Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng(1828-1910)

Người viết bộ Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu

Đặng Xuân Bảng (1828-1910) quê ở Xuân Trường - Nam Định, đỗ tiến sĩ năm 28 tuổi. Trong thời gian làm quan, ông đã nhiều lần can gián vua, song đáng tiếc nhiều ý kiến vượt trên thời đại của ông không được chú ý. Sau khi về hưu, ông dành gần 20 năm để viết bộ Việt sử cương mục tiết yếu được đánh giá là có nhiều nét đặc sắc so với các bộ lịch sử Việt Nam trước đó.

Mùa xuân năm Mậu Tý (1828) dưới triều Nguyễn Thái Tổ niên hiệu Minh Mạng năm thứ chín ở xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Vợ ông Tú tài Đặng Viết Hòe (vì bảy lần đi thi đều chỉ đỗ tú tài nên còn gọi là Mền Hòe) sinh được người con trai rất khôi ngô, tuấn tú. Ông Mền Hòe ngắm con trai mà lòng dạt dào vui sướng, ông đặt tên con trai là Xuân Bảng, hy vọng con ông lớn lên sẽ làm rạng danh cho dòng họ Đặng bằng con đường khoa bảng. "Nhất định con ta sẽ hơn ta, muốn vậy, ta phải dạy con ta ngay từ sau khi nó tập nói để nó được làm quen với chữ Thánh hiền". Nghĩ sao làm vậy, khi cậu Bảng tập nói, hàng xóm đã thấy cậu bi bô "nhân chi sơ, tính bản thiện..." nên có người cho là một thần đồng. Năm 12 tuổi cậu Bảng đã biết đối và họa thơ với bố rất đúng luật và sâu sắc. Năm 19, cậu Bảng tham gia thi hương khóa Đinh Mùi (1847) đã đỗ tú kép. Ba năm sau (1850) ở khóa thi hương Canh Tuất, Xuân Bảng cùng với bố đi thi, ông Mền Hòe thất vọng vì lại đỗ tú tài lần thứ bảy, thì Xuân Bảng đỗ cử nhân nên đã tự an ủi mình "con hơn cha là nhà có phúc". Tân cử nhân Đặng Xuân Bảng được nhận chức giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Vừa làm quan lại vừa tự học và quan sát ghi chép để có tài liệu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của các địa phương. Năm 1856, ông lặn lội vào Huế thi Đình khóa thi Bính Tuất đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, đáng lẽ đỗ Tam giáp nếu bài thi của ông không có đôi điều can gián vua bỏ thú ham săn bắn để tập trung vào việc nước trước nguy cơ Pháp có thể xâm lược nước ta. Tài học cao hiểu rộng của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng đã lọt đến tai vua Tự Đức nên năm 1857, vua đã triệu ông vào kinh đô Huế phong chức bí thư Văn phòng Nội các với nhiệm vụ nặng nề là duyệt bộ sách "Khâm định nhân sự kim giám". Ông làm công việc này ròng rã hai năm mới xong. Vua Tự Đức đọc những ý kiến đóng góp của ông rất hài lòng nên ban thưởng ngay cho ông chức tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa) sau lại điều lên Tuyên Quang làm tri phủ Yên Bình là nơi núi rừng hiểm trở, bọn thổ phỉ thường xuyên quấy nhiễu. Sau một thời gian ông cai quản Yên Bình đã trở về đúng cái tên gọi của nó thì ông lại được vua gọi vào Huế trao cho chức Giám sát ngự sử (1862) chức quan có nhiệm vụ ngăn vua, giám sát và hạch tội các quan trong triều. Ngoài nhiệm vụ trọng đại trên ông được phép tham gia để bàn bạc các vấn đề về hành chính, tài chính, sử dụng quan lại. ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp có chất lượng cao, trong đó không ít ý kiến của ông đã vượt thời đại. Đó là: không nên cử Phan Thanh Giản đem vàng bạc, châu báu để chuộc lại sáu tỉnh Nam Kỳ. Việc này Tự Đức bác bỏ. Kết quả vàng bạc thì Pháp vui vẻ nhận nhưng đất đai của sáu tỉnh thì không trả. Thế là ta mất cả chì lẫn chài! Ông lại tâu với vua cho mở mang công thương nghiệp, khuyến khích dùng hàng nội, không dùng hàng ngoại để ban thưởng. Việc sử dụng quan lại: Mỗi khi cất nhắc hay tuyển chọn quan dù là dân chính hay binh chính đều phải dựa vào tiêu chuẩn và công trạng rõ ràng, không chỉ dựa vào việc tâu trình của quan đầu tỉnh hay của các bộ mà xem xét được.

Nhà thờ Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng tại xóm 7 Hành Thiện

Đặc biệt quan hệ với thực dân Pháp ông tâu:

- Theo thần, ta nên mở mang thông thương với nhiều nước, Pháp đã chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ thì thế nào chúng cũng nhòm ngó Bắc Kỳ. Nếu ta quan hệ với nhiều nước thì Pháp không có khả năng ép ta được. Trái lại, các nước sẽ cùng đua nhau đổ của vào làm lợi cho ta.

Tiếc thay, lời tâu chí lý này đã bị Tự Đức bác bỏ với lời phán lạnh lùng:

- Giao thiệp với một nước còn chưa xong, huống chi là nhiều nước.

Bên cạnh ta, nước Xiêm La (Thailand) đã mở cửa cho nhiều nước cùng vào nên họ không bị nước nào chèn ép, họ đã nhanh chóng tiếp thu các tiến bộ khoa học Âu-Mỹ nên đã hòa nhập được với thế giới văn minh mà dân tộc họ đã không bị hòa tan! Năm ất Sửu (1867) ở tỉnh Quảng Yên bọn hải tặc hoành hành khiến cho dân tình điêu đứng, quan lại thì bất lực. Ông lại được điều đến với chức Quan án sát để giúp dân dẹp giặc. Sau khi Quảng Yên yên vui, ông lại được điều về Hà Nội rồi lại đi Sơn Tây. Năm 1872, ở tuổi 44 ông Xuân Bảng được thăng chức Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, sau lại làm Tuần phủ tỉnh Hải Dương. Năm 1874, Pháp mang quân xâm chiếm Hải Dương, quân ta thua trận, ông Xuân Bảng bị bãi chức Tuần phủ và triệu về kinh hậu xét. Năm 1876, ông bị giáng chức tuần phủ phái đi khai hoang ở Đồn Vàng, Hưng Hóa (Phú Thọ) và Bất Bạt (Sơn Tây) khi đi khai hoang ông cho gia nhân gánh theo mấy bồ sách và các tài liệu ông đã bỏ công ghi chép hàng ngày để nghiền ngẫm và bổ sung cho công việc viết sử sau này. Hai năm sau (1878), công việc vua giao cho đã hoàn tất, ông xin nghỉ hưu. Năm 1882, Tự Đức thấy việc bãi chức ông Đặng Xuân Bảng là vô lý nên lại phục chức cho ông. Nếu từ chối chức vụ cũ thì làm vua phật ý mà nhận lại chức thì không còn trí lực như xưa, nên ông Đặng Xuân Bảng xin nhà vua cho nhận chức Đốc học tỉnh Nam Định để hợp sức tuổi già và có điều kiện chăm sóc mẹ. Năm Mậu Tý (1888) khi vừa tròn 60 tuổi cụ Đặng Xuân Bảng xin nghỉ hưu lần thứ hai.

Mặc dù có thời gian và tài liệu đã được ghi chép và tích lũy ngót 40 năm nhưng cũng phải mất gần 20 năm Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng mới viết xong bộ "Việt sử cương mục tiết yếu" gồm tám quyển 1.200 trang.

"Đây là bộ thông sử duy nhất ở nước ta có ghi chú các sự kiện lịch sử từ thời Hùng Vương đến hết triều Tây Sơn (1802) có kèm theo các phần "án", chú, bình, khảo,... là những công trình khảo chứng lịch sử lớn nhỏ của tác giả và nhiều sử gia khác. Vì thế, nó có nhiều nét đặc sắc so với các bộ sử truyền thống khác. Tác giả đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, phân tích, tổng hợp vấn đề, chú ý tìm nguyên nhân của những thiếu sót để tiến hành phê phán, nên những vấn đề khảo chứng có sức thuyết phục" (Luận án Tiến sĩ của Hoàng Văn Lâu - Viện nghiên cứu Hán Nôm), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2-1997).

Sinh cùng thời với cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909), cụ Nguyễn Khuyến từ quan để về câu cá, làm ruộng, làm thơ,... chỉ có "năm gian nhà cỏ thấp le te, ngõ tối đêm sâu đóm lập lòẹ.." đời sống đạm bạc "đầu trò tiếp khách trầu không có" thì cụ Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng hai lần về hưu với hai bàn tay trắng. "Cụ về xã Văn Lâm lập ấp, đặt tên là Tả Thành Thiện cụ nói với con cháu: "Bởi cả đời ta đi làm quan nên không có của cải để lại, may còn mảnh đất này của ông cha, các con lo cày cấy lấy cái ăn. Quê ta nhiều thế gia cự lộc quen sống xa hoa, đừng bắt chước họ, hãy lập nghề nông cho quen khó nhọc...".

Sau khi bộ sử gồm tám quyển với 1.200 trang viết tay, viết xong thì được người bạn chí cốt là Cao Xuân Dục tặng 20 lạng vàng để cụ Đặng Xuân Bảng thuê in ấn lưu lại cho muôn đời. [...]

0 nhận xét:

Đăng nhận xét