Tôi thành thực xin lỗi bạn đọc vì sự chậm trễ của mình trên con đường khám phá “Tượng đài Tình Yêu”: Tuấn – Thư. Sự chậm trễ của tôi bởi nguyên do: “Tượng đài Tình Yêu” ấy do hai người kiến tạo nên, nhưng chìa khóa mở cửa vào Tượng đài, hiện chỉ do một người nắm giữ. Người đó chính là Anh Thư.
Từ khi manh nha biết về chuyện tình của họ, tôi đã đến với họ rất nhiều lần. Mỗi khi đến, tôi đều được Anh Thư tiếp đón niềm nở, được Tuấn nói chuyện say sưa. Tôi chưa khi nào thấy Thư biểu lộ nét buồn trên gương mặt phúc hậu. Đặc biệt đôi mắt to, đen láy của Thư mỗi khi tôi được nhìn vào thì vừa như phô bày một “mỏ quý” tâm hồn lộ thiên, vừa như ẩn chứa bao điều bí ẩn.
Tuấn và Thư bên nhau
Thư sôi nổi tranh luận bất cứ điều gì tôi nêu ra và thường đoán trước những điều tôi sắp nói. Khi đàm đạo về văn chương, thơ phú, một bài báo hay về một chủ đề nào đó, Thư rất “ hăng”. Nhưng hễ tôi gợi đến chuyện tình của họ thì Thư lập tức lảng sang chuyện khác. Tôi nhớ lần đầu đến với họ. Cứ nghĩ như những khi đến tìm hiểu viết bài thông thường, tôi đặt thẳng vấn đề về chuyện tình Tuấn – Thư thì Thư cương quyết phản đối. Thậm chí, buổi sáng đầu tiên ấy, Thư đã chào tôi và nói phải đi giải quyết công việc đến chiều mới về. Chính những thông tin ban đầu mà tôi có được là nhờ nói chuyện với Tuấn và bố mẹ anh khi Thư không có nhà.
- Nói thật với anh, em thì không có vấn đề gì, nhưng nhà em thì khó khăn đấy! Cô ấy không muốn tuyên truyền chuyện của chúng em. Cô ấy chỉ muốn mọi người nhìn nhận chúng em một cách hết sức bình thường chứ không muốn xáo động một cái gì. Bởi vì đối với chúng em mà đặc biệt là nhà em đã vượt qua biết bao điều dị nghị. Đó là những nghi ngờ, bình phẩm, bàn tán của bàn dân thiên hạ. Nào là nhất định con ấy trí tuệ không bình thường, chắc có vấn đề nhỡ nhàng gì đấy, hay bị thất tình rồi tặc lưỡi trả thù đời…
Thậm chí khi chúng em lấy nhau rồi không ít người còn dò hỏi xem “con ấy có biết làm gì không”. Mỗi khi nhà em ra ngoài đường thì bao nhiêu con mắt hiếu kỳ đổ dồn vào săm soi cứ như Thư là người từ hành tinh khác vừa đổ bộ trái đất. Đã có lần một người đàn ông ngỗ ngược đã sàm sỡ, đụng chạm vào cơ thể nhà em… Những chuyện như thế anh bảo làm sao em không thương cô ấy được. Nhưng rồi chính cô ấy lại động viên em: Mình cứ sống thật lòng mình rồi mọi người sẽ hiểu…
Có lẽ nghĩ tôi đã nản lòng mà bỏ cuộc nên khoảng hơn 11 giờ thì Thư về. Thấy Thư về, tôi và Tuấn chuyển ngay sang nói chuyện về thơ. Lúc chia tay tạm biệt họ, Thư vui vẻ nhắc: Thỉnh thoảng mời anh xuống chơi với vợ chồng em cho vui. Anh và chồng em cứ đọc nhiều thơ vào, chứ đừng hỏi về chuyện của bọn em nhé!
- Sao lại thế ?- Thì chuyện có vậy ai chả biết!
- Nhưng anh chưa biết và rất muốn biết cho tường tận!
- Thì qua thư từ, bọn em hiểu nhau, yêu nhau, lấy nhau… thế thôi!
- Thực lòng, anh muốn được chiêm ngưỡng “kho” thư của bọn em cơ!
- Thư của chúng em hỏng hết rồi!
Kho thư tình yêu của Tuấn-Thư
- Anh biết em bảo quản những bức thư ấy rất cẩn thận. Nghe đâu thỉnh thoảng em lại đem phơi cho khỏi ẩm cơ mà!
- Thế thì anh cứ chịu khó xuống đây, tình cờ gặp hôm nào em phơi thư thì tha hồ mà xem nhé!
Thế rồi tôi ra về mà trong lòng ngổn ngang suy tư. Biết Thư rất dí dỏm, thỉnh thoảng tôi lại điện hỏi thăm và khẩn khoản:
- Em ơi! Hôm nay trời nắng đẹp đấy, phơi thư đi em!
Tôi nhận được tiếng cười trong trẻo của Thư kèm theo câu trả lời:
- Ở chỗ anh nắng chứ ở chỗ em đang mưa to lắm!
Thế là tôi vẫn chưa thực hiện được ý định của mình.
Lúc đầu tôi cũng “lăn tăn” về sự bất hợp tác của con người này, nhưng nghĩ ra lại thấy rõ ràng mình không thể nôn nóng. Đứng trước một chuyện tình kỳ lạ đến như vậy, mình không thể đơn giản. Có lẽ chính sự sắt đá của “Người cầm chìa khóa” này mà câu chuyện tình cảm động đến thế diễn ra đã hơn mười năm và ở nơi chỉ cách thành phố Hòa Bình vài chục cây số mà cho đến nay vẫn ít người tường tận. Mặt khác, mối tình Tuấn - Thư được xây dựng một cách kỳ công đến kỳ bí như vậy thì tôi cũng không dễ gì hình dung nó chỉ trong một sớm, một chiều. Thế là tôi bình tĩnh và kiên nhẫn chinh phục Anh Thư như là “Chinh phục đỉnh Olympia” bằng cách thường xuyên đến thăm và đàm đạo với họ.
Đúng tám giờ sáng mồng 8 – 3 (2008), tôi cùng nhà báo Phạm Huy Định và bạn viết Hồng Nhung bất ngờ có mặt tại gia đình Tuấn Thư. Hồng Nhung tốt nghiệp đại học Sư phạm nhưng bị tai biến mạch máu não. Đã một thời gian dài Nhung liệt giường. Do nghị lực tập luyện đến nay Nhung đã đi lại được mặc dù còn rất khó khăn. Hiện Nhung đang dạy học tại nhà.
“Âm mưu” của chúng tôi là trao cho Tuấn một bó hoa tươi và nhờ Tuấn thay mặt cánh đàn ông tặng hoa cho Thư nhân ngày mồng 8 - 3. Tới gần nhà Tuấn Thư, chúng tôi tắt máy và dắt xe…
Những "báu vật" này thường xuyên được mang ra phơi để bảo quản
Đến cửa ngõ, cả ba chúng tôi đứng chết lặng khi thấy một chiếc chiếu trải ở sân gạch. Trên chiếu là những sắp phong thư đang phơi dưới nắng. Trong nhà tiếng máy may đều đều xen tiếng trò chuyện của Tuấn – Thư. Thời cơ có một không hai, tôi rút máy ảnh chụp lia lịa đống “vàng ròng” ấy.
Sau thoáng bối rối, Thư bình tĩnh nói: Em đã không muốn cho các anh thấy những bức thư ấy. Chúng em ý định chỉ để riêng cho mình. Nhưng thế này có lẽ chúng em không thể giấu được nữa. Các anh cứ vào nhà chơi. Bình tĩnh đã.
Được lời như cởi tấm lòng. Tuy thế, chúng tôi lại càng dè dặt và tôn trọng quyền quyết định của Thư.
Thay mặt Phạm Huy Định, tôi chúc mừng ngày 8-3 Thư và nhờ Tuấn thay mặt cánh đàn ông tặng hoa cho Thư. Thư chưa nói gì thì Tuấn lên tiếng: Ngày mồng 8-3, em tặng hoa cho nhà em rồi. Đó là bông hoa em tự tay gấp. Các anh đến thì các anh tặng hoa cho nhà em chứ! Thú thực với các bạn, chúng tôi nghĩ ra cái cách nhờ Tuấn tặng hoa cho Thư để có cơ hội chụp ảnh thế mà lại không thành. Cuối cùng tôi đành nhận phần tặng hoa cho Thư.
Tuấn gấp hoa tặng vợ ngày 8-3
Rồi sau đó, những bí ẩn đầu tiên được hé mở qua những trang thư đầu tiên trong số 304 bức thư của họ:
Nếu Tuấn là con cả của một gia đình có 5 anh em thì Thư lại là con thứ 3 của gia đình có 4 anh em. Nếu bố của Thư là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp thì bố của Tuấn là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hai bà mẹ của Tuấn và Thư cùng là những người phụ nữ nông thôn tần tảo, một nắng hai sương cho chồng yên tâm một thời trận mạc.
Vùng đất Hành Thiện và gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn, tính cách của người con gái tên Thư. Ngay từ những năm còn học phổ thông, Thư đã yêu thích sách báo, văn chương. Vốn sáng dạ, Thư chỉ theo học nghề may có 3 tháng là về mở cửa hiệu riêng. Vừa nhận may quần áo, Thư vừa tranh thủ những buổi đẹp trời đạp xe trên con đê ven làng. Từ cầu Lạc Quần đến cầu Đò Quan. Từ thành phố Nam Định qua Hải Hậu, Nghĩa Hưng… đến đâu Thư cũng mải mê thưởng ngoạn cảnh đẹp quê hương thanh bình và yêu dấu.
Thư luôn luôn tự hào về truyền thống cách mạng và văn hóa của quê hương cô. Rồi chính tình yêu quê hương đã nảy nở những cảm xúc để Thư cầm bút. Lúc đầu Thư viết những bài thơ ca ngượi tình yêu quê hương như là ghi lại những cảm xúc làm kỷ niệm cho mình. Dần dần Thư trở thành cộng tác viên của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nam Định. Thế rồi khi Đài tiếng nói Việt Nam mở Chuyên mục “ Kết bạn”, Thư lập tức tham gia để rồi sớm gặp Tuấn trên những trang thư. Cứ thế, những cảnh đẹp của quê hương Nam Định được Thư thu vào tâm hồn mình rồi kể qua trang giấy đến với Tuấn.
Khi được biết Tuấn - Thư viết cho nhau 304 bức thư thì tôi vô cùng ngạc nhiên và đầy thắc mắc: Họ viết những gì mà “khủng khiếp” thế? Lời lẽ yêu đương ở đâu mà lắm thế? Cảm xúc thế nào mà tuôn trào đến thế? Rồi tôi liên tưởng đến kỷ niệm về mối tình đầu, rồi tình yêu cháy bỏng của mình. Thú thực, khi ấy tôi cũng chỉ có vài bức thư là không biết viết gì nữa. Nếu có phải viết thêm thì chắc là tôi cũng chán vì có thể nó sẽ luẩn quẩn bởi lặp đi lặp lại. Thế mà Tuấn – Thư thì…
Lá thư đầu Tuấn viết cho Thư ngày 29/6/1995 thì ngày 03/7/1995 Thư viết lá thư đầu tiên gửi Tuấn. Ngay trong lá thư đầu tiên này, Thư đã giới thiệu và giải thích cho Tuấn về cái tên Hành Thiện quê mình. Hành Thiện có nghĩa là chuyên “Làm việc thiện”. Chính Thư đã dành thời gian vào nhà thờ Phát Diệm cùng với các Sơ chăm sóc người khó khăn, trong đó có không ít người tật nguyền. Có lẽ vì thế mà đến lá thư thứ hai, khi biết hoàn cảnh của người bạn trai tên Tuấn bị bại liệt, Thư không những không e ngại mà lòng đầy cảm thông.
Những lá thư tiếp theo, Tuấn đã thể hiện tình cảm của mình trước sự gặp gỡ một người bạn tri âm. Tuấn đã viết về Thư: “ẩn chứa một điều gì thiêng liêng quá đỗi/ Mà có cái nhìn mang cả nỗi niềm riêng”. Đáp lại thư Tuấn, Thư lại viết: “ Gặp anh tìm nỗi buồn thơ ấu/ Chỉ thấy tiếng cười trong trẻo giữa hư không”. Và khi bài thơ “ Chiếc xe lăn” của Tuấn được giải cuộc thi Thơ dành cho người khuyết tật do tỉnh Hòa Bình phát động thì Thư đã chúc mừng Tuấn và mong mình được là “ chiếc xe lăn” để “ Chở nỗi buồn đi/ Chở niềm vui về” cho Tuấn.
(còn nữa)
Lê Va (Vietimes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét