Hành Thiện, đất “bút nghiên”

Ký ức của tôi về làng Hành Thiện gắn với tuổi 27 – 28, hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, khi tôi dạy Anh văn ở trường Trung học Nguyễn Khuyến (Nam Định) thì chiến sự bùng nổ vào buổi tối 19 tháng 12. Thành phố tiêu thổ, vây quân đội Pháp bên trong. Các hoạt động giáo dục văn hóa di tản ra vùng nông thôn.

Các thầy trường Nguyễn Khuyến cùng ông hiệu trưởng Phó Đức Tố đi một chuyển đò về làng Ngọc Cục, cạnh Hành Thiện, cách thành phố khoảng hai chục cây số về phía đông nam. Văn phòng trường ở Ngọc Cục.

Tôi nhớ có mấy bữa dạy ở nhà thờ xứ, lèo tèo chưa được chục học trò. Tôi cũng có dịp đi Hành Thiện luôn, vì có học trò cùng gia đình tản cư bên đó. Nhất là đất lành chim đậu, có một số văn nghệ sĩ tạm trú bên đó, đặc biệt cóVũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, …

Có cuộc họp văn hóa kháng chiến tỉnh Nam Định ở Hành Thiện, hồi đó tôi làm Chủ tịch Hội. Họp xong, vợ anh Trần Lê Văn, cô gái Thái Thuận Châu lên kể chuyện đánh tây ở Tây Bắc, anh Văn phiên dịch cho vợ. Anh bạn nhạc sĩ là Tạ Phước cũng về tản cư về Hành Thiện ít lâu.

Vì sợ quân Pháp đi tuần trên sông Ninh Cơ (nhánh sông Hồng) đổ bộ càn quét Ngọc Cục – Hành Thiện, trường Nguyễn Khuyến dời đi cách 7 km, tới Trà Bắc, sau chuyển đi Yên Mô ở Ninh Bình.

Nhớ đến Hành Thiện là nhớ đến làng khoa bảng. Các cụ cho phát như vậy là cho đất cát, phong thủy. Làng Hành Thiện thuộc phủ Xuân Trường hình con cá chép (Quan niệm xưa đi thi đỗ là cá chép vượt Vũ môn. Sách Hán có câu: “Vũ môn tam cấp lãng”. Theo Đào Duy Anh, tục ngữ ta cũng có câu: “Cá nhảy Vũ môn” để chỉ học trò đi thi.) .

Hành Thiện được sông đào Bùi Chu (chảy ra sông Ninh Cơ) bao bọc, cá thả hồ vẫy vùng. Đầu cá ở cuối làng phía chợ, cạnh miếu có mắt cá (cái giếng), nếu động vào là đau mắt cả làng. Đầu làng là rốn cá (một chỗ trống), động vào là làng có gái chửa hoang. Phía nam làng có 1 ruộng mạ hình cái nghiên mực, phía đông có mảnh đất dài hình cái đầu bút lông. Do đó mà Hành Thiện có sự nghiệp bút nghiên.

Phải qua nhiều nỗi gian truân, Hành Thiện mới định cư được ở mảnh đất “địa lý” đẹp [như] ngày nay. Vào thời nhà Lý, thế kỷ XI, các cụ tổ sống ở làng Hồ Xá (sau này thuộc huyện Nam Trực, Nam Định), giồng [trồng] loại Kim quất, - vua Trần thường đến chơi nơi này, nên có tên là Hành Cung trang. Đến thế kỷ XIV, Hồ Xá lở xuống sông Hồng. Các cụ di cư ra ngoài đê , lập làng mới. Làng này sau tách ra 2 trang, trang phía Bắc nay thuộc đất Thái Bình, gọi là Keo Trên, trang phía nam là Keo Dưới (còn gọi là trang Hành Cung). Đến thế kỷ XVI, đất lại lở, trang Hành Cung di xuống đất Hành Thiện hiện tại.

Đất học xưa có “Xứ Đông Cổ Am, xứ Nam Hành Thiện”. Hành Thiện có 7 vị đại khoa (Phó Bảng, Tiến sĩ), 92 cử nhân, 210 tú tài. Thời Nguyễn, đứng đầu toàn quốc về khoa bảng: Hành Thiện (88 vị đỗ đại khoa và cử nhân, trong đó đại khoa 7 vị), Đông Ngạc ở Hà Đông (42 đại khoa và cử nhân, trong đó đại khoa 9 vị), Cổ Am ở Hải Dương (18 đại khoa và cử nhân, trong đó đại khoa 2 vị). Từ thời Pháp thuộc cho đến nay (2005), số tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư Hành Thiện cũng rất nhiều, ở nước ngoài cũng không hiếm.

Xin kể vài vị trí thức Hành Thiện nổi tiếng về nhân cách. Cụ Đặng Mấu và cụ Đặng Hữu Bằng đi học ở Nhật trong phong trào Đông Du, cụ Đặng Kinh Luân sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục, ông Nguyễn Thế Truyền (kỹ sư hóa ở Pháp) đã ngang nhiên tát 1 Tổng đốc hống hách [(Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình)] ở bến Tân Đệ (Nam Định).

Sỡ dĩ Hành Thiện trở thành “đất bút nghiên” là vì đã có truyền thống học và môi trường văn hóa từ lâu đời. Từ trước 1945, có nhiều tế lễ, hội hè đình đám, các hội tư nhân như Thi xã (hội thơ, năm 1931, nữ sĩ tương Phố tham gia các buổi ngâm thơ ở nhà nữ sĩ Mộng Lan), hội cổ nhạc, hội tân nhạc (đặc biệt các năm 1946 – 48, hội tụ nhiều nghệ sĩ). Bác sĩ Phan Thanh Hoài, gốc Hành Thiện kể lại 1 cử chỉ khuyến khích học tập như sau: Bác sĩ Đặng Vũ Lạc bỏ tiền ra xin Công xứ cho xây trường tiểu học 6 lớp ở làng Hành Thiện (các làng chỉ có trường sơ học 3 lớp, học lên nữa phải học ở trường huyện); ông quyên các nhà giàu ở trong làng đóng tiền mua ruộng khuyến học, cho cấy rẽ, lấy tiền làm học bổng cho học sinh nghèo, - khi tốt nghiệp ra đi làm, phải hoàn lại tiền cho quỹ. Do đó, nhiều con nhà nghèo học được lên đại học, như bác sĩ Nguyễn Sĩ Quốc chỉ là con 1 ông bán dầu rong.

Một điểm cuối cùng là tinh thần tôn trọng thầy học. Các môn sinh đóng tiền mua ruộng hoặc biếu thầy, hoặc lấy hoa lợi tu bổ nhà thờ, mồ mả, giỗ Tết thầy. Ngay cả thời Tây học, truyền thống vẫn còn. Từ 1975, sau chiến tranh, học trò cũ liên trường Trung học Nam Định – Trà Bắc – Yên Mô (trong đó có Hành Thiện) thường xuyên họp ở Mỹ [?] để nhớ lại những kỷ niệm đẹp 1 thời học trò. Bản thân tôi cũng rất cảm động nhận được tin tức và thư từ của 1 số học sinh cũ người Hành Thiện. Thầy trò tóc đã bạc, tình nghĩa vượt qua những hàng rào tư tưởng, nếu có.

2005

HỮU NGỌC , NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VĂN HÓA

NXB GIÁO DỤC, tháng 4 – năm 2006.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét