Đất khoa bảng, quê mỹ nhân

Những tưởng câu nói: “Bắc Hà, Hành Thiện, Quan Diễn, Quỳnh Lôi” nói về các “miền gái đẹp” như vùng đất sông Lô nhưng hóa ra đây lại là câu vinh danh đất học và khoa bảng. Một làng có truyền thống hiếu học và nhiều người thành đạt, lại là nơi có lắm mỹ nhân...

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, có một điều bất ngờ đầy thú vị là một người con làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vùng đất nổi danh khoa bảng trở thành Á hậu 2, đó là Đặng Minh Thu. Trước đấy, hai Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Diệu Hoa (1990) và Nguyễn Thu Thủy (1994) cũng là người quê ở Hành Thiện.


Đường vào xóm 7 làng Hành Thiện

Quê hương những người đẹp

Vượt qua thành phố Nam Định khoảng 30 km, chúng tôi có mặt ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường vào một buổi sáng. Trời mưa to nên đường làng vắng lặng, thoảng có người qua thì lại trùm kín áo mưa nên đi mãi mà chúng tôi vẫn chưa có cơ may được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cô gái làng.

Theo như chúng tôi được biết thì Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy có bố là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi - Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - thuộc dòng họ Nguyễn ở làng Hành Thiện.

Hiện tại ông bà nội của Thu Thủy vẫn đang sinh sống ở quê. Hoa hậu Việt Nam 1990 Nguyễn Diệu Hoa thì có mẹ là người gốc làng Hành Thiện. Ông ngoại cô là Giáo sư y khoa Đặng Vũ Hỷ, cậu ruột là Giáo sư - Viện sĩ Đặng Vũ Minh nổi tiếng khắp vùng về tinh thần hiếu học và đỗ đạt cao.

Còn Á hậu 2 Đặng Minh Thu vừa đăng quang đêm 2/9 thì thuộc dòng họ Đặng Xuân ở Hành Thiện. Rời làng xuất cảnh sang Nga từ khi 3 tuổi, ký ức về quê hương của Thu rất ít nên cô chỉ biết quê mình ở Nam Định, thuộc họ Đặng Xuân ở làng Hành Thiện.

Thấy chúng tôi hỏi thăm về những mỹ nhân Hành Thiện đã từng đăng quang ngôi hoa hậu, á hậu của các cuộc thi người đẹp Việt Nam, ông Phó chủ tịch xã Xuân Hồng ngớ người ra: “Thế à! Giờ chị nói tôi mới biết đấy. Chúng tôi có biết thông tin gì đâu. Chắc các cô ấy chỉ là gốc gác ở Hành Thiện thôi chứ không phải người sinh sống ở làng. Người làng hiện tại mà có người đoạt giải lớn như thế, lại phát trên truyền hình thì chúng tôi biết ngay”.

Anh Phan Hùng Cường, cán bộ chuyên trách văn hóa xã cũng lắc đầu thành thật: “Quả thực là chúng tôi không biết gì thông tin về những người đẹp này cả. Chắc chỉ có đời cụ, đời ông, hoặc cùng lắm đời bố của họ là sinh ra ở Hành Thiện thôi. Còn họ hoặc sinh ra ở nơi khác, hoặc rời làng từ khi còn rất nhỏ. Còn nói về lịch sử thì Hành Thiện không nổi danh là “miền gái đẹp” như một số địa danh khác. Con gái Hành Thiện chưa thấy có ai đẹp nổi trội hẳn đến mức phải làm dư luận xôn xao”.

Nhờ sự dẫn đường của anh Phan Hùng Cường, chúng tôi tìm đến những người dòng họ Đặng Xuân hiện còn đang sinh sống tại làng. Anh Đặng Xuân Tiến, người duy nhất của họ Đặng Xuân ở lại làng trông coi nhà thờ cụ Đặng Xuân Bảng - ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh - vui vẻ trao đổi với chúng tôi: “Tôi cũng có theo dõi cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt 2007 trên truyền hình. Khi xem phần dự thi của thí sinh Đặng Minh Thu, thấy giới thiệu quê ở Nam Định, tôi đã ngờ ngợ cô gái này thuộc dòng họ Đặng ở Hành Thiện. Thế nhưng vì thiếu thông tin nên khi tra gia phả tôi không thể tìm ra cô ấy thuộc chi nào, nhánh nào.

Đặng Minh Thu - cô gái đất khoa bảng

là ứng cử viên đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Thế giới.

Nhờ sự dẫn đường của anh Phan Hùng Cường, chúng tôi tìm đến những người dòng họ Đặng Xuân hiện còn đang sinh sống tại làng. Anh Đặng Xuân Tiến, người duy nhất của họ Đặng Xuân ở lại làng trông coi nhà thờ cụ Đặng Xuân Bảng - ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh - vui vẻ trao đổi với chúng tôi: “Tôi cũng có theo dõi cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt 2007 trên truyền hình. Khi xem phần dự thi của thí sinh Đặng Minh Thu, thấy giới thiệu quê ở Nam Định, tôi đã ngờ ngợ cô gái này thuộc dòng họ Đặng ở Hành Thiện. Thế nhưng vì thiếu thông tin nên khi tra gia phả tôi không thể tìm ra cô ấy thuộc chi nào, nhánh nào.

Họ Đặng ở Hành Thiện có 4 dòng Đặng Đức, Đặng Khắc, Đặng Xuân, Đặng Ngọc. Còn như dòng họ Đặng Vũ bên ngoại của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa thì là dòng con nuôi họ Đặng. Hiện tại, gia phả dòng họ Đặng Xuân có chép đến đời thứ 11, còn gia phả họ Đặng đại tôn thì ghi đến đời thứ 18. Gia phả chỉ ghi đến đời ông, thậm chí không có cả tên bố nên việc tìm ra tên con cái là rất khó.

Còn nói về con gái đẹp trong dòng họ Đặng Xuân thì hầu như thế hệ nào cũng có. Thế nhưng các cụ chỉ chú ý ghi chép về truyền thống hiếu học và thành đạt của dòng họ chứ chẳng ai ghi chép về sắc đẹp của các cô gái họ Đặng cả. Vì thế đến nay chúng tôi chỉ nghe phong thanh các bậc cha chú vui miệng trò chuyện về một bà, một cô nào đó rất đẹp trong họ nhưng chưa bao giờ được diện kiến. Vì những người đó hoặc là già cả, đã mất, hoặc là rời làng đi nơi khác từ rất lâu rồi”.

Luôn coi việc học tập là một nghề

Theo ông Nguyễn Đặng Hùng thì thời phong kiến, Hành Thiện có 419 người đỗ đạt, trong đó có đến 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan thượng thư, 4 người là tuần phủ, 4 người là tổng đốc, 69 người làm tri phủ, tri huyện...

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, Hành Thiện có 45 người là giáo sư, phó giáo sư; 166 người là tiến sĩ, thạc sĩ; 1.493 người tốt nghiệp đại học.

Hành Thiện còn là nơi xuất thân của 16 cán bộ cao cấp, đảm nhiệm các chức vụ từ Thứ trưởng đến Tổng bí thư của Đảng; 7 tướng lĩnh quân đội; 3 Anh hùng LLVTND.

Đặc biệt, đây còn là quê hương của đồng chí Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh, là Tổng Bí thư của Đảng nhiều năm, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Để có được truyền thống khoa bảng và hiếu học nổi danh khắp nơi là do người Hành Thiện luôn coi việc học tập là một nghề bên cạnh nghề làm ruộng và dệt vải. Người làng không sợ thiếu tiền của mà chỉ sợ thiếu chữ. Vì vậy người Hành Thiện đều cố công học chữ để làm người sống có đạo lý, có tri thức, phục vụ xã hội.

Có những người như ông Nguyễn Trọng Trù cảnh nhà hàn vi, nhờ tranh thủ học trong những lúc đi cày, đi bừa, giã gạo mà thi đỗ tú tài năm 19 tuổi, 25 tuổi thì đỗ cử nhân. Ông Nguyễn Đăng Thiện, đỗ tú tài năm 19 tuổi nhưng vẫn miệt mài theo đuổi đèn sách đến năm 60 tuổi mới thi đỗ cử nhân.

Ông Đặng Vũ Tường, 4 lần thi đỗ tú tài, đến 53 tuổi thì đỗ cử nhân và được bổ nhiệm làm quan tri huyện. Theo quy định ngày ấy thì quan lại không được phép dự thi tiếp nên ông đã treo ấn từ quan để về quê tiếp tục sách bút và vào kỳ thi Hội năm 64 tuổi.

Người dân Hành Thiện vẫn nhớ về thần đồng Đặng Xuân Bảng (ông nội đồng chí Trường Chinh) như một điển hình cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng. Thời đó, ông Bảng nhà nghèo, không có tiền theo học thầy mà chỉ học cha là ông Đặng Viết Hòe mà đỗ Tiến sĩ năm 29 tuổi. Biết chuyện, Vua Tự Đức cảm phục đã ban cho bố con ông 4 chữ “Giáo tử đăng khoa” (Dạy con thi đỗ).

Những tưởng câu nói: “Bắc Hà, Hành Thiện, Quan Diễn, Quỳnh Lôi” nói về các “miền gái đẹp” như vùng đất sông Lô nhưng hóa ra đây lại là câu vinh danh đất học và khoa bảng. Một làng có truyền thống hiếu học và nhiều người thành đạt, lại là nơi có lắm mỹ nhân... Thật đúng là hiếm quá!


Hải Châu

Theo báo CAND


read more “Đất khoa bảng, quê mỹ nhân”

Thiền Sư KHÔNG LỘ

Thơ Không lộ Thiền sư

Thiền sư Không Lộ

(? - 1119)

(Đời thứ 9, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Dương, không rõ tên thật là gì, quê ở làng Hải Thanh. Ông cha chuyên nghề chài lưới, đến đời Sư mới bỏ nghề ấy đi tu đạo Phật. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), Sư theo Thiền sư Lôi Hà Trạch xuất gia, cùng làm bạn với Thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh.

Phong cách Sư thoát tục, ăn mặc thế nào xong thôi, không vướng mắc vật chất thường tình, chỉ tinh chuyên Thiền định, trải bao năm tu tập, ăn cây mặc cỏ, quên cả thân mình.

Sau khi đắc đạo, Sư có thể bay trên không, hoặc đi trên mặt nước, cọp thấy phải cúi đầu, rồng gặp cũng nép phục. Những pháp thuật thần bí của Sư không đo lường được.

Đến ngày 3 tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ mười (1119) đời Lý Nhân Tông, Sư viên tịch. Môn đồ làm lễ hỏa táng, thu xá-lợi, xây tháp thờ ở trước chùa Nghiêm Quang(1) là nơi Sư trụ trì.

Tác phẩm của Sư có bài kệ Ngôn Hoài và bài thơ Ngư Nhàn.


Kệ Ngôn Hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thướng cô phong đảnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch:

Lựa nơi rồng rắn đất ưa người,
Cả buổi tình quê những mảng vui.
Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm,
Một hơi sáo miệng, lạnh bầu trời.

(Ngô Tất Tố)

Thơ Ngư Nhàn

Vạn lý thanh giang vạn lý thiên,
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.
Ngư ông thùy trước vô nhân hoán,
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.

Dịch:

Muôn dặm sông dài, muôn dặm trời,
Một làng dâu giá, một làng hơi.
Ông chài mê ngủ, không người gọi,
Tỉnh giấc quá trưa tuyết đầy thuyền.




(1) Thiền sư Không Lộ chùa Nghiêm Quang: Chùa Nghiêm Quang đổi tên là Thần Quang (1167), nguyên ở hữu ngạn sông Hồng đã bị hủy hoại vì bão lụt. Năm 1630 dân sở tại dựng lại chùa ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thường gọi là chùa Keo dưới.

Theo Phật sự Thường Chiếu

read more “Thiền Sư KHÔNG LỘ”

Giai thoại về cụ Tả Ao

Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định: cụ đi tới làng Hành Thiện thấy đất làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh. Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu phát khoa danh, nhất là họ Đặng.

Bản đồ làng Hành Thiện được vẽ bởi ông Đặng Văn Lâm

Cụ Tả Ao đi xem đất suốt từ Nghệ Tĩnh ra các làng mạc ở khắp miền Bắc và trong gia phả của nhiều gia đình còn ghi lại những công trình địa lý phong thủy của cụ. Nhiều chuyện khôi hài do quần chúng thêm thắt như chuyện cụ Tả Ao thấy dân làng kia rất xấu tính mà lại xin cụ để kiểu đất nào có thể "đè đầu thiên hạ", cụ liền tìm cho làng một kiểu đất khiến dân làng dần dần theo nghề "húi tóc" có thể "đè đầu vít thiên hạ" đúng như ý nguyện!

Tương truyền cụ đang đi chơi ngoài bãi biển thấy sóng gió nổi lên ầm ầm biết là hàm rồng 500 năm mới há mồm một lần ở biển Đông, liền chạy về nhà mang cốt mẹ ra định ném xuống hàm rồng, nhưng vì thương tiếc chần chờ nên hàm rồng đóng lại, biển khép êm sóng lặng như trước!

Lúc sắp chết, cụ dặn con cháu khiêng mình ra miếng đất đã định trước là đất địa tiên "nhất khuyển trục quần dương" (một con chó đuổi đàn dê), nhưng không kịp đành dừng lại nửa đường phân kim lựa cho chính mình một miếng đất phúc thần đời đời ăn hương hoa mà thôi.

Theo Trung tâm 24x7

read more “Giai thoại về cụ Tả Ao”

Viết về thủy tổ dòng họ Đặng Hữu - Hành Thiện

Họ Đặng Hữu - Hành Thiện được bắt đầu từ cụ tổ Phụng Lộc Bá - Đặng Nhân Trí về dựng nghiệp tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định.

Đến nay đã qua 13 đời con cháu của cụ, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước dòng họ Đặng Hữu - Hành Thiện cũng có nhiều biến động. Các con cháu của cụ đã phân tán đi khắp nơi trên toàn quốc cũng như ra nước ngoài.

Để nhớ lại cội nguồn, tìm lại những người trong dòng tộc, dựa vào những tư liệu do một số người trong họ cung cấp tôi đã biên soạn phả hệ đồ này. Do tư liệu có hạn, người cung cấp thông tin cũng nhớ không chính xác vì vậy phả hệ đồ chắc chắn có nhiều sai sót.

Để giúp những thành viên trong dòng tộc có thể liên lạc được với nhau và để hoàn chỉnh được phả hệ đồ, tôi mong muốn nhận được sự đóng góp của tất cả các thế hệ con cháu của cụ Phụng Lộc Bá - Đặng Nhân Trí.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về :

Anh : Đặng Trần Ngọc

Địa chỉ: số 1 Ngõ 29/72 phố Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội

Điện thoại : (04) 2238.2898 - 098.888.4474

Email: dangtranngoc@gmail.com

hoặc ông Đặng Văn Hoan

Địa chỉ: Khu chợ, xóm Thanh Nhân, xã Giao Thanh, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định

Điện thoại : (0350) 3741031 - 0985.810.316

Nguồn Việt Nam Gia Phả
read more “Viết về thủy tổ dòng họ Đặng Hữu - Hành Thiện”

Giáo sư Vũ Khiêu: “Học chữ để làm người!”

Mặc dù rất bận bịu (mỗi ngày phải tiếp tới 15-16 khách, cả khách đã hẹn trước lẫn những người đột ngột tới vì có công việc cần), ông vẫn dành cho chúng tôi trên dưới 30 phút để trò chuyện.

Giáo sư - AHLĐ Vũ Khiêu tại nhà riêng

Kẻ sĩ, cũng như những minh quân, càng cao niên càng dễ cảm thấy buồn và thấm thía hơn sự chông chênh của kiếp người có chữ, có chí. Đến như Nguyễn Trãi khi tóc pha sương cũng phải mượn câu thơ của Tô Đông Pha “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (Người đời mà biết chữ thì nhiều lo lắng hoạn nạn) để hạ một câu tâm sự cháy gan ruột: “Pha lão tằng vân, ngã diệc vân” (Tô Đông Pha từng nói thế, ta cũng nói thế). Nhưng dù từng phải vận hạn thế nào thì một trí nhân đích thực khi đã vượt qua cái mốc “thất thập cổ lai hy” thì cũng nên nhìn xung quanh một cách vô thường, vẫn đắm đuối với những nỗi đời ấm lạnh, nhưng cũng đừng nên quá bi quan mà tổn “thọ lộc” trời cho.

Không hài lòng với hiện tại nhưng nhìn tương lai với những hy vọng - đó có lẽ là cách hành xử duy nhất đúng của các cao nhân trưởng lão. Tôi đã nghĩ như thế sau cuộc trò chuyện với Giáo sư Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động thời đổi mới.


Cả làng cùng học

Thưa Giáo sư, ông là người làng Hành Thiện, cái nôi nổi tiếng của rất nhiều tên tuổi sáng chói trong bầu trời chính trị, văn học, nghệ thuật, khoa học Việt Nam. Đất sỏi trạch vàng, các cụ ta ngày xưa từng nói vậy. Có điều gì duy tâm chăng nếu ta giải thích hiện tượng nhiều danh nhân tầm cỡ quốc gia lại tập trung ở một làng nhỏ, đất chật người đông như vậy của tỉnh Nam Định, là ở yếu tố “địa linh nhân kiệt”?

Các bạn nghĩ thế nào, có gì thần bí hay không thì tùy, tôi cũng không biết nữa. Tôi thì tôi chỉ nghĩ rằng, mọi sự đều có tác động từ những nhân tố kinh tế - xã hội...







Tên khai sinh: Đặng Vũ Khiêu. Sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Từng là cán bộ thông tin, tự học mà nên. Từng giữ chức Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội, Viện trưởng Viện Triết học. Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có “Cao Bá Quát” (1970), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Nguyễn Trãi” (1980), “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam” (1980), “Bàn về văn hiến Việt Nam” (3 tập, năm 2000)... Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).



Đất Nam Định cũng là nơi có truyền thống hiếu học, một trong những cái nôi nhân sĩ trí thức lớn nhất của Bắc Bộ. Tuy nhiên, ở Nam Định cũng không nhiều làng lại tập trung được đông các “danh gia vọng tộc” và những tài năng về mọi mặt như Hành Thiện. Tôi cứ mường tượng tới một điều gì đó giống như vận may hay cơ duyên kỳ ngộ mà đất trời mang lại, chứ không chỉ thuần túy do những cố gắng của con người...

Mỗi một làng có một nghề riêng, có đặc sản riêng, hình thành theo các điều kiện khác nhau trong lịch sử. Thí dụ, nổi tiếng về đồ gốm sứ tốt thì là làng Bát Tràng... Hành Thiện là nơi người đông đất hẹp, nghề phụ chỉ có nghề đi học và nghề dệt vải... Ruộng đất rất ít cho nên nông dân ở làng so với tỉ lệ của những nhà trí thức cũng thấp hơn. Từ đấy nên xây dựng được truyền thống hiếu học, gia đình nào cũng thế, không có tiền đi học ở bên ngoài thì học tập dạy dỗ lẫn nhau, cha dạy con, anh dạy em, chú dạy cháu, cứ thế từ đời này sang đời khác...

Tôi nhớ, Giáo sư từng viết về không khí học tập ở làng quê mình thời trước như sau: “Buổi sáng sớm trong vùng ấy đã vang lên tiếng đọc sách của con trai, tiếng đập vải của con gái xen lẫn tiếng sáo diều réo rắt suốt đêm. Con giai cố học giỏi thi đỗ, con gái gìn giữ nết na để phụng dưỡng cha mẹ, để giúp chồng ăn học, dễ dạy con cái nên người:

"Sáng trăng, trải chiếu đôi hàng,

Cho anh đọc sách, cho nàng quay tơ...”

Thực thơ mộng! Lớn lên trong không khí ấy thì không thể không mê nghiệp đèn sách. Tôi muốn nhờ Giáo sư lý giải hộ điều này: Phải chăng là vì một làng mà có nhiều người hiếu học và học giỏi nên vừa tạo được phong trào học hỏi lẫn nhau cũng như thi đua với nhau học tập, dòng họ này với dòng họ khác, người này với người khác... “Con gà tức nhau tiếng gáy” cũng là một kiểu thi đua cổ truyền của Á Đông...

Không có điều kiện để làm những nghề khác nên người làng tôi tập trung vào việc học tập. Đi học và dạy học là một cái nghề phổ biến. Tôi nhớ, ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh là cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, chỉ theo học cha mình mà đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (năm 1856)...

Đó là dưới triều vua Tự Đức. Tôi cũng nghe nói thời ấy đỗ Tiến sĩ là khó khăn lắm, không nhiều người được vinh dự đó đâu...

Đúng. Bởi lẽ vua Tự Đức là người thông hiểu Nho học, giỏi thơ văn. Ông tự mình chấm Tiến sĩ, chứ không giao cho ai khác việc này. Khi cụ Đặng Xuân Bảng đậu ông Nghè, đã được vua Tự Đức ban cho biển đề: “Phụ giáo tử đăng khoa”, nghĩa là cha dạy con mà thành đạt! Vẻ vang thế đấy...

Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như cụ Nghè Đặng Xuân Bảng về sau có làm tới chức Tuần phủ tỉnh Hải Dương, rồi lại chuyển sang làm Đốc học tỉnh nhà Nam Định nên người ta hay gọi là Cụ Tuần Đốc...

Đúng thế. Cụ Tuần Đốc về sau cũng mở trường dạy học. Em ruột của cụ cũng từng làm giáo thụ ở phủ Kiến Xương bên Thái Bình. Bởi thế, học trò theo học các cụ rất đông... Con em trong nhà theo học cũng nhiều... Thân phụ của ông Trường Chinh cũng nổi tiếng về viết sách...


Phúc đức tại mẫu

Thế dòng họ Đặng Vũ của Giáo sư thì thế nào? Hình như một người bà con của Giáo sư, lương y Đặng Vũ Chương, có viết hai câu thơ nhắc tới truyền thống của gia đình dòng họ Đặng Vũ: “Một nét văn chương, một nét nhà, Một hồn thơ triết, một đời hoa...”.

Ông cụ trước tôi ba đời tới tuổi 40 mà chưa đỗ đạt gì cả. Về sau, ông cụ lấy một bà bên Trực Ninh làm vợ, tuổi lúc đó cũng gần 30. Xuất giá tòng phu, bà cụ về nhà chồng, chăm lo cho chồng ăn học. Hai cụ sinh được 6 người con, trong đó có hai con gái. Các cụ cũng bắt các con gái của mình phải chăm lo cho chồng ăn học. Hai người con rể của các cụ về sau đều đỗ cao, làm quan to lắm...

Tôi được nghe kể lại, gia đình các cụ hồi đó rất nghèo, cơm chẳng đủ mà ăn, phải ăn kèm cả cám, nhưng con cái trong nhà vẫn rất chí thú học hành. Tất cả 4 người con trai của các cụ về sau đều đỗ cử nhân hết, làng gọi là “tứ tử đăng khoa”... Trong chuyện này cần phải nói rằng, không chỉ nhờ cha dạy con mà còn ở phần rất lớn nhờ vai trò của bà mẹ dệt vải suốt ngày suốt đêm để nuôi chồng con ăn học. Phúc đức tại mẫu. Người đàn bà có vai trò rất quan trọng để tạo dựng nên truyền thống hiếu học của một làng quê. Các cô gái ở làng ngày xưa cũng thường chọn những người có chữ để lấy làm chồng...


Theo Hồng Thanh Quang


Công An Nhân Dân



Nguồn Dân trí
read more “Giáo sư Vũ Khiêu: “Học chữ để làm người!””

Ngày Lễ hội Làng Hành Thiện tại Paris

NGÀY LỄ HỘI LÀNG HÀNH THIỆN PARIS

Bình Huyên

Hội làng Hành Thiện do ông Đặng Vũ Nhuế làm chủ tịch. Ông sinh năm 1925, du học từ năm 1948. Ông là nhà khoa học, khảo cứu văn học, và dịch giả. Chính ông đã chuyển tác phẩm "Truyện Kiều và Tuổi Trẻ" của Giáo sư Phạm thị Nhung và Lê Hữu Mục sang Anh ngữ. Mỗi năm, một buổi hội làng được tổ chức, gồm có:

  • Tế lễ Thành Hoàng của làng

  • Thuyết trình văn hoá

  • Tiệc trà

  • Văn Nghệ

Khi được mời với tư cách thân hữu, người đến tham dự không phải đóng tiền. Ban tổ chức không nhận bất cứ quà gì, kể cả hoa. Hội làng Hành Thiện không dành riêng cho những người gốc làng Hành Thiện, mà chung cho mọi người đến từ ba miền Việt Nam. Làng Hành Thiện là biểu tượng về truyền thống văn hoá và hội làng. Hội viên đóng niên liễm 25 euros, góp vào việc in báo Hành-Thiện (mỗi năm 03 cuốn), chuẩn bị tiệc trà, và thuê phòng Khánh Tiết của tỉnh (thường là tỉnh Ivry-Sur-Seine ở sát Paris về hướng đông-nam, Métro "Station Mairie d'Ivry").

Báo Hành-Thiện được nhiều nhà khảo cứu hợp tác nên nội dung rất phong phú. Hành Thiện là một làng lớn cạnh sông Ninh-Cơ thuộc tỉnh Nam Định, Bắc Việt. Làng có diện tích rộng, dân số cao, văn học và kinh tế lâu đời. Nhân sự ở nước ngoài có trình độ kiến thức rất cao và đầy đủ điều kiện vật chất, nên đã lập hội làng Hành Thiện ở nhiều quốc gia tại Âu châu, Úc châu, Mỹ châu và Gia-Nã-Đại.

Năm nay, buổi hội làng Hành Thiện được tổ chức vào chiều Chủ Nhật 27 tháng 10, từ 14 giờ đến 17 giờ 30. Trọng Bình và Thùy Huyên nhận được hai lần giấy mời do bác sĩ thi sĩ Văn Bá và giáo sư nhiếp ảnh gia Bùi Sĩ Thành thay mặt Ban Tổ Chức gửi tới từ trung tuần tháng Chín 2002. Mặc dù công việc bề bộn, hai vợ chồng cũng cố thu xếp để tới tham dự đúng giờ. Địa điểm buổi lễ ở trong khu nhà khang trang gồm nhiều phòng lớn, ở ngay góc phố Robespierre, cạnh nhà thờ Saint Pierre, gần toà Thị trưởng. Bên trong cổng là văn phòng có hai nhân viên thường trực. Phòng Khánh Tiết dành cho buổi hội làng Hành Thiện dài rộng có đủ tiện nghị, thoáng mát. Sát tường trong cùng là bàn thờ Thành Hoàng Hành Thiện có treo câu đối chữ Nho, trên chiếc bàn gỗ kiểu cổ có lư hương, hai bên là cặp lọng đỏ viền kim tuyến. Đối diện bàn thờ là các hàng ghế lịch sự. Trọng Bình và Thùy Huyên gặp ngay cặp uyên ương thi sĩ Đỗ Bình và nghệ sĩ Thúy Hằng đứng cạnh ca sĩ Thanh Hùng, ban kịch Văn Bá gồm bác sĩ Nguyễn văn Ba tức thi sĩ Văn Bá cùng phu nhân Sylviane Nguyễn, luật sư Lê Vinh Quang và phu nhân dược sư Lệ Châu, ông Nguyễn văn Đức, bà Lệ Sương, cô Kim Hoa. Hai bên tay bắt mặt mừng. Trưởng ban tổ chức Đặng Vũ Chính tươi cười tiếp đón mọi người. Gian phòng đông đảo một cách mau chóng. Mặc dù đó là thời gian đổi giờ muà đông (ba giờ sáng Chủ Nhật thụt lại thành hai giờ sáng), quan khách đến rất đúng giờ.

Bên cạnh bàn thờ là Ban Nhạc gồm các nghệ sĩ Đoàn văn Linh, Minh Châu, Ngọc Bích. Buổi lễ bắt đầu sau khi chủ toạ là giáo sư Bích Thuận và phu quân Émile Hiếu được dẫn vào chỗ ngồi. Ba vị đội khăn mặc áo tế màu xanh với huynh trưởng Đặng Hữu Thụ đứng giữa ra đứng làm lễ tế Thành Hoàng trong bầu không khí trang nghiêm nhưng không kém phần thân mật. Tiếp đó, MC Đặng Vũ Chính nhắc lại lịch sử làng Hành Thiện, đọc chương trình, rồi giới thiệu ban thuyết trình gồm có thi sĩ Văn Bá cùng phu nhân Sylviane Nguyễn, ông Nguyễn văn Đức và bà Lệ Châu. Đề tài thuyết trình về Bác Sĩ Yersin, người có công lớn với dân Việt Nam. Trong 45 phút, bốn vị thay phiên thuyết trình bằng Việt ngữ và Pháp ngữ. Cử toạ hiểu rõ từng chi tiết về bác sĩ Yersin là người đã dành trọn đời mình cho dân ta. Ông đã khổ công nghiên cứu tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch cùng cách chữa trị, cứu biết bao sinh linh tại Việt Nam và Đông Nam Á châu nói riêng, và toàn thể thế giới nói chung. Bài viết giá trị này sẽ được bác sĩ Nguyễn văn Ba tức thi sĩ Văn Bá xem xét kỹ lưỡng một lần nữa để cho ra mắt độc giả nay mai, theo lời hứa của bác sĩ với nhà văn nhà thơ Bình Huyên.

Sau bài thuyết trình, cử toạ được ít phút đứng lên, đi lại, hàn huyên với bạn bè, và làm vài việc cần. Trong số cử toạ còn thấy ông Vũ Hùng Nghiên cùng phu nhân (là cựu tham vụ ngoại giao của Việt Nam Cộng Hoà tại Thái Lan, bây giờ là nhà khảo cứu về chữ Hán), bà Đoàn văn Linh, nữ nghệ sĩ Ngọc Xuân (là ngườin có giọng ngâm thơ tuyệt vời, lại có tài làm thơ đậm đà), ông bà Đỗ Đăng Di, gia đình ông bà Trịnh Kim Giao-Đỗ Như Bích cùng con trai Trịnh Kim Khôi, nữ thi sĩ Hoàng Minh Tâm, ...

Giáo dư nhiếp ảnh gia Bùi Sĩ Thành tiết lộ: "Toà Thị Trưởng ấn định số người tham dự không được quá một trăm, vì lý do an ninh bảo hiểm." Tuy nhiên, con số ấy đã bị vượt quá. Thi sĩ Văn Bá mời một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo, trong có Trọng Bình và Thùy Huyên, lên trước bàn thờ để chụp ảnh, quay phim làm kỷ niệm. Tiếp đó, tiệc trà được Ban Tiếp Tân phân phối, mang mời quan khách, thân hữu. Ca sĩ Thanh Hùng mở đầu chương trình văn nghệ bằng hai bản “Làng Tôi" của Chung Quân và "Mấy Dậm Sơn Khê" của Nguyễn văn Đông. Khán giả say mê theo dõi tiếng hát hàng đầu từ trong nước ra hải ngoại, mặc cho năm tháng chồng chất mà âm lượng vẫn phong phú quyến rũ lạ thường. Tràng pháo tay thứ nhất tán thưởng nồng nhiệt níu kéo người danh ca ở lại máy vi âm. Tràng pháo tay thứ hai đưa người nghệ sĩ về chỗ ngồi trong nuối tiếc, nhưng đồng thời dẫn lên sân khấu thính phòng một nữ ca sĩ khả ái có giọng hát đầy sinh lực. Đó là nữ ca sĩ Kim Thu. Tiếp theo bản "Hoài Thu" ngây ngất của tác giả Văn Trí, nữ ca sĩ cống hiến khán giả bản "La vie en rose" (lời của Édith Piaf , nhạc của Louigy, sáng tác năm 1942), và nhận được những tràng pháo tay nồng hậu. Phòng Khánh Tiết tràn ngập đủ loại âm thanh cùng lời ca đầy nhiệt tình của các ca sĩ tài tử. Phong Thủy với "Thu Quyến Rũ" của Đoàn Chuẩn Từ Linh, được phu quân thổi kèn saxo đệm theo. Sau bản "Cánh Hoa Yêu", Ngọc Xuân trổ tài ngâm thơ diễn tả bài "Khát Khao" của bác sĩ thi sĩ Kim Thành Xuân. Hải Yến gợi nhớ nhạc sĩ Lam Phương với bản "Đường Về Quê",...

Buổi hội làng Hành Thiện chấm dứt trong âm thanh du dương chất chứa nhiều nuối tiếc cho một buổi chiều mùa Thu Paris trôi đi quá nhanh. Mọi người chia tay, nhìn nhau, thầm hẹn lần gặp gỡ sau. Tất cả hình ảnh, lời nói, tiếng nhạc tuôn ra khỏi cổng khu nhà khánh tiết, nhập vào bóng tối ngoài đường phố êm đềm giữa tỉnh Ivry-Sur-Seine thơ mộng, hoà vào hương vị cùng âm thanh cao sang từ kinh đô ánh sáng Paris đang ào ạt chạy tới, cám dỗ con người vào những thú vui ban đêm đang chờ đón khắp nơi!


Theo Tuần báo Đại chúng
read more “Ngày Lễ hội Làng Hành Thiện tại Paris”

Hành Thiện quê tôi (thơ Đặng Thị Phúc)


Làng tôi thơ mộng bên sông
Hình con cá chép tắm dòng nước trong
Mười hai xóm xếp song song
Như hàng vẩy cá vòng vòng ngang thân
Cuối làng mõm cá chợ đông
Đầu làng đuôi cá nâng nâng mái chùa.
Làng tôi đất học từ xưa
Trường Chinh rạng rỡ kế thừa danh nhân
Con đường đi học mòn chân
Sáng nay lại dẫn ta gần cố hương
Thong dong cùng bạn trên đường
Đồng quê gió nội đưa hương ngọt ngào
Cành tre bông lúa lao xao
Như reo, như vậy đón chào người thân
Sông ơi! Ta nhớ chị Hằng
Đèn hoa thuyền lướt đêm rằm Trung thu
Tiền Sơn * viếng cõi hư vô
Người xưa yên nghỉ ơn mưa Cửa Thiền
Vào nhà ánh nắng xiên xiên
Bà con mừng rỡ nỗi niềm buồn vui
Bâng khuâng lòng dạ bùi ngùi
Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ thời ấu thơ
Giờ đây dấu cũ phai mờ
Còn cây khế ngọt đứng chờ đợi ta
Khế ơi mấy chục năm qua
Nay ta tựa gốc, tình nhà nghĩa quê.

*: Tiền Sơn: Nghĩa trang của làng đặt cạnh chùa

img_6577


-----------------------------------------------
Bài thơ Hành Thiện quê tôi được trích trong tập thơ thứ hai “Dòng sông xuân” (2007) của nhà thơ, cô giáo Đặng Thị Phúc, quê làng Hành Thiện, nguyên giáo viên trường Phổ thông Bắc Ninh và Hà Nội, nay là hội viên Hội Cựu giáo chức Việt Nam, hội viên CLB Thơ Nhà giáo

read more “Hành Thiện quê tôi (thơ Đặng Thị Phúc)”

Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu và truyền thống quê hương Hành Thiện

GIÁO SƯ ANH HÙNG LAO ĐỘNG VŨ KHIÊU

VÀ TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG HÀNH THIỆN

PGS.NGƯT ĐẶNG ĐỨC AN

1. Về truyền thống hiếu học, làng Hành Thiện từ thời xưa đã nổi tiếng có nhiều người khoa bảng. Câu ca dao: Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện thể hiện sự khen ngợi của nhân dân đối với hai địa phương có nhiều người đỗ đạt nhất miền Bắc.

Tại Hành Thiện, nhiều tấm gương sáng về chí học hành được dân làng lưu truyền: Ông Nguyễn Như Bổng trong suốt 40 năm qua đã dự tới 15 khóa thi Hương, 2 lần đậu tú tài, đến năm 60 tuổi mới đậu Cử nhân. Ông Nguyễn Đăng Thiện đậu tú tài lúc 17 tuổi, sau đó đậu thêm 6 khóa tú tài nữa, cũng đến năm 60 tuổi mới đậu Cử nhân. Ông Đặng Văn Tường – cụ của Giáo sư Vũ Khiêu – đã nêu một tấm gương sáng cho việc học tập và dạy con cái học tập. Ông đậu tú tài 4 khóa, đến năm 53 tuổi đậu Cử nhân. Ông được bổ làm tri huyện nhưng đã sớm cáo quan về làng học thêm và dạy học. Ông Nguyễn Ngọc Liên (con rể ông Đặng Văn Tường) sau khi thi đỗ Cử nhân đã tiếp tục đọc hàng ngàn cuốn sách đủ loại, nhờ đó có một kiến thức rất sâu rộng và đã đậu tiến sĩ. Ông Nguyễn Trọng Chu, nhà nghèo, khi đi cày đi bừa, giã gạo đều mang theo sách để học. Ông đậu tú tài năm 19 tuổi và đậu Cử nhân năm 25 tuổi. Ông Đặng Hữu Nữu, nhà nghèo, tình nguyện nấu ăn cho các bạn ở làng xa đến trọ học nhà thầy (cụ tú tài Nguyễn Như Bổng) để được ăn học miễn phí, ông đậu Cử nhân năm 19 tuổi. Ông Đặng Hữu Dương, anh ruột ông, nhà nghèo, sau khi đậu Cử nhân năm 10 tuổi[?], đã tới Huế học trường Quốc Tử Giám, nhờ đó đậu Tiến sĩ năm 30 tuổi. Ông là thân phụ của nhà cách mạng nổi tiếng Đặng Đoàn Bằng.

Ông Đặng Viết Hòe đậu tú tài 7 lần mà không đậu được Cử nhân, ông mở trường dạy học ở làng và tự mình dạy dỗ con mình học tập cho đến khi thành đạt. Hai con trai ông, một đậu Tiến sĩ (Đặng Xuân Bảng), một đậu Á nguyên (Đặng Ngọc Toản). Lúc cụ Đặng Xuân Bảng đỗ Tiến sĩ, vua Tự Đức ban cho năm chữ: Phụ giáo tử đăng khoa.

dscf0027

Khúc sông đầu làng

read more “Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu và truyền thống quê hương Hành Thiện”

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng(1828-1910)

Người viết bộ Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu

Đặng Xuân Bảng (1828-1910) quê ở Xuân Trường - Nam Định, đỗ tiến sĩ năm 28 tuổi. Trong thời gian làm quan, ông đã nhiều lần can gián vua, song đáng tiếc nhiều ý kiến vượt trên thời đại của ông không được chú ý. Sau khi về hưu, ông dành gần 20 năm để viết bộ Việt sử cương mục tiết yếu được đánh giá là có nhiều nét đặc sắc so với các bộ lịch sử Việt Nam trước đó.

Mùa xuân năm Mậu Tý (1828) dưới triều Nguyễn Thái Tổ niên hiệu Minh Mạng năm thứ chín ở xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Vợ ông Tú tài Đặng Viết Hòe (vì bảy lần đi thi đều chỉ đỗ tú tài nên còn gọi là Mền Hòe) sinh được người con trai rất khôi ngô, tuấn tú. Ông Mền Hòe ngắm con trai mà lòng dạt dào vui sướng, ông đặt tên con trai là Xuân Bảng, hy vọng con ông lớn lên sẽ làm rạng danh cho dòng họ Đặng bằng con đường khoa bảng. "Nhất định con ta sẽ hơn ta, muốn vậy, ta phải dạy con ta ngay từ sau khi nó tập nói để nó được làm quen với chữ Thánh hiền". Nghĩ sao làm vậy, khi cậu Bảng tập nói, hàng xóm đã thấy cậu bi bô "nhân chi sơ, tính bản thiện..." nên có người cho là một thần đồng. Năm 12 tuổi cậu Bảng đã biết đối và họa thơ với bố rất đúng luật và sâu sắc. Năm 19, cậu Bảng tham gia thi hương khóa Đinh Mùi (1847) đã đỗ tú kép. Ba năm sau (1850) ở khóa thi hương Canh Tuất, Xuân Bảng cùng với bố đi thi, ông Mền Hòe thất vọng vì lại đỗ tú tài lần thứ bảy, thì Xuân Bảng đỗ cử nhân nên đã tự an ủi mình "con hơn cha là nhà có phúc". Tân cử nhân Đặng Xuân Bảng được nhận chức giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Vừa làm quan lại vừa tự học và quan sát ghi chép để có tài liệu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của các địa phương. Năm 1856, ông lặn lội vào Huế thi Đình khóa thi Bính Tuất đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, đáng lẽ đỗ Tam giáp nếu bài thi của ông không có đôi điều can gián vua bỏ thú ham săn bắn để tập trung vào việc nước trước nguy cơ Pháp có thể xâm lược nước ta. Tài học cao hiểu rộng của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng đã lọt đến tai vua Tự Đức nên năm 1857, vua đã triệu ông vào kinh đô Huế phong chức bí thư Văn phòng Nội các với nhiệm vụ nặng nề là duyệt bộ sách "Khâm định nhân sự kim giám". Ông làm công việc này ròng rã hai năm mới xong. Vua Tự Đức đọc những ý kiến đóng góp của ông rất hài lòng nên ban thưởng ngay cho ông chức tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa) sau lại điều lên Tuyên Quang làm tri phủ Yên Bình là nơi núi rừng hiểm trở, bọn thổ phỉ thường xuyên quấy nhiễu. Sau một thời gian ông cai quản Yên Bình đã trở về đúng cái tên gọi của nó thì ông lại được vua gọi vào Huế trao cho chức Giám sát ngự sử (1862) chức quan có nhiệm vụ ngăn vua, giám sát và hạch tội các quan trong triều. Ngoài nhiệm vụ trọng đại trên ông được phép tham gia để bàn bạc các vấn đề về hành chính, tài chính, sử dụng quan lại. ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp có chất lượng cao, trong đó không ít ý kiến của ông đã vượt thời đại. Đó là: không nên cử Phan Thanh Giản đem vàng bạc, châu báu để chuộc lại sáu tỉnh Nam Kỳ. Việc này Tự Đức bác bỏ. Kết quả vàng bạc thì Pháp vui vẻ nhận nhưng đất đai của sáu tỉnh thì không trả. Thế là ta mất cả chì lẫn chài! Ông lại tâu với vua cho mở mang công thương nghiệp, khuyến khích dùng hàng nội, không dùng hàng ngoại để ban thưởng. Việc sử dụng quan lại: Mỗi khi cất nhắc hay tuyển chọn quan dù là dân chính hay binh chính đều phải dựa vào tiêu chuẩn và công trạng rõ ràng, không chỉ dựa vào việc tâu trình của quan đầu tỉnh hay của các bộ mà xem xét được.

Nhà thờ Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng tại xóm 7 Hành Thiện

Đặc biệt quan hệ với thực dân Pháp ông tâu:

- Theo thần, ta nên mở mang thông thương với nhiều nước, Pháp đã chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ thì thế nào chúng cũng nhòm ngó Bắc Kỳ. Nếu ta quan hệ với nhiều nước thì Pháp không có khả năng ép ta được. Trái lại, các nước sẽ cùng đua nhau đổ của vào làm lợi cho ta.

Tiếc thay, lời tâu chí lý này đã bị Tự Đức bác bỏ với lời phán lạnh lùng:

- Giao thiệp với một nước còn chưa xong, huống chi là nhiều nước.

Bên cạnh ta, nước Xiêm La (Thailand) đã mở cửa cho nhiều nước cùng vào nên họ không bị nước nào chèn ép, họ đã nhanh chóng tiếp thu các tiến bộ khoa học Âu-Mỹ nên đã hòa nhập được với thế giới văn minh mà dân tộc họ đã không bị hòa tan! Năm ất Sửu (1867) ở tỉnh Quảng Yên bọn hải tặc hoành hành khiến cho dân tình điêu đứng, quan lại thì bất lực. Ông lại được điều đến với chức Quan án sát để giúp dân dẹp giặc. Sau khi Quảng Yên yên vui, ông lại được điều về Hà Nội rồi lại đi Sơn Tây. Năm 1872, ở tuổi 44 ông Xuân Bảng được thăng chức Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, sau lại làm Tuần phủ tỉnh Hải Dương. Năm 1874, Pháp mang quân xâm chiếm Hải Dương, quân ta thua trận, ông Xuân Bảng bị bãi chức Tuần phủ và triệu về kinh hậu xét. Năm 1876, ông bị giáng chức tuần phủ phái đi khai hoang ở Đồn Vàng, Hưng Hóa (Phú Thọ) và Bất Bạt (Sơn Tây) khi đi khai hoang ông cho gia nhân gánh theo mấy bồ sách và các tài liệu ông đã bỏ công ghi chép hàng ngày để nghiền ngẫm và bổ sung cho công việc viết sử sau này. Hai năm sau (1878), công việc vua giao cho đã hoàn tất, ông xin nghỉ hưu. Năm 1882, Tự Đức thấy việc bãi chức ông Đặng Xuân Bảng là vô lý nên lại phục chức cho ông. Nếu từ chối chức vụ cũ thì làm vua phật ý mà nhận lại chức thì không còn trí lực như xưa, nên ông Đặng Xuân Bảng xin nhà vua cho nhận chức Đốc học tỉnh Nam Định để hợp sức tuổi già và có điều kiện chăm sóc mẹ. Năm Mậu Tý (1888) khi vừa tròn 60 tuổi cụ Đặng Xuân Bảng xin nghỉ hưu lần thứ hai.

Mặc dù có thời gian và tài liệu đã được ghi chép và tích lũy ngót 40 năm nhưng cũng phải mất gần 20 năm Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng mới viết xong bộ "Việt sử cương mục tiết yếu" gồm tám quyển 1.200 trang.

"Đây là bộ thông sử duy nhất ở nước ta có ghi chú các sự kiện lịch sử từ thời Hùng Vương đến hết triều Tây Sơn (1802) có kèm theo các phần "án", chú, bình, khảo,... là những công trình khảo chứng lịch sử lớn nhỏ của tác giả và nhiều sử gia khác. Vì thế, nó có nhiều nét đặc sắc so với các bộ sử truyền thống khác. Tác giả đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, phân tích, tổng hợp vấn đề, chú ý tìm nguyên nhân của những thiếu sót để tiến hành phê phán, nên những vấn đề khảo chứng có sức thuyết phục" (Luận án Tiến sĩ của Hoàng Văn Lâu - Viện nghiên cứu Hán Nôm), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2-1997).

Sinh cùng thời với cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909), cụ Nguyễn Khuyến từ quan để về câu cá, làm ruộng, làm thơ,... chỉ có "năm gian nhà cỏ thấp le te, ngõ tối đêm sâu đóm lập lòẹ.." đời sống đạm bạc "đầu trò tiếp khách trầu không có" thì cụ Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng hai lần về hưu với hai bàn tay trắng. "Cụ về xã Văn Lâm lập ấp, đặt tên là Tả Thành Thiện cụ nói với con cháu: "Bởi cả đời ta đi làm quan nên không có của cải để lại, may còn mảnh đất này của ông cha, các con lo cày cấy lấy cái ăn. Quê ta nhiều thế gia cự lộc quen sống xa hoa, đừng bắt chước họ, hãy lập nghề nông cho quen khó nhọc...".

Sau khi bộ sử gồm tám quyển với 1.200 trang viết tay, viết xong thì được người bạn chí cốt là Cao Xuân Dục tặng 20 lạng vàng để cụ Đặng Xuân Bảng thuê in ấn lưu lại cho muôn đời. [...]

read more “Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng(1828-1910)”

Đình làng Hành Thiện

Làng ta có một ngôi Đình, nguyên trước chỉ dùng để làm nơi hội họp và tuyên đọc 10 điều của nhà Vua ban huấn cho dân chúng nghe chứ không dùng để thờ Thần như Đình các làng khác.

Đình ở ngay bên sông con phía giữa làng, giáp với làng trong, lâu ngày bị hư nát, năm Thành Thái thứ 16 (1904) cụ Tổng đốc Đặng Đức Cường và cụ Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn cúng tiền để tu lý lại (Cụ Đặng Đức Cường cúng 1000 quan tiền, cụ Nguyễn Duy Hàn cúng 500 đồng bạc), làm bằng gỗ lim lợp ngói, chung quanh xây gạch.

Trong Đình có treo 1 cái biển khắc chữ “Mỹ Tục Khả Phong” của triều vua Tự Đức ban cấp năm Tự Đức thứ 16 (1861).

Câu đối treo ở Đình:

Kinh thủy tô sơ công, thử thức quách, thử viên dung, rĩ hữu niên vu tu thổ.
Thái bình đa hạ nhật ngã nhân dân. Ngã phụ lão, tương giữ lạc vu thử đình.


Mười điều ban huấn là:

1. Đôn nhân luân,
2. Chính tâm thuật.
3. Thượng tiết kiệm,
4. Hậu phong tục,
5. Huấn tử đệ
6. Vụ bản nghiệp,
7. Sùng chính học,
8. Giới dâm thắc,
9. Thận pháp thủ,
10. Quảng Hành Thiện.

Theo Hành Thiện Xã Chí - Đặng XuânViện

dinhhanhthien02

Sân Đình làng Hành Thiện

dinhhanhthien03

Nhà Bia

dinhhanhthien01

Đình chính

read more “Đình làng Hành Thiện”

Làng Hành Thiện xưa và nay

Từ thành phố Nam Định phải đi một chặng xe buýt, rồi một cuốc xe ôm theo con đường trải nhựa phẳng lì, men theo những cánh đồng đang vào mùa gặt, mùi khói rơm rạ thoang thoảng khắp không gian, chúng tôi đến làng Hành Thiện, thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Hành Thiện là một vùng đất nổi tiếng hiếu học, đất quan và cũng chính trên mảnh đất này đã sinh ra cố Tổng bí thư Trường Chinh.

05-lang-hanhthien-33507-300

Làng Hành Thiện như một thị trấn nhỏ, nhà cửa cao tầng san sát, đường làng lát gạch đỏ au trong nắng vàng, chợ búa tấp nập, hai bờ kênh được kè đá sạch sẽ, những rặng liễu bình yên rủ bóng ven bờ. Từ bên này kênh nhìn sang, làng Hành Thiện giống như con cá chép quẫy lên. Có lẽ khi lập làng, các cụ xưa đã muốn con cháu sau này luôn ở tư thế đi lên. Làng có hơn 10 xóm, mỗi xóm là khúc của thân con cá, các xóm đều thông nhau, có thể len lách từ xóm này sang xóm nọ theo đường tròn. Những con đường liên thông đó được ví là sợi dây liên kết tình làng nghĩa xóm. Hành Thiện mang trong nó đặc trưng khá rõ nét của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ và những nét đẹp của văn hóa làng quê truyền thống Việt Nam. Bản hương ước xưa của làng vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong đó có một quy ước là định hướng con em theo việc học. Việc học được quan niệm trước hết là để học làm người, biết đối nhân xử thế, có đạo nghĩa, và sau đó học cũng chính là một nghề. Cũng bởi vậy, ngoài việc là nơi sinh ra nhiều người tài thì Hành Thiện còn là mảnh đất mà cuộc sống luôn an bình, mọi người yêu quý tôn trọng lẫn nhau. Điều này có thể thấy ngay khi bước vào làng Hành Thiện, một cảm giác bình yên, người dân hiền hoà, chăm chỉ. Điều đặc biệt khi đặt chân đến đây là các thiết chế văn hóa truyền thống vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn. Hiện làng vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ, có nhiều ngôi nhà đã được công nhận là di tích cổ, có giá trị. Nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ trải qua thời gian đã bị xuống cấp, sụp đổ nay được khôi phục lại, trong đó có chùa Keo nổi tiếng, là điểm đến của khách thập phương…


Có thể nói, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự biến động của xã hội, thật đáng quý là Hành Thiện vẫn giữ lại cho mình những thiết chế văn hóa cũng như những nét đẹp truyền thống của một làng quê Việt Nam xưa. Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những nét đẹp truyền thống đó được người dân Hành Thiện nâng niu, gìn giữ và phát huy để tiếp tục phát triển. Hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, làng Hành Thiện luôn đi đầu và là một trong những làng quê văn hóa tiêu biểu của cả nước. Làng được công nhận là làng văn hoá cách đây 8 năm. Trong làng có 1.200/1.621 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, mọi người trong làng yêu thương chia sẻ, giúp đỡ nhau, mọi đóng góp đối với địa phương đều thực hiện đầy đủ, kinh tế từng hộ ổn định. Ông Nguyễn Vũ Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết: Làng Hành Thiện luôn được xem là điển hình gương mẫu trong thực hiện xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, gia đình văn hoá.

Rõ ràng từ nền tảng đã được gây dựng từ xa xưa, với thái độ trân trọng, giữ gìn và biết phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, người dân Hành Thiện đã xây dựng ngôi làng của mình trở thành một điển hình, hiện thân của truyền thống và hiện đại. Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học làng Hành Thiện Nguyễn Đăng Hùng cho biết: So với các nơi khác cuộc sống của làng khá bình yên, ít khi xảy ra va chạm và những tệ nạn hầu như không có, đời sống ngày càng đi lên, khá giả. Tôi tin rằng, chúng tôi có được điều này chắc chắn đó là do làng có một truyền thống hiếu học, tôn trọng đạo nghĩa. Nó là nền tảng, cội nguồn của mọi nét đẹp khác.

Đinh Thị Loan


Nguồn Người đại biểu Nhân dân

read more “Làng Hành Thiện xưa và nay”