Hai chùa Keo (bài viết của Nguyễn Trương Quý)

Theo lịch sử thì chùa Keo nguyên ở trên đất Giao Thủy, cạnh sông Cái, có từ năm 1061. Năm 1611, nước sông dâng cao làm ngập khu vực chùa. Người dân vùng Keo dựng hai ngôi chùa mới, một là Keo Trên ở Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình ngày nay và chùa kia là Keo Dưới ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định vào khoảng năm 1630. Cả hai ngôi chùa đều thuộc hàng những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Chùa Keo Duy Nhất

Đây là ngôi chùa cổ lớn nhất Việt Nam cho đến đầu thế kỷ 21, tính về số gian: 17 tòa, 128 gian trên diện tích 5,8ha. Chùa có kiến trúc cao rộng chứ không thấp, tối như nhiều chùa cổ khác. Vì thế những tòa chính điện to bằng cỡ những tòa đại đình. Chùa cũng có những chạm khắc tinh xảo và giàu sức sống. Chùa nằm ở cạnh đê sông Hồng, xung quanh là ba bốn nhà thờ. Chùa có lớp lang theo lối tiền Phật hậu Thánh, thờ Sư Không Lộ (Nguyễn Minh Không), ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam.


tam-quan-noi-chua-keo

1. Tam quan nội. Chùa có hai tam quan, bên ngoài là một tòa kiểu chữ nhất mái cong không xây tường bao. Tam quan nội có vẻ đẹp bình dị, lại gần thì rất xinh xắn do tỉ lệ cân đối. Sinh viên kiến trúc khi học môn cơ sở kiến trúc có một bài vẽ mặt bên tam quan này. Hai bên tam quan còn có hai cửa ngách xây bằng gạch

cua-tam-quan-keo-vu-thu

2. Cánh cửa tam quan nội. Đây có lẽ là cánh cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. Chủ đề chính chỉ là hai con rồng nhưng những trang trí lửa hóa long, sóng nước và vân mây sinh động làm cho tấm gỗ như gấm. Thêm vào nữa là cánh cửa khá lớn (cao 2m), mặc dù nhìn từ xa thì tòa tam quan không lớn lắm. Cánh cửa này gần đây được đền Đô copy lại làm cửa tam quan mới.


chua-keo-vu-thu

3. Sau tam quan nội là đến một bãi rộng, rồi đến tiền đường. Tòa nhà năm gian hai chái to như cái đình, hai bên là giải vũ. Vẻ nhịp nhàng và hoàn thiện của các tòa nhà khiến chùa Keo trông rất bõ công để thăm viếng.

cham-canh-bia-chua-keo

4. Hai tấm bia ở hai bên tòa tiền đường là hai tấm bia tuyệt đẹp với chạm khắc lộng lẫy cả bốn diện. Đặc biệt, bia đứng trên những cánh sen xếp lớp thay vì rùa.

canh-sen-chan-bia-chua-keo

Trên mỗi cánh sen lại có hoa văn tinh xảo. Thời gian làm mòn đi nhiều nhưng vẫn thấy vẻ tuyệt tác.

nha-tien-te-chua-keo

5. Tòa trung đường lại theo lối không có mái đao mà hai đầu hồi lại có giá kèo hai tầng (gọi là giá roi). Những chống chéo ở đây có lẽ làm cho hệ bảy hiên vuông góc đỡ cứng. Chú ý là ngày xưa dùng đinh sắt có mũ hình bông hoa thị (những cái đinh đóng ván gỗ diềm đầu hồi). Công trình vừa mộc mạc nhưng lại "ăn chơi" - những chỗ "mềm" của kết cấu gỗ đều có trang trí chạm khắc. Trong khi đó, song cửa đơn giản với hàng song đan mau và vách bưng ván lụa âm dương. Vì thế vẻ đẹp có sự tự hào của kẻ biết chơi.

tay-chong-con-son-nha-tien

6. Những cái chống chéo rất công phu, và những tầng tầng lớp lớp khối gỗ kê lên nhau cho thấy dựng được cái mái này là cả một nghệ thuật. Vì những khối gỗ khá to, chứ không chẻ nhỏ như mái của Tàu. Nhìn lại gần mới thấy những song cửa cũng không vuông đơn thuần: ở đoạn giữa, chúng được bào vát lượn góc cho nhỏ lại.

dau-hoi-hau-cung-chua-keo

7. Tòa thiêu hương. Kiến trúc cổ nằm giữa cây xanh nên mang vẻ rất thanh nhàn. Tổ hợp trang trí trên mái nhuần nhuyễn và buông mảng lớn cho diện mái và tường vách gỗ bên dưới.

hien-chua-keo-1

8. Tiếc là không còn lưu đủ ảnh để làm ví dụ, nhưng ở trong chùa có những góc nhỏ xinh thế này. Không hoa mỹ bằng Bút Tháp nhưng có cái vẻ khỏe mạnh của nét đơn giản.

ban-tho-chua-keo

9. Không Lộ thiền sư sinh năm 1065, là Quốc sư nhà Lý. Nhiều nơi thờ, trong đó có đền Lý Triều Quốc Sư ở phố Lý Quốc Sư và chùa Thần Quang, Ngũ Xã, Hà Nội. Chùa Thần Quang này có pho tượng đồng A Di Đà to nhất VN, cao 4m, nặng 12,3 tấn. Làng Ngũ Xã trước đây nổi danh đúc đồng, giờ thường người ta phải về Đồng Xâm, Thái Bình để đúc. Ai nghe bài Nắng ấm quê hương của Vũ Thanh chắc cũng biết câu: Cho anh về quê mình, cùng làm lúa cùng trồng đay, cùng dệt cói cùng đan mây. Tay em chạm vàng, tay em khảm bạc, làm giàu cho quê hương, Thái Bình ta đó, mà lòng anh yêu thương... Làm giàu thật. Đúc chuông bây giờ đang cực đắt hàng. Mỗi quả chuông cao 70cm có giá chừng chục triệu. Còn loại khổng lồ đua nhau lớn nhất VN thì khỏi nói. Nhưng quan trọng là đúc xong, đánh phải kêu.

la-han-chua-keo

10. Cũng tượng La Hán, nhưng ở chùa Keo có vẻ không sôi động lắm. Trông ông kia mới chán đời chứ.

gac-chuong-chua-keo-3

11. Gác chuông chùa Keo được xem như điểm nhấn của quần thể, đóng lại không gian chung. Những kết cấu gỗ chồng rường dưới mái có ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng ở đây các đầu dư thưa hơn, tạo thành các cụm. Độ cong của mái đao vẫn là kiểu Việt Nam, cong nhờ tầu mái và ở phần giữa vẫn dốc đều chứ không cong toàn bộ như hai nước kia. Những đầu dư vươn ra cũng tranh thủ uốn cong, làm cho các góc giao nhau như bông hoa nở. Chùa Bối Khê cũng có gian hậu cung kết cấu mái chồng rường giống thế này. Nhưng gác chuông chùa Keo với độ cao của nó thì chưa có chùa nào gây ấn tượng bằng. Thêm nữa, trang trí chạm khắc gỗ rất hoa mỹ mà không sơn phết khiến kiến trúc này tựa như một công trình điêu khắc từ một khối thô mộc - những ai hâm mộ kiến trúc thô mộc và biểu hiện sẽ kết loại này.

gac-chuong-chua-keo-2

gac-chuong-chua-keo-1

12. Hai bức ảnh này chụp hồi năm 2006, khi đó người ta đang sửa. Những công phu thế này phản ánh một đặc điểm của người Việt xưa: những gì đẹp đẽ tài hoa đều chỉ nhỏ xinh và vừa vặn. Tôi khó lòng tin rằng những tính từ mô tả "cao vài trăm trượng tới mây xanh", "tháp ngọc lưu ly, cung vàng điện ngọc san sát" là tả thứ có thực hoặc đẹp hơn thế này. Dễ hiểu bởi vì kết cấu gỗ phụ thuộc cây gỗ, vốn cũng chỉ dựng được những tòa đại đình vài gian hàng ngang là kịch kim, cũng như chiều cao hai ba tầng là hiếm hoi thấy xuất hiện. Thêm nữa, gần như thế kỷ nào cũng có loạn lạc, chiến tranh, con người không thể yên ổn mà làm nổi những gì to lớn hơn cái đã có. Cửu Trùng Đài với Vũ Như Tô là một câu chuyện đáng buồn cho tham vọng của người Việt.

goc-trong-gac-chuong-chua-k

13. Kết cấu gỗ ghép khít vào nhau. Nhưng vì thế mà trong lòng gác chuông khá tối và thấp. Người ta đã trùng tu dùng ngói chiếu có hình ngôi sao - là ngói bây giờ. Sao không dùng cái ngói nào có hình hoa gì mà lại là ngôi sao, tân kỳ thế?

ben-trong-gac-chuong

14. Mấy người đi cùng thắc mắc: đã mất công làm gác chuông đẹp thế mà sao bên trong lại chật, thấp và cầu thang khó leo thế. Chú ý là đến con kê thanh xà treo chuông ở dưới cũng chạm hoa văn. Rất trau chuốt.

chuong-chua-keo

15. Gác có hai quả chuông. Qủa chuông to và dáng hơi khum này có hẳn một bài minh dài. Chuông cao phải đến 2,5m (so sánh với chân người mặc quần bò bên dưới). chiem-nguong-nghe-thuat

16. Trên tầng 3. Rất thấp nên chỉ có thể ngồi khom khom. Qủa chuông này nhỏ hơn.


Phía sau gác chuông, là khu vực nhà Tổ và nơi ở của sư sãi. Những công trình này mới xây, hoàn toàn không có gì đáng kể so với những gì phía trước. (...)

Chùa Keo Hành Thiện


Chùa Keo Hành Thiện có lẽ làm sau chùa Keo Duy Nhất một chút. Chùa chỉ ít hơn ngôi chùa kia số gian và số tòa - 13 tòa và 121 gian. Chùa còn nguyên vẹn và bề thế, mặc dù có cấu trúc không gian giống chùa bên Thái Bình nhưng có những nét khác biệt về kiến trúc. Hai ngôi chùa nếu tính theo đường chim bay chỉ cách nhau chừng 2-3km ở hai bờ sông Hồng.

voi-da-keo-hanh-thien

1. Trước tam quan ngoại là đôi voi đá. Con voi có cả ngai, nhưng trông giống voi truyện tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình hay Mai Long ngày xưa, kiểu voi thiếu nhi biết căm thù giặc và yêu nước. Tiếc là cặp ngà đã bị gãy. Những hoa văn trên ngai và diềm cổ rất đẹp, quả chuông còn được chạm lệch. Chú ý chân voi khía hình cánh hoa!

bia-da-keo-hanh-thien

2. Con rùa đội bia thì lại tả thực quá. Cảm giác ở đây rất thanh bình, mùi rơm rạ và gió đồng thổi hây hây.

tam-quan-keo-hanh-thien

3. Gác chuông này theo lối chồng diêm, đóng vai trò của tam quan nội. Người ta giữ được chất lượng rất tốt, chỉ ghét cái cột điện trồng ngay cạnh mái đao. Hồ bán nguyệt thoáng sạch chứ không đục lờ như những chùa Bắc Ninh đã đi.

tam-quan-keo-hanh-thien-2

Cái màu ngói và dáng đầu đao thật đẹp. Đây là một ngôi chùa gây ấn tượng hoàn hảo cho mình.

tam-quan-keo-hanh-thien-3

4. Buổi chiều bình yên của làng quê Bắc Bộ. Hi vọng người ta không xây những ngôi nhà cao tầng xung quanh, để tôn được hình ảnh kiến trúc này.

tam-quan-chua-keo-hanh-thie

5. Thật buồn cười vì mãi vẫn chưa đi khỏi cái tam quan, chỉ vì nó có nhiều góc hay ho.

tran-bia-keo-hanh-thien

6. Ở tầng dưới là hai tấm bia. Trán trán bia có chạm hai hình Quan Thế Âm (hay tiên) cưỡi rồng chầu mặt nguyệt.

bia-co-mai-hanh-thien

7. Tấm bia bên kia thì có mũ với chạm khắc rất lộng lẫy. Đặc biệt những dây hoa cúc ở hai bên diềm thật tinh vi. Tay người khắc như múa vậy, vì những nét ở đây mảnh và mịn như dệt lụa.

vi-keo-tam-quan-hanh-thien

8. Tiếc là tấm ảnh hơi nhòe, nhưng để thấy được kết cấu chồng rường trên nóc, đặc trưng của thời Hậu Lê. Những con kê và đầu xà cũng uốn lượn, dùng chính cả khúc gỗ làm chi tiết trang trí trong tổng thể luôn. Giống như một ổ rồng đang quấn quýt đỡ mái.

gac-chuong-keo-hanh-thien

9. Bên này treo chuông, bên kia là khánh. Gác chuông rộng rãi và phong quang, thể hiện đẳng cấp của ngôi chùa đặc biệt.

khanh-keo-hanh-thien
Cái khánh ít trang trí nhưng khuôn nét cực sắc sảo.

tien-duong-chua-keo

10. Tòa tiền đường không hiểu sao lại có đường giọt gianh hơi vồng lên ở giữa. Có vẻ như thời sau xây thêm hai cổng ngách vì kiến trúc mái vữa bằng ngói ống là đặc trưng của thời Nguyễn. Những cái lỗ trên các cối đá giữa sân là nơi cắm lọng cho ngày lễ hội.

chan-cot-keo-hanh-thien

11. Gạch hoa đời sau viền theo đá tảng chân cột. Tuy đơn giản nhưng cho thấy nếu dụng công, hoàn toàn chấp nhận được. Viên gạch hoa cũng là kiểu cổ, và đường viền cũng rất khéo.

thieu-huong-keo-hanh-thien

12. Tòa thứ nhất của khu tam bảo. Ở chùa này, cụm tam bảo chữ công có lối vào lại từ ống muống ở giữa. Nên tượng thờ sẽ quay lưng về mặt trước này. Tỉ lệ của tòa này cân đối, xinh xắn quá. Mái cong bốn góc có cái hay là với số gian ít hay nhiều đều hài hòa, có lẽ là vì độ thấp của nó, không vươn cao quá, cũng như màu sắc trầm của ngói mũi hài.

cham-tro-keo-hanh-thien

13. Thật tuyệt đẹp! Không hiểu sao mình thực sự sung sướng (cảm động nữa) khi tận mắt nhìn thấy những chạm trổ này. Như thể người ta vẽ một bức tranh bằng thớ gỗ vậy. Mà nhất là không có màu gì ngoài màu gỗ (có quét dầu chống mối). Tỉ lệ hoàn hảo, đặc rỗng và to nhỏ thật kinh điển.

vi-keo-keo-hanh-thien-3
14. Còn đây là những chỗ tuy hơi phô trương nhưng cũng thật đẹp.

vi-keo-keo-hanh-thien-2

vi-keo-keo-hanh-thien

Người ta sơn lên khá cầu kỳ bằng sơn ta, khói nhang đã làm xỉn đi nhiều. Không biết có đồ án hay không, chứ phải nói là tâm thế người thực hiện phải rất sáng sủa để khớp tất cả lại với nhau.

ca-go-keo-hanh-thien

15. Con cá làm mõ đã bị mục, thật tiếc. Trên mình nó còn những chi tiết chạm điệu nghệ.

Chùa Keo Hành Thiện có lẽ ít người đến hơn Duy Nhất. Nếu đến thì nên tới vào mồng một hoặc rằm, thì có thể vào trong các tòa để xem và chụp tượng. Khi tôi đến thì chỉ được xem loanh quanh bên ngoài và ngó bên trong chút ít.

Nguồn blog Nguyễn Trương Quý

1 nhận xét:

  • CẢM ƠN NHÉ! BÀI VIẾT GIÚP MÌNH HIỂU THÊM VỀ GIÁ TRỊ ĐIÊU KHẮC, KIẾN TRÚC VN. NHẤT ĐỊNH SẼ CÓ NGÀY RA THĂM CHÙA KEO

Đăng nhận xét