Giáo sư - AHLĐ Vũ Khiêu tại nhà riêng
Kẻ sĩ, cũng như những minh quân, càng cao niên càng dễ cảm thấy buồn và thấm thía hơn sự chông chênh của kiếp người có chữ, có chí. Đến như Nguyễn Trãi khi tóc pha sương cũng phải mượn câu thơ của Tô Đông Pha “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (Người đời mà biết chữ thì nhiều lo lắng hoạn nạn) để hạ một câu tâm sự cháy gan ruột: “Pha lão tằng vân, ngã diệc vân” (Tô Đông Pha từng nói thế, ta cũng nói thế). Nhưng dù từng phải vận hạn thế nào thì một trí nhân đích thực khi đã vượt qua cái mốc “thất thập cổ lai hy” thì cũng nên nhìn xung quanh một cách vô thường, vẫn đắm đuối với những nỗi đời ấm lạnh, nhưng cũng đừng nên quá bi quan mà tổn “thọ lộc” trời cho.
Không hài lòng với hiện tại nhưng nhìn tương lai với những hy vọng - đó có lẽ là cách hành xử duy nhất đúng của các cao nhân trưởng lão. Tôi đã nghĩ như thế sau cuộc trò chuyện với Giáo sư Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động thời đổi mới.
Cả làng cùng học
Thưa Giáo sư, ông là người làng Hành Thiện, cái nôi nổi tiếng của rất nhiều tên tuổi sáng chói trong bầu trời chính trị, văn học, nghệ thuật, khoa học Việt Nam. Đất sỏi trạch vàng, các cụ ta ngày xưa từng nói vậy. Có điều gì duy tâm chăng nếu ta giải thích hiện tượng nhiều danh nhân tầm cỡ quốc gia lại tập trung ở một làng nhỏ, đất chật người đông như vậy của tỉnh Nam Định, là ở yếu tố “địa linh nhân kiệt”?
Các bạn nghĩ thế nào, có gì thần bí hay không thì tùy, tôi cũng không biết nữa. Tôi thì tôi chỉ nghĩ rằng, mọi sự đều có tác động từ những nhân tố kinh tế - xã hội...
Tên khai sinh: Đặng Vũ Khiêu. Sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Từng là cán bộ thông tin, tự học mà nên. Từng giữ chức Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội, Viện trưởng Viện Triết học. Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có “Cao Bá Quát” (1970), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Nguyễn Trãi” (1980), “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam” (1980), “Bàn về văn hiến Việt Nam” (3 tập, năm 2000)... Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996). |
Đất Nam Định cũng là nơi có truyền thống hiếu học, một trong những cái nôi nhân sĩ trí thức lớn nhất của Bắc Bộ. Tuy nhiên, ở Nam Định cũng không nhiều làng lại tập trung được đông các “danh gia vọng tộc” và những tài năng về mọi mặt như Hành Thiện. Tôi cứ mường tượng tới một điều gì đó giống như vận may hay cơ duyên kỳ ngộ mà đất trời mang lại, chứ không chỉ thuần túy do những cố gắng của con người...
Mỗi một làng có một nghề riêng, có đặc sản riêng, hình thành theo các điều kiện khác nhau trong lịch sử. Thí dụ, nổi tiếng về đồ gốm sứ tốt thì là làng Bát Tràng... Hành Thiện là nơi người đông đất hẹp, nghề phụ chỉ có nghề đi học và nghề dệt vải... Ruộng đất rất ít cho nên nông dân ở làng so với tỉ lệ của những nhà trí thức cũng thấp hơn. Từ đấy nên xây dựng được truyền thống hiếu học, gia đình nào cũng thế, không có tiền đi học ở bên ngoài thì học tập dạy dỗ lẫn nhau, cha dạy con, anh dạy em, chú dạy cháu, cứ thế từ đời này sang đời khác...
Tôi nhớ, Giáo sư từng viết về không khí học tập ở làng quê mình thời trước như sau: “Buổi sáng sớm trong vùng ấy đã vang lên tiếng đọc sách của con trai, tiếng đập vải của con gái xen lẫn tiếng sáo diều réo rắt suốt đêm. Con giai cố học giỏi thi đỗ, con gái gìn giữ nết na để phụng dưỡng cha mẹ, để giúp chồng ăn học, dễ dạy con cái nên người:
"Sáng trăng, trải chiếu đôi hàng,
Cho anh đọc sách, cho nàng quay tơ...”
Thực thơ mộng! Lớn lên trong không khí ấy thì không thể không mê nghiệp đèn sách. Tôi muốn nhờ Giáo sư lý giải hộ điều này: Phải chăng là vì một làng mà có nhiều người hiếu học và học giỏi nên vừa tạo được phong trào học hỏi lẫn nhau cũng như thi đua với nhau học tập, dòng họ này với dòng họ khác, người này với người khác... “Con gà tức nhau tiếng gáy” cũng là một kiểu thi đua cổ truyền của Á Đông...
Không có điều kiện để làm những nghề khác nên người làng tôi tập trung vào việc học tập. Đi học và dạy học là một cái nghề phổ biến. Tôi nhớ, ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh là cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, chỉ theo học cha mình mà đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (năm 1856)...
Đó là dưới triều vua Tự Đức. Tôi cũng nghe nói thời ấy đỗ Tiến sĩ là khó khăn lắm, không nhiều người được vinh dự đó đâu...
Đúng. Bởi lẽ vua Tự Đức là người thông hiểu Nho học, giỏi thơ văn. Ông tự mình chấm Tiến sĩ, chứ không giao cho ai khác việc này. Khi cụ Đặng Xuân Bảng đậu ông Nghè, đã được vua Tự Đức ban cho biển đề: “Phụ giáo tử đăng khoa”, nghĩa là cha dạy con mà thành đạt! Vẻ vang thế đấy...
Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như cụ Nghè Đặng Xuân Bảng về sau có làm tới chức Tuần phủ tỉnh Hải Dương, rồi lại chuyển sang làm Đốc học tỉnh nhà Nam Định nên người ta hay gọi là Cụ Tuần Đốc...
Đúng thế. Cụ Tuần Đốc về sau cũng mở trường dạy học. Em ruột của cụ cũng từng làm giáo thụ ở phủ Kiến Xương bên Thái Bình. Bởi thế, học trò theo học các cụ rất đông... Con em trong nhà theo học cũng nhiều... Thân phụ của ông Trường Chinh cũng nổi tiếng về viết sách...
Phúc đức tại mẫu
Thế dòng họ Đặng Vũ của Giáo sư thì thế nào? Hình như một người bà con của Giáo sư, lương y Đặng Vũ Chương, có viết hai câu thơ nhắc tới truyền thống của gia đình dòng họ Đặng Vũ: “Một nét văn chương, một nét nhà, Một hồn thơ triết, một đời hoa...”.
Ông cụ trước tôi ba đời tới tuổi 40 mà chưa đỗ đạt gì cả. Về sau, ông cụ lấy một bà bên Trực Ninh làm vợ, tuổi lúc đó cũng gần 30. Xuất giá tòng phu, bà cụ về nhà chồng, chăm lo cho chồng ăn học. Hai cụ sinh được 6 người con, trong đó có hai con gái. Các cụ cũng bắt các con gái của mình phải chăm lo cho chồng ăn học. Hai người con rể của các cụ về sau đều đỗ cao, làm quan to lắm...
Tôi được nghe kể lại, gia đình các cụ hồi đó rất nghèo, cơm chẳng đủ mà ăn, phải ăn kèm cả cám, nhưng con cái trong nhà vẫn rất chí thú học hành. Tất cả 4 người con trai của các cụ về sau đều đỗ cử nhân hết, làng gọi là “tứ tử đăng khoa”... Trong chuyện này cần phải nói rằng, không chỉ nhờ cha dạy con mà còn ở phần rất lớn nhờ vai trò của bà mẹ dệt vải suốt ngày suốt đêm để nuôi chồng con ăn học. Phúc đức tại mẫu. Người đàn bà có vai trò rất quan trọng để tạo dựng nên truyền thống hiếu học của một làng quê. Các cô gái ở làng ngày xưa cũng thường chọn những người có chữ để lấy làm chồng...
Theo Hồng Thanh Quang
Công An Nhân Dân
Nguồn Dân trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét