Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu và truyền thống quê hương Hành Thiện

GIÁO SƯ ANH HÙNG LAO ĐỘNG VŨ KHIÊU

VÀ TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG HÀNH THIỆN

PGS.NGƯT ĐẶNG ĐỨC AN

1. Về truyền thống hiếu học, làng Hành Thiện từ thời xưa đã nổi tiếng có nhiều người khoa bảng. Câu ca dao: Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện thể hiện sự khen ngợi của nhân dân đối với hai địa phương có nhiều người đỗ đạt nhất miền Bắc.

Tại Hành Thiện, nhiều tấm gương sáng về chí học hành được dân làng lưu truyền: Ông Nguyễn Như Bổng trong suốt 40 năm qua đã dự tới 15 khóa thi Hương, 2 lần đậu tú tài, đến năm 60 tuổi mới đậu Cử nhân. Ông Nguyễn Đăng Thiện đậu tú tài lúc 17 tuổi, sau đó đậu thêm 6 khóa tú tài nữa, cũng đến năm 60 tuổi mới đậu Cử nhân. Ông Đặng Văn Tường – cụ của Giáo sư Vũ Khiêu – đã nêu một tấm gương sáng cho việc học tập và dạy con cái học tập. Ông đậu tú tài 4 khóa, đến năm 53 tuổi đậu Cử nhân. Ông được bổ làm tri huyện nhưng đã sớm cáo quan về làng học thêm và dạy học. Ông Nguyễn Ngọc Liên (con rể ông Đặng Văn Tường) sau khi thi đỗ Cử nhân đã tiếp tục đọc hàng ngàn cuốn sách đủ loại, nhờ đó có một kiến thức rất sâu rộng và đã đậu tiến sĩ. Ông Nguyễn Trọng Chu, nhà nghèo, khi đi cày đi bừa, giã gạo đều mang theo sách để học. Ông đậu tú tài năm 19 tuổi và đậu Cử nhân năm 25 tuổi. Ông Đặng Hữu Nữu, nhà nghèo, tình nguyện nấu ăn cho các bạn ở làng xa đến trọ học nhà thầy (cụ tú tài Nguyễn Như Bổng) để được ăn học miễn phí, ông đậu Cử nhân năm 19 tuổi. Ông Đặng Hữu Dương, anh ruột ông, nhà nghèo, sau khi đậu Cử nhân năm 10 tuổi[?], đã tới Huế học trường Quốc Tử Giám, nhờ đó đậu Tiến sĩ năm 30 tuổi. Ông là thân phụ của nhà cách mạng nổi tiếng Đặng Đoàn Bằng.

Ông Đặng Viết Hòe đậu tú tài 7 lần mà không đậu được Cử nhân, ông mở trường dạy học ở làng và tự mình dạy dỗ con mình học tập cho đến khi thành đạt. Hai con trai ông, một đậu Tiến sĩ (Đặng Xuân Bảng), một đậu Á nguyên (Đặng Ngọc Toản). Lúc cụ Đặng Xuân Bảng đỗ Tiến sĩ, vua Tự Đức ban cho năm chữ: Phụ giáo tử đăng khoa.

dscf0027

Khúc sông đầu làng

2. Để có truyền thống hiếu học cho học trò, làng Hành Thiện xưa có một đội ngũ thầy giáo thật hùng hậu và hết sức nhiệt tâm. Ba vị khoa bảng đầu tiên của làng Hành Thiện (Nguyễn Thiện Sỹ, Nguyễn Đôn Nhã, Đặng Minh Dương) đậu Hương cống (Cử nhân) đều làm học quan (giảng dụ ở Quốc Tử Giám – Thăng Long). Những vị đậu khoa bảng về sau cũng có rất nhiều người làm học quan (2 đốc học, 16 giáo thụ, 9 huấn đạo). Số thầy dạy tư ngày càng nhiều. Không chỉ những người chưa đỗ đạt hoặc mới trúng nhất trường, nhì trường làm thầy đồ, mà đa số các ông tú cũng làm nghề dạy học tại làng mình hoặc tại những nơi được mời dạy (trong số 145 vị đậu tú tài chỉ có 27 vị ra làm quan hoặc viên chức, còn lại đều làm nghề dạy học). Nhiều vị quan lại sau khi nghỉ hưu hay nghỉ việc, về làng, cũng mở trường dạy học hay sang dạy ở các làng bên cạnh. Riêng ông nghè Nguyễn Ngọc Liên đã dạy được tới 700 học trò, trong đó có 30 người đậu Cử nhân, trên 70 người đậu tú tài.

3. Từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta và nhất là khi vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ hoàn toàn việc thi cử theo Nho học và thành lập hệ thống trường Pháp – Việt (1919) thì làng Hành Thiện mới mở một trường sơ học Pháp – Việt (gồm ba lớp: đồng ấu, dự bị, sơ đẳng) ở cạnh đình làng. Giáo sư Vũ Khiêu là một trong những học trò đầu tiên của trường này. Phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, học trò Hành Thiện đi học ở thành phố hay du học ở nước ngoài cũng đã biểu lộ sự thông minh ham học và đỗ đạt khá nhiều. Trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1945, làng Hành Thiện đã có khoảng trên 150 người có bằng cấp từ tiểu học đến Cử nhân.

Từ khi nước nhà giành được độc lập (từ sau Cách mạng Tháng Tám – 1945) đến nay, thanh niên Hành Thiện càng có điều kiện học tập và đạt thành tích cao, số trí thức cao cấp (chức Thạc sĩ) có đến hàng trăm và số tốt nghiệp đại học có đến hàng nghìn, đang phát huy những đóng góp về khoa học, về kỹ thuật cho đất nước. Đặc biệt ở quê hương Hành Thiện, tuy đời sống còn khó khăn, nhưng học trò Hành Thiện vẫn tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học và đạt thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi toàn quốc, thi Olympic quốc tế, đạt tỉ lệ cao trong các kì thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học và cao đẳng.

4. Cùng với truyền thống học giỏi và đỗ cao, phải kể đến truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều nhân sĩ trí thức Hành Thiện đã biểu lộ lòng căm thù giặc Pháp, kiên quyết chống Pháp. Ông nghè Nguyễn Ngọc Liên, vì không chịu lạy toàn quyền Đông Dương nên bị cách chức. Khi về quê dạy học, ông đã chọn 4 người học trò xuất sắc nhất của mình (là ông Đặng Hữu Bằng, Đặng Tử Mẫn, Đặng Quốc Kiều, Nguyễn Xuân Thức) cho tham gia phong trào Đông Du.

Ông nghè Đặng Xuân Bảng khi làm giám sát ngự sử, ông đã trình lên vua Tự Đức nhiều bản điều trần về cải cách chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính … mong cho dân giàu, binh mạnh mới đủ sức chống lại giặc Pháp đang âm mưu xâm lược nước ta, nhưng không được nhà vua chấp nhận. Khi làm tuần phủ Hải Dương, ông đã kiên quyết chiến đấu, bảo vệ tỉnh Hải Dương.

Ông Phó bảng Đặng Đức Địch đã làm đến chức Thượng thư Bộ Lễ dưới đời vua Hàm Nghi. Khi vua Hàm Nghi và Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết nổi dậy chống Pháp ở Huế bị thất bại, chạy đi Quảng Trị, ông chạy theo không kịp, phải ở lại Huế.

Ông Phó bảng Đặng Kim Toản, tuần phủ Ninh Bình, có tinh thần chống Pháp được đại thần Tôn Thất Thuyết thăng chức Tổng đốc Nghệ An để đẩy mạnh việc tập hợp nghĩa quân, phục vụ cho phong trào Cần Vương. Ông có công lấn biển lập ấp tại huyện Giao Thủy. Nay hai xã của huyện này thờ ông làm thành hoàng, hàng năm tế lễ và mở hội.

Ông Đặng Hữu Bằng (hay Ấm Bằng) là con cụ Tiến sĩ Đặng Hữu Dương, sang Nhật Bản, vào học ở trường võ bị ở Tokyo, khi tốt nghiệp, đỗ thủ khoa, được Minh Trị Thiên hoàng tặng cho chiếc đồng hồ bỏ túi có khắc tên và chữ kí của Thiên hoàng. Khi chính phủ Nhật Bản ra lệnh trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, ông Bằng sang Trung Quốc và đã gia nhập quân đội Trung Hoa Dân quốc tại Quảng Tây, làm đến chức đại tá tham mưu trưởng và giáo sư trường quân sự Hoàng Phố do Tưởng Giới Thạch làm hiệu trưởng. Năm 1938, khi Nhật ném bom xuống thành phố Quảng Châu nơi ông cư trú, ông bị sức ép của bom làm loạn thần kinh, nhảy xuống sông Châu Giang và bị chết đuối.

Ông Đặng Huy Dật (tức Đặng Tử Mẫn), con cụ tú tài Đặng Huy Duệ, cũng vào học trường võ bị Tokyo cùng với Đặng Hữu Bằng. Khi rời Nhật Bản sang Trung Quốc, ông đã mua được một số vũ khí để đưa về nước, giúp cho nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nhưng chuyên chở đến Hương Cảng [Hồng Công] (Trung Quốc) thì bị nhà cầm quyền ở đây phát hiện và tịch thu hết. Ông lại tiếp tục mua sắm, chế tạo vũ khí và tổ chức quân đội Việt Nam Quang phục hội nhiều lần tấn công các đồn biên phòng của Pháp ở biên giới Hoa – Việt. Bọn quân phiệt Vân Nam (Trung Quốc) bắt ông, giải ông về giao cho chính quyền Pháp. Ông bỏ trốn, bị chúng bắn chết.

Ông Đặng Quốc Kiều (con cụ tú tài Đặng Vũ Đồng) và ông Nguyễn Xuân Thức (con cụ Cử nhân án sát Thanh Hóa Nguyễn Xuân Tiêu) sang Nhật Bản học thêm tiếng Nhật và tiếng Anh để chuẩn bị vào học các trường kĩ thuật ở Nhật Bản. Khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, các ông sang Trung Quốc, Xiêm La [Thái Lan], rồi trở về Việt Nam, bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian, rồi bị quản thúc. Năm 1945, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông Đặng Quốc Kiều được nhà nước mời ra giữ chức Chủ tịch ủy ban Hành chính Hà Nam.

Sau đợt đi Nhật Bản của 4 thanh niên yêu nước kể trên, phong trào Đông Du ở Hành Thiện trở nên sôi nổi. Năm 1908, ông Đặng Vũ Giá sang Nhật Bản, ông Đặng Văn Nhã sang Trung Quốc. Năm 1910, ông Đặng Hữu Quỳ sang Trung Quốc. Các ông Đặng Kinh Luân (tức Ba Lân[?]) và Đặng Vũ Hoàn (tức Cả Hoàn) tham gia Duy Tân hội, rồi Việt Nam Quang Phục hội và hoạt động ở trong nước …

5. Kế tiếp phong trào Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội do cụ Phan Chu Trinh và cụ Phan Bội Châu lãnh đạo, bị thất bại, một lớp thanh niên mới tiếp thu tư tưởng Cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã nổi lên thay thế. Người Hành Thiện đầu tiên tham gia phong trào Cộng sản là ông Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh, 1907 – 1988).

Ông Trường Chinh không chỉ là người mở đầu cho phong trào cách mạng theo lí tưởng Cộng sản chủ nghĩa ở quê hương mà ông còn trở thành lãnh tụ lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với cương vị là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một lãnh tụ ưu tú của Đảng và dân tộc, ông đã hai lần giữ chức Tổng Bí thư và nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và nhà nước. Con người của ông và những thành tích cách mạng lớn lao của ông đã được nhiều sách báo bàn tới và mọi người biết tới. Chúng tôi thấy không cần thiết nêu lại quá trình chiến đấu vẻ vang của ông.

Tiếp theo đồng chí Trường Chinh, ở làng Hành Thiện và huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã xuất hiện nhiều chiến sĩ cách mạng nổi tiếng. Riêng ở làng Hành Thiện cần phải nhắc tới tên tuổi của các ông Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Thụ [tức Lê Thư], Đặng Quốc Bảo …

Những nhà cách mạng nói trên cùng nhiều nhà cách mạng khác ở địa phương Hành Thiện và huyện Xuân Trường đã có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng.

Nói riêng về Hành Thiện, phong trào cách mạng của quần chúng lên rất cao trong thời kì Tiền khởi nghĩa, như tham gia các đoàn thể cứu quốc của mặt trận Việt Minh, in truyền đơn, dán áp phích … Ngày cách mạng cướp chính quyền ở phủ Xuân Trường, đoàn thanh thiếu niên Hành Thiện đã tổ chức biểu tình, diễu hành đi quanh làng Hành Thiện, phố Ngọc Cục, giương cao biểu ngữ, hô to khẩu hiệu ủng hộ cách mạng.

GS Vũ Khiêu và tập thể giáo viên TH Xuân Hồng A

GS. Vũ Khiêu và tập thể giáo viên Tiểu học A Xuân Hồng

nhân khánh thành tượng đài Tổng bí thư Trường Chinh

Như vậy truyền thống cách mạng của làng Hành Thiện đã diễn ra liên tục từ đầu thế kỉ XX với các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Việt Nam Quang Phục hội càng trở nên đặc biệt sôi nổi, mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1928 đến năm 1945, góp phần vào sự thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám tại Hành Thiện và trong cả nước.

Trong cái nôi là một làng văn hóa giàu truyền thống cách mang như thế, Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành để trở thành một nhà cách mạng và một nhà văn hóa có tên tuổi của đất nước, một trong những nhân vật tiêu biểu của làng Hành Thiện.

Tôi xin dừng lại ở đây. Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Vũ Khiêu sẽ được các bè bạn khác nói rõ hơn trong cuốn sách này .

Vũ Khiêu 90 Năm TÌNH BẠN, NXB HNV, quý III – năm 2006

1 nhận xét:

  • Rất cảm ơn bác về những thông tin trên, cháu là một người con Hành Thiện hiện đang ở trong Tp. HCM, mỗi lần được đọc những thông tin về làng mình thì nỗi nhớ và cả niềm tự hào lại trào lên và chắc hẳn tất cả những người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hành Thiện đều có chung cảm giác này

Đăng nhận xét