong lịch sử thi cử Nho học nước ta.

Theo các sách Đăng khoa lục ghi chép về các khoa thi cũng như bia- đề tên tiến sĩ ở Văn miếu Thăng Long, ở Văn Thánh (Huế), chắc chắn danh hiệu “Đệ nhất đất Việt” về người đỗ đại khoa Nha học không phải Cổ Am và Hành Thiện. Bởi vì, xã Cổ Am xưa chỉ có 3 vị, gồm 2 vị đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ là Trần Lương Bật (khoa Giáp Thìn (1684) Cảnh Trị thứ hai triều Lê Huyền Tông) và Trần Công Hân (khoa Quý Sửu (1733), Long Đức thứ hai triều Lê Thần Tông) và 1 vị đậu Phó bảng: Lê Huy Thái (khoa Mậu Thân (1848) triều Nguyễn Tự Đức).

Còn làng Hành Thiện xứ Nam trước đời Nguyễn chưa có ai đậu khoa. Đến đời Nguyễn mới có 7 vị, gồm 3 đệ tam giáp đồng tiến sĩ là: Đặng Xuân Bảng (Khoa Bính Thìn (1856) Tự Đức thứ 9), Đặng Hữu Dương và Nguyễn Ngọc Liên (Khoa Kỷ Sửu (1889) Thành Thái thứ nhất. Và 4 Phó bảng là: Đặng Đức Địch (khoa Kỷ Dậu (1849) Tự Đức thứ hai; Đặng Kim Toán (khoa Mậu Thân (1849); Nguyễn Âu Chuyên (khoa Giáp Thân (1884) Kiến Phúc thứ nhất); Phạm Ngọc Thuỵ (khoa Tân Sửu (1901) Thành Thái 12). Nếu đem so sánh với những làng xã của địa bàn Hải Phòng ngày nay như xã Tú Sơn (Kiến Thuỵ) vào thời Lê-Mạc- Lê Trung Hưng có 9 vị đậu đại khoa, gồm 3 vị đậu đệ nhị giáp (tức hoàng giáp) như: Bùi Phổ (khoa Đinh Mùi (1487) Hồng Đức 18- đời Lê Thánh Tông) được dự Hội Tao đàn; Lê Thời Bật (khoa Giáp Tuất (1514) Hồng Thuận 6 đời Lê Tương Dực); Bùi Đình Dự, giải nguyên, đình nguyên (khoa Đinh Sửu (1757) Cảnh Hưng 18) . Trong số 9 vị đại khoa của Tú Sơn, riêng thôn Lê Xá có 7 vị. Ở đây chỉ so sánh trong phạm vi hẹp. Còn với huyện Đông Ngàn sứ Bắc, Mộ Trạch xứ đông; nhiều làng xứ Nam, xứ Đoài không hiếm những dòng họ kế thế đăng khoa, có làng đủ cả ba giáp tiến sĩ. Đến đời Lê Trung Hưng, đời Nguyên, xứ Thanh Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng... cùng vậy.

Bàn về các vị danh nho Hành Thiện khi làm quan “luôn giữ khí tiết được dân kính trọng, tác giả bài báo có nhắc đến Tuần phủ tỉnh Thái Bình Nguyễn Duy Hàn thì phải xem lại . Vì cử nhân Nguyễn Duy Hàn khi làm quan ở tỉnh Thái Bình bị Việt Nam Quang phục Hội xếp vào loại tay sai đắc lực cho thực dân Pháp- nên quyết định xử tử năm 1913. Khi ông bị xử tử, sĩ phu Bắc Hà có những câu đối viếng phê phán như:

Hành Thiện bản lai vô ác báo
Thái Bình thuỳ thức hữu phong ba.


Dịch nghĩa

Làm thiện xưa nay không ác báo
Thái Bình sao lại nổi phong ba.

(Tác giả chơi chữ: Hành Thiện còn là quê và Thái Bình là nơi làm quan).

Về chuyện cũ của hai làng văn hiến Đông Cổ Am- Nam Hành Thiện có đôi điều phải bàn như trên. Về phần sau, tôi hoàn toàn nhất trí với Lê Nam Thắng; đặc biệt vấn đề kế thừa phát huy truyền thống hiếu học, khuyến học, khuyến tài, giữ gìn nếp sống văn hoá dân tộc, truyền thống yêu nước cách mạng của nhân dân hai làng này, thật đáng biểu dương, tổng kết và học hỏi làm theo.

Vậy, nếu tôi không lầm thì câu ngạn ngữ trên vốn là: “Đông, Cổ Am- Nam, Hành Thiện thế ngôn chi đa sĩ”. Nghĩa là “Làng Cổ Am xứ Đông, làng Hành Thiện xứ Nam đời truyền có nhiều người làm quan.

Ngô Đăng Lợi
(Hội Sử học Hải Phòng)

Nguồn báo Hải Phòng

read more “Bàn thêm về câu ngạn ngữ: “Đông- Cổ Am- Nam, Hành Thiện””