Lai lịch Hành Thiện

Sự duyên cách làng ta trước kia không rõ, duy về đời nhà Lý (khoảng thế kỷ 12) thì ấp ta thuộc làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh (xã Giao Thủy trước ở tại Quảng Lăng, Quán Các, sau cũng bị lở xuống sông, rồi di cư đến phía Nam xã Lạc Quần và đổi là làng Nghĩa Xá, phủ Hải Thanh, đến đời nhà Trần thì đổi là Thiên Trường). Khi thuộc nhà Minh thì gọi là Phụng Hóa, đến triều Tự Đức, nhà Nguyễn đổi là Xuân Trường. Đời nhà Trần, ấp ta có vườn kim quất (cam ngọt) các vua nhà Trần thường hay đến chơi, nên đặt tên là Hành Cung Trang, đến đời Hậu Lê (thế kỷ 16) vì nước sông Nhị Hà xung khích bị lở xuống sông, các cụ Tổ ta mới di cư xuống ấp mới này (tức là xã Hành Thiện bây giờ) chia ra làm hai trang, phía Tây Bắc gọi là Trang Dũng Nhuệ (triều Tự Đức gọi là Dũng Nghĩa), nay thuộc huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình; phía Đông Nam gọi là Trang Hành Cung thuộc xã Giao Thủy (giao nghĩa là keo, nên tục gọi Dũng Nghĩa là Keo trên, làng ta là Keo dưới). Đến triều Minh Mạng (thế kỷ 19) đổi là Xã Hành Cung, đến năm Quý Mùi niên hiệu Minh Mạng thứ tư (1823) mới đổi là Hành Thiện.

Vậy thì làng ta có xã danh từ triều Lý đến nay gần 800 năm (bằng cứ vào việc dựng chùa) mà khi di cư đến đây là từ triều Hậu Lê, đã được gần 400 năm vậy.
Kiểu đất hình như con cá chép, bốn bên có nước, sông con chảy quanh, bên kia sông con, về phía Nam có một khoanh ruộng mạ thuộc xã Ngọc Cục, nay là phủ lỵ đóng tại đấy, hình như cái nghiên mực, lại bên kia sông còn về phía Đông thuộc xã Thượng Phúc, có một miếng đất dài và nhọn nằm ngay cạnh sông, hình như cái bút tẩm thủy, triều sang làng ta, khoảng ruộng sứ thần ở phía tây bên kia sông con, hình như cái bảng, vì có mộ Tổ họ Nguyễn để ở đây có dựng bia nên tục gọi là ruộng bia. Theo thuyết phong thủy, thì làng ta cũng là một nơi danh thắng ở đất Tiên Châu này vậy.

Theo hình thể khu đất làng ngoài, thì đầu cá ở về cuối làng (phía Nam) có Miếu và chợ bên cạnh miếu có trũng xuống một chỗ hình như cái giếng nhưng nông, gọi là mắt cá, trên đầu làng bên Vũ chỉ, cũng trũng xuống một chỗ độ bằng cái thúng, gọi là rốn cá (tưởng truyện mắt cá và rốn cá hễ vô ý động chạm đến thì làng động, xẩy ra sự không may), phía Tây làng tức là lối trước là bụng cá, phía Đông làng tức là lối sau gọi là sống lưng cá, từ đầu làng lên đến chùa là đuôi cá, dân cư chia làm từng giong hình như khúc cá.

Đông giáp xã Thượng Phúc, Tây và Tây Bắc giáp xã Dũng Trí và sông Nhị Hà, Bắc giáp xã Hạc Châu, Nam giáp xã Ngọc Cục.
Dân cư ở làm 2 khu: Làng ngoài và làng trong. Nguyên trước chỉ có làng ngoài tức là nơi thổ cư kiểu hình cá chép, sau mới di cư vào làng trong về phía Tây Nam sông con, giáp xã Ngọc Cục, và một khu trong cư công điền là trại Chí Thiện giáp xã Bùi Chu.

Làng ngoài chia làm 14 giong, giong nọ cách dong kia 60 ngũ, mỗi going chia làm hai xóm, nửa về phía Tây là Xóm trước, nửa về phía Đông là xóm sau, đường cái đi chung quanh làng, mỗi giong đều có đường nhỏ, xóm trước đi thông với xóm sau. Trong mỗi going chia ra từng thổ cư một, mỗi thổ cư có một sào 5 miếng đất và ao, tuy có going dài going ngắn, nhưng số thổ cư chỉ nhất định là 1 sào 5 miếng mà thôi.

Làng trong, thường gọi là Xóm trong, ở về phía Tây cách làng ngoài 1 con sông nhỏ, gọi là xóm Phú Thọ, chia ra làm 4 xóm nhỏ, cũng có từng going, địa thế tuy nhỏ hẹp, nhưng sinh tụ ngày một đông đúc, cũng là một nơi phồn thịnh.

Theo Hành Thiện Xã Chí

Đặng Xuân Viện - 1934


0 nhận xét:

Đăng nhận xét