Ngôi làng "cổ tích"

Tên ngôi làng "Hành Thiện" gắn với một câu chuyện đẹp về vị vua có trí và có đức - Vua Minh Mạng. Khi lên ngôi, yêu mến ngôi làng nhỏ có rất nhiều người đỗ đạt cao, người dân chân thật, hồn hậu, chuyên làm điều thiện, vua Minh Mạng đã ưu ái ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng: "Mỹ tục khả phong" và đổi tên thành Hành Thiện.

Làng Hành Thiện thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Làng được chia thành 14 xóm, tương đương với 14 khúc trên mình con cá chép, mỗi xóm cách nhau đúng 60 mét (con số này chính xác đến từng milimet). Đây là nét rất độc đáo của ngôi làng cổ này. Bản đồ của làng được lập rất công phu, thể hiện trình độ học vấn và sự uyên thâm của các bậc tiền nhân. Ở chính giữa đầu cá có chữ Miếu, chính là miếu thờ thần dựng làng, xuống dưới một chút là chữ Thị - khu chợ, nơi tụ họp đông đúc, thể hiện nét văn hóa phồn thực của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nhìn về phía cuối bản đồ, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy chữ "Nội tự", đây là ngôi chùa làng Hành Thiện (có tên gọi khác là chùa Keo Hành Thiện hay Thần Quang Tự).

Người xưa có câu "Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện". Ngôi làng nhỏ bé Hành Thiện ấy nổi tiếng là đất học, có nhiều người đỗ đạt. Dù trong giai đoạn lịch sử nào, làng Hành Thiện cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước. Dưới thời phong kiến, làng có 419 người đỗ đạt, trong đó có 7 vị đại khoa, 3 tiến sỹ, 4 phó bảng, 97 cử nhân. Sử sách cũng đã ghi lại có những gia đình ở làng Hành Thiện có 9 người (cha - con, chú - cháu) cùng đi thi, có 7 người đỗ cao. Giai đoạn học chữ Pháp tuy rất ngắn, nhưng làng Hành Thiện cũng có 51 vị ghi danh. Trong đó có một tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của dân làng Hành Thiện, Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Cũng trong giai đoạn lịch sử này, Trường sơ học Hành Thiện được thành lập và xây dựng từ tiền công quỹ của làng, dạy học trò đến lớp nhất tiểu học (lớp vỡ lòng). Những cái tên Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Khu, Đặng Xuân Thiều đã làm rạng danh làng học trong thời kỳ đầu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những giai đoạn tiếp theo, làng Hành Thiện là nơi sinh dưỡng cho đất nước những người con ưu tú, nắm giữ những cương vị chủ chốt trong quân đội và các cơ quan Trung ương. Dù ở cương vị nào, những người con Hành Thiện cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một lòng vì Đảng, vì nhân dân. Không thể kể hết những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho những người con làng Hành Thiện. Sự nghiệp đổi mới của đất nước đang giành được những thắng lợi bước đầu, làng Hành Thiện lại tiếp tục góp sức cùng cả nước bằng tài năng, trí tuệ của mỗi thế hệ người Hành Thiện hôm nay.

Chùa Keo Hành Thiện được xây dựng theo kiểu "Nội nhị công, ngoại thất quốc" trên diện tích 5 mẫu Bắc Bộ (tương đương 1,8 ha). Chùa có quy mô bề thế với 13 tòa rộng. Dãy dài gồm 121 gian tạo thành những cụm kiến trúc hài hòa, cân đối. Chùa còn giữ được nhiều mảng chạm khắc mang đậm phong cách thời Hậu Lê và nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị như sập thờ, tượng Đại Pháp thiền sư Không Lộ bằng đồng, chuông, khánh đồng, bia ký, hoành phi, câu đối và các sắc phong của nhiều triều đại. Sau chùa Phật là đền Thánh thờ đức Thánh Tổ Đại Pháp thiền sư Không Lộ họ Dương, người đã có công thờ vua giúp nước, được nhân dân kính trọng.

Chùa Keo Hành Thiện đã được liệt vào danh sách cổ tự theo nghị định của toàn quyền Đông Dương và được xếp hạn di tích lịch sử năm 1962 theo Quyết định của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thông tin). Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày từ 13 đến 15 tháng 9 âm lịch, lễ hội chùa Keo Hành Thiện được tổ chức rất long trọng với nhiều hình thức vui chơi bổ ích như bơi chải, thi đánh cờ, thi nấu cơm, thi ném pháo...

Theo tổng điều tra dân số (năm 1999), làng Hành Thiện có 6.230 người, 12% trong số đó có bằng cử nhân trở lên. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm làng có trên dưới 30 học sinh thi đỗ và các trường đại học, cao đẳng. Đây sẽ là lực lượng kế cận các bậc tiền bối, tiếp nối truyền thống người Hành Thiện.

Niềm tự hào của người Hành Thiện

Đó là nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh, thuộc xóm Bảy, làng Hành Thiện. Ngôi nhà này do Tiến sỹ Đặng Xuân Bảng xây dựng vào năm Nhâm Dần (năm 1903) cho người con trai thứ tư là Đặng Xuân Viện. Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương

tại Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Khu nhà trên gồm năm gian làm bằng gỗ lim, hướng Nam, lợp ngói ta, hai hồi và tường hậu xây gạch. Hai gian buồng ở hai đầu, có bức chạm ngăn cách với khu nhà khách ở giữa. Cửa hồi phía Đông thông xuống bếp rồi đến dãy nhà ngang lợp bổi, gồm năm gian nhỏ. Phía trước có tường hoa, sân gạch và một ao nhỏ nằm sát phía ngoài với đường giong. Bờ ao có một số cây lưu niên. Giáp đường là hàng dậu bằng tre được xén ngay ngắn. Lối vào là cổng gạch xây khá cổ kính. Bên cạnh khu nhà này vừa là ngôi nhà khách, vừa là nhà trưng bày lưu niệm, nguyên là nhà của ông Đặng Xuân Tiết - anh ruột ông Viện. Đây là ngôi nhà năm gian, bằng gỗ lim, nằm cùng dãy quay hướng Nam như ngôi nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh.

Khu nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh là di tích lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, giữ nhiều trọng trách quan trọng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hàng năm, hàng ngàn lượt người đã về đây, từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến các đoàn khách quốc tế, các tầng lớp nhân dân để tỏ lòng thành kính với một nhân vật lịch sử kiệt xuất trong lịch sử nước Việt.

Trích từ "Nam Định - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI"-NXB Chính trị quốc gia
read more “Ngôi làng "cổ tích"”