Bí mật nào khiến Người như vậy: Tình yêu! (phần II)

Tôi thành thực xin lỗi bạn đọc vì sự chậm trễ của mình trên con đường khám phá “Tượng đài Tình Yêu”: Tuấn – Thư. Sự chậm trễ của tôi bởi nguyên do: “Tượng đài Tình Yêu” ấy do hai người kiến tạo nên, nhưng chìa khóa mở cửa vào Tượng đài, hiện chỉ do một người nắm giữ. Người đó chính là Anh Thư.

Từ khi manh nha biết về chuyện tình của họ, tôi đã đến với họ rất nhiều lần. Mỗi khi đến, tôi đều được Anh Thư tiếp đón niềm nở, được Tuấn nói chuyện say sưa. Tôi chưa khi nào thấy Thư biểu lộ nét buồn trên gương mặt phúc hậu. Đặc biệt đôi mắt to, đen láy của Thư mỗi khi tôi được nhìn vào thì vừa như phô bày một “mỏ quý” tâm hồn lộ thiên, vừa như ẩn chứa bao điều bí ẩn.

08310-ty4

Tuấn và Thư bên nhau

Thư sôi nổi tranh luận bất cứ điều gì tôi nêu ra và thường đoán trước những điều tôi sắp nói. Khi đàm đạo về văn chương, thơ phú, một bài báo hay về một chủ đề nào đó, Thư rất “ hăng”. Nhưng hễ tôi gợi đến chuyện tình của họ thì Thư lập tức lảng sang chuyện khác. Tôi nhớ lần đầu đến với họ. Cứ nghĩ như những khi đến tìm hiểu viết bài thông thường, tôi đặt thẳng vấn đề về chuyện tình Tuấn – Thư thì Thư cương quyết phản đối. Thậm chí, buổi sáng đầu tiên ấy, Thư đã chào tôi và nói phải đi giải quyết công việc đến chiều mới về. Chính những thông tin ban đầu mà tôi có được là nhờ nói chuyện với Tuấn và bố mẹ anh khi Thư không có nhà.

- Nói thật với anh, em thì không có vấn đề gì, nhưng nhà em thì khó khăn đấy! Cô ấy không muốn tuyên truyền chuyện của chúng em. Cô ấy chỉ muốn mọi người nhìn nhận chúng em một cách hết sức bình thường chứ không muốn xáo động một cái gì. Bởi vì đối với chúng em mà đặc biệt là nhà em đã vượt qua biết bao điều dị nghị. Đó là những nghi ngờ, bình phẩm, bàn tán của bàn dân thiên hạ. Nào là nhất định con ấy trí tuệ không bình thường, chắc có vấn đề nhỡ nhàng gì đấy, hay bị thất tình rồi tặc lưỡi trả thù đời…

Thậm chí khi chúng em lấy nhau rồi không ít người còn dò hỏi xem “con ấy có biết làm gì không”. Mỗi khi nhà em ra ngoài đường thì bao nhiêu con mắt hiếu kỳ đổ dồn vào săm soi cứ như Thư là người từ hành tinh khác vừa đổ bộ trái đất. Đã có lần một người đàn ông ngỗ ngược đã sàm sỡ, đụng chạm vào cơ thể nhà em… Những chuyện như thế anh bảo làm sao em không thương cô ấy được. Nhưng rồi chính cô ấy lại động viên em: Mình cứ sống thật lòng mình rồi mọi người sẽ hiểu…

Có lẽ nghĩ tôi đã nản lòng mà bỏ cuộc nên khoảng hơn 11 giờ thì Thư về. Thấy Thư về, tôi và Tuấn chuyển ngay sang nói chuyện về thơ. Lúc chia tay tạm biệt họ, Thư vui vẻ nhắc: Thỉnh thoảng mời anh xuống chơi với vợ chồng em cho vui. Anh và chồng em cứ đọc nhiều thơ vào, chứ đừng hỏi về chuyện của bọn em nhé!

- Sao lại thế ?

- Thì chuyện có vậy ai chả biết!

- Nhưng anh chưa biết và rất muốn biết cho tường tận!

- Thì qua thư từ, bọn em hiểu nhau, yêu nhau, lấy nhau… thế thôi!

- Thực lòng, anh muốn được chiêm ngưỡng “kho” thư của bọn em cơ!

- Thư của chúng em hỏng hết rồi!

08310-ty2

Kho thư tình yêu của Tuấn-Thư

- Anh biết em bảo quản những bức thư ấy rất cẩn thận. Nghe đâu thỉnh thoảng em lại đem phơi cho khỏi ẩm cơ mà!

- Thế thì anh cứ chịu khó xuống đây, tình cờ gặp hôm nào em phơi thư thì tha hồ mà xem nhé!

Thế rồi tôi ra về mà trong lòng ngổn ngang suy tư. Biết Thư rất dí dỏm, thỉnh thoảng tôi lại điện hỏi thăm và khẩn khoản:

- Em ơi! Hôm nay trời nắng đẹp đấy, phơi thư đi em!

Tôi nhận được tiếng cười trong trẻo của Thư kèm theo câu trả lời:

- Ở chỗ anh nắng chứ ở chỗ em đang mưa to lắm!

Thế là tôi vẫn chưa thực hiện được ý định của mình.

Lúc đầu tôi cũng “lăn tăn” về sự bất hợp tác của con người này, nhưng nghĩ ra lại thấy rõ ràng mình không thể nôn nóng. Đứng trước một chuyện tình kỳ lạ đến như vậy, mình không thể đơn giản. Có lẽ chính sự sắt đá của “Người cầm chìa khóa” này mà câu chuyện tình cảm động đến thế diễn ra đã hơn mười năm và ở nơi chỉ cách thành phố Hòa Bình vài chục cây số mà cho đến nay vẫn ít người tường tận. Mặt khác, mối tình Tuấn - Thư được xây dựng một cách kỳ công đến kỳ bí như vậy thì tôi cũng không dễ gì hình dung nó chỉ trong một sớm, một chiều. Thế là tôi bình tĩnh và kiên nhẫn chinh phục Anh Thư như là “Chinh phục đỉnh Olympia” bằng cách thường xuyên đến thăm và đàm đạo với họ.

Đúng tám giờ sáng mồng 8 – 3 (2008), tôi cùng nhà báo Phạm Huy Định và bạn viết Hồng Nhung bất ngờ có mặt tại gia đình Tuấn Thư. Hồng Nhung tốt nghiệp đại học Sư phạm nhưng bị tai biến mạch máu não. Đã một thời gian dài Nhung liệt giường. Do nghị lực tập luyện đến nay Nhung đã đi lại được mặc dù còn rất khó khăn. Hiện Nhung đang dạy học tại nhà.

“Âm mưu” của chúng tôi là trao cho Tuấn một bó hoa tươi và nhờ Tuấn thay mặt cánh đàn ông tặng hoa cho Thư nhân ngày mồng 8 - 3. Tới gần nhà Tuấn Thư, chúng tôi tắt máy và dắt xe…

08310-ty1

Những "báu vật" này thường xuyên được mang ra phơi để bảo quản

Đến cửa ngõ, cả ba chúng tôi đứng chết lặng khi thấy một chiếc chiếu trải ở sân gạch. Trên chiếu là những sắp phong thư đang phơi dưới nắng. Trong nhà tiếng máy may đều đều xen tiếng trò chuyện của Tuấn – Thư. Thời cơ có một không hai, tôi rút máy ảnh chụp lia lịa đống “vàng ròng” ấy.

Sau thoáng bối rối, Thư bình tĩnh nói: Em đã không muốn cho các anh thấy những bức thư ấy. Chúng em ý định chỉ để riêng cho mình. Nhưng thế này có lẽ chúng em không thể giấu được nữa. Các anh cứ vào nhà chơi. Bình tĩnh đã.

Được lời như cởi tấm lòng. Tuy thế, chúng tôi lại càng dè dặt và tôn trọng quyền quyết định của Thư.

Thay mặt Phạm Huy Định, tôi chúc mừng ngày 8-3 Thư và nhờ Tuấn thay mặt cánh đàn ông tặng hoa cho Thư. Thư chưa nói gì thì Tuấn lên tiếng: Ngày mồng 8-3, em tặng hoa cho nhà em rồi. Đó là bông hoa em tự tay gấp. Các anh đến thì các anh tặng hoa cho nhà em chứ! Thú thực với các bạn, chúng tôi nghĩ ra cái cách nhờ Tuấn tặng hoa cho Thư để có cơ hội chụp ảnh thế mà lại không thành. Cuối cùng tôi đành nhận phần tặng hoa cho Thư.

08310-ty3

Tuấn gấp hoa tặng vợ ngày 8-3

Rồi sau đó, những bí ẩn đầu tiên được hé mở qua những trang thư đầu tiên trong số 304 bức thư của họ:

Nếu Tuấn là con cả của một gia đình có 5 anh em thì Thư lại là con thứ 3 của gia đình có 4 anh em. Nếu bố của Thư là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp thì bố của Tuấn là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hai bà mẹ của Tuấn và Thư cùng là những người phụ nữ nông thôn tần tảo, một nắng hai sương cho chồng yên tâm một thời trận mạc.

Vùng đất Hành Thiện và gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn, tính cách của người con gái tên Thư. Ngay từ những năm còn học phổ thông, Thư đã yêu thích sách báo, văn chương. Vốn sáng dạ, Thư chỉ theo học nghề may có 3 tháng là về mở cửa hiệu riêng. Vừa nhận may quần áo, Thư vừa tranh thủ những buổi đẹp trời đạp xe trên con đê ven làng. Từ cầu Lạc Quần đến cầu Đò Quan. Từ thành phố Nam Định qua Hải Hậu, Nghĩa Hưng… đến đâu Thư cũng mải mê thưởng ngoạn cảnh đẹp quê hương thanh bình và yêu dấu.

Thư luôn luôn tự hào về truyền thống cách mạng và văn hóa của quê hương cô. Rồi chính tình yêu quê hương đã nảy nở những cảm xúc để Thư cầm bút. Lúc đầu Thư viết những bài thơ ca ngượi tình yêu quê hương như là ghi lại những cảm xúc làm kỷ niệm cho mình. Dần dần Thư trở thành cộng tác viên của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nam Định. Thế rồi khi Đài tiếng nói Việt Nam mở Chuyên mục “ Kết bạn”, Thư lập tức tham gia để rồi sớm gặp Tuấn trên những trang thư. Cứ thế, những cảnh đẹp của quê hương Nam Định được Thư thu vào tâm hồn mình rồi kể qua trang giấy đến với Tuấn.

Khi được biết Tuấn - Thư viết cho nhau 304 bức thư thì tôi vô cùng ngạc nhiên và đầy thắc mắc: Họ viết những gì mà “khủng khiếp” thế? Lời lẽ yêu đương ở đâu mà lắm thế? Cảm xúc thế nào mà tuôn trào đến thế? Rồi tôi liên tưởng đến kỷ niệm về mối tình đầu, rồi tình yêu cháy bỏng của mình. Thú thực, khi ấy tôi cũng chỉ có vài bức thư là không biết viết gì nữa. Nếu có phải viết thêm thì chắc là tôi cũng chán vì có thể nó sẽ luẩn quẩn bởi lặp đi lặp lại. Thế mà Tuấn – Thư thì…

Lá thư đầu Tuấn viết cho Thư ngày 29/6/1995 thì ngày 03/7/1995 Thư viết lá thư đầu tiên gửi Tuấn. Ngay trong lá thư đầu tiên này, Thư đã giới thiệu và giải thích cho Tuấn về cái tên Hành Thiện quê mình. Hành Thiện có nghĩa là chuyên “Làm việc thiện”. Chính Thư đã dành thời gian vào nhà thờ Phát Diệm cùng với các Sơ chăm sóc người khó khăn, trong đó có không ít người tật nguyền. Có lẽ vì thế mà đến lá thư thứ hai, khi biết hoàn cảnh của người bạn trai tên Tuấn bị bại liệt, Thư không những không e ngại mà lòng đầy cảm thông.

Những lá thư tiếp theo, Tuấn đã thể hiện tình cảm của mình trước sự gặp gỡ một người bạn tri âm. Tuấn đã viết về Thư: “ẩn chứa một điều gì thiêng liêng quá đỗi/ Mà có cái nhìn mang cả nỗi niềm riêng”. Đáp lại thư Tuấn, Thư lại viết: “ Gặp anh tìm nỗi buồn thơ ấu/ Chỉ thấy tiếng cười trong trẻo giữa hư không”. Và khi bài thơ “ Chiếc xe lăn” của Tuấn được giải cuộc thi Thơ dành cho người khuyết tật do tỉnh Hòa Bình phát động thì Thư đã chúc mừng Tuấn và mong mình được là “ chiếc xe lăn” để “ Chở nỗi buồn đi/ Chở niềm vui về” cho Tuấn.

(còn nữa)


Lê Va (Vietimes)

read more “Bí mật nào khiến Người như vậy: Tình yêu! (phần II)”

Bí mật nào khiến Người như vậy? Tình yêu!

6 năm. 304 bức thư. Ngắn nhất là 5 trang. Dài nhất là 20 trang giấy “phơi đúp” viết tay của hai con người chưa hề biết mặt nhau lại cách nhau hàng trăm cây số. Người con trai ngoài 30 tuổi gần như bất động trên giường đánh vật với từng con chữ. Người con gái tuổi đôi mươi, xinh xắn, khỏe mạnh, nết na thức thâu đêm để viết. Thế rồi họ đi đến hôn nhân tính đến nay đã được 6 năm. Và giờ đây họ đang tiếp tục say sưa xây dựng một “tượng đài Tình Yêu” kỳ vĩ bên dòng Đà Giang thơ mộng.



8304_ky_vy_1

Những bức thư đã xây lên một “tượng đài Tình Yêu” kỳ vĩ .


Trưởng thành trên giường bệnh


Sinh 1962, là con trai cả trong một gia đình có bốn anh em, Chu Phạm Minh Tuấn lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác. Hơn nữa, em còn thông minh, ngoan ngoãn. Từ lớp một đến lớp năm, Tuấn luôn là học sinh giỏi đứng đầu lớp. Tuy còn nhỏ nhưng Tuấn đã biết ra đồng giúp mẹ làm cỏ, gặt lúa, vào rừng kiếm củi, lên nương trồng sắn. Không những thế, em còn biết chèo thuyền, giữ lái cho bố đánh cá trên sông Đà.


Nằm ở phía hạ lưu cách đập Thuỷ điện Hoà Bình vài cây số đường chim bay, xã Hợp Thịnh huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) – một vùng đất thanh bình và thơ mộng. Ở đó, sông Đà trong xanh sớm chiều in bóng núi, những cánh đồng màu mỡ trải rộng từ chân đồi ra bờ sông, những đồi cát mịn màng đẹp như mơ được nhuộm đỏ vào mùa hoa gạo… Một đứa trẻ đẹp trai, thông minh, hiếu động, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê như thế hẳn sẽ hứa hẹn bao điều.


Nhưng rồi số phận thật phũ phàng. Đang học lớp 5 (1974), một căn bệnh quái ác kéo đến hành hạ Tuấn. Lúc đầu, các khớp chân em sưng tấy. Gia đình đưa Tuấn đi khám, bác sĩ kết luận em bị viêm đa khớp. Hết bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh. Hết Tây y đến Đông y rồi Đông – Tây y kết hợp. Cũng có giai đoạn bệnh tình thuyên giảm, Tuấn như con chim sổ lồng bay đến trường học tiếp lớp 6 trong niềm vui mừng khôn tả của gia đình, bạn bè và các thầy cô giáo.


Buồn thay, chẳng được bao lâu, con bệnh quay lại hành hạ cậu học sinh hiếu học. Không chịu xa trường, xa bạn, xa thầy cô, Tuấn nhờ bạn cùng lớp cõng đến trường để tiếp tục là học sinh giỏi đứng nhất lớp và tích cực giúp đỡ bạn trong học tập. Vừa thuốc thang vừa tập luyện, song sự quyết tâm của Tuấn cũng không thể kéo dài. Hết học kỳ I lớp 6, Tuấn lại phải xa trường, xa lớp lần thứ hai và không ngờ từ đây em vĩnh viễn phải từ giã mái trường thân yêu – nơi mình từng gắn bó và nuôi bao ước vọng. Đã bị bệnh tật hành hạ thể xác, nay nỗi đau không được tiếp tục đi học càng dày vò tâm hồn Tuấn khiến em suy sụp.


Thời gian đầu, hai tay hai nạng Tuấn còn nhúc nhắc vận động và giúp bố mẹ một số việc như bóc sắn, tẽ ngô. Và bằng với sự khéo léo, Tuấn còn chẻ nan đan những chiếc rổ, rá xinh xắn đủ dùng trong gia đình. Nhưng càng cố gắng bao nhiêu, càng hy vọng bao nhiêu, Tuấn càng thất vọng bấy nhiêu khi hai chân em cứng đờ và bắt đầu teo tóp. Từ hai chân, bệnh leo lên cột sống làm cho Tuấn cử động rất khó khăn.


“Có thể chữa được bệnh nhưng không chữa được mệnh”. Đó là câu nói nén tiếng thở dài của bà con đến thăm như là để động viên và cũng thông cảm sự cam chịu, sự bất lực của gia đình và bản thân Tuấn mà anh còn nhớ như in cho tới bây giờ. Tuy vậy, ai mách bảo ở đâu có thầy hay, gia đình Tuấn lại tìm đến với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhưng rồi tất cả đều bó tay. Từ cột sống, bệnh lan ra cánh tay trái, Tuấn không thể dùng hai tay nhờ vào hai nạng mà đu thân mình lên nữa. Thậm chí, bò bằng hai tay Tuấn cũng không đủ sức. Nỗi lo sợ âm thầm thành người bại liệt toàn thân nay thành sự thật. Kể từ tháng 6/1983, Tuấn gần như bất động trên giường.


Dù thiệt thòi do bệnh tật nhưng Tuấn không thiệt thòi về tuổi. Nghĩa là Tuấn vẫn sống. Nhưng Tuấn phải từ giã tuổi thiếu niên để đón tuổi trưởng thành trên giường bệnh và cứ thế cho đến ngày nay.


Thương con, ông bà Tấn mua cho Tuấn một chiếc rađiô nhỏ cho có bầu bạn. Tuấn rất chăm chú nghe đài. Mà thực ra không nghe đài thì cũng chẳng biết làm gì. Vốn thông minh, nhớ giỏi, Tuấn thuộc giờ giấc các chương trình phát thanh. Không những thế Tuấn còn tham gia vào Chương trình góp ý của bạn nghe đài. Năm 1993, Tuấn được bầu chọn là một trong 10 thính giả xuất sắc nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam và được tặng thưởng một chiếc rađiô. Đây là một phần thưởng tinh thần quý giá, là tiếp thêm nghị lực cho chàng trai “chịu bại liệt về thể xác nhưng quyết không chịu bại liệt về tâm hồn”.



8304_ky_vy_2

Chu Phạm Minh Tuấn “chịu bại liệt về thể xác
nhưng quyết không chịu bại liệt về tâm hồn”.



Những “lá bùa” tình yêu nồng cháy

Năm 1995, khi đã vào tuổi 33, Tuấn tham gia mục “Kết bạn” của Chương trình Thời sự và Âm nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam. Thông qua các tên người và địa chỉ mà Đài giới thiệu, Tuấn viết thư giao lưu với bạn bè. Đó là Kiều Oanh ở Mỹ Lộc, Lệ Ngân ở Xuân Thủy, Anh Thư ở Xuân Trường, Minh Huế ở Thái Bình. Với tình cảm chân thành, văn phong trong sáng, nét chữ cứng cỏi mà hào hoa, Tuấn đã cùng những người bạn tâm giao tâm sự suốt mấy năm trời.


Thế rồi với những lý do khác nhau mà chủ yếu là lý do xây dựng gia đình nên những người bạn lần lượt viết thư xin nghỉ giao lưu trong sự nuối tiếc của Tuấn. Không biết có phải vì lý do cá nhân hay ông Trời sắp đặt mà đã để lại duy nhất một người con gái sinh 1975 tên là Đặng Anh Thư quê ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định tiếp tục thư từ với anh. Từ những đồng cảm nội tâm, chung nhau nhiều sở thích… hai người nhanh chóng hiểu nhau và giao lưu thư từ không ngừng nghỉ.


Nếu như Anh Thư sau một ngày làm việc vất vả lại cặm cụi đêm khuya thanh vắng ngồi viết thư cho Tuấn thì ngược lại, Tuấn nằm ngửa trên giường, co bên chân phải đã teo tóp của mình lên, kê tấm bìa vào đó rồi dùng tay phải vừa viết vừa giữ giấy cho khỏi trôi, khỏi lệch. Trong tư thế ấy, bình thường thì dù cố gắng đến mấy, anh cũng chỉ viết được vài dòng là phải nghỉ. Chính Tuấn đã nói về việc viết của mình bằng thơ: “Nằm ngửa, đầu gối hơi cao/ Đùi kê bìa cứng kẹp giấy vào/ Tay phải vừa viết vừa ghìm giữ/ Được mươi dòng lại nghỉ giải lao”. Thế mà khi viết gửi cho Thư, Tuấn đã viết liên tục 20 – 30 dòng trong sự hưng phấn đến tột độ.


Bạn đọc có thể nóng ruột muốn biết bao giờ và lá thư thứ mấy thì Thư mới biết người bạn trai tên Tuấn của mình bị bại liệt? Xin thưa là chỉ ngay lá thư thứ hai Thư đã biết hoàn cảnh của Tuấn. Lá thư thứ nhất Tuấn gửi làm quen với Thư đề ngày 29/6/1995. Sau những ý tứ gợi mở, giản dị là mấy vần thơ: “Tâm hồn ta chiều nay thanh thản/ Nét bút gầy tìm đến với nhau/ Ghi gì đây hỡi bạn chưa quen/ Xin gửi tặng vần thơ kết bạn.”


Nhận được lá thư đầu tiên của Tuấn, không để anh phải đợi lâu, đêm đó, Thư đã thức đến 3 giờ sáng để viết thư cho anh. Và cứ thế, thư đi, thư đến. Và cứ thế, hết tháng lại năm, mối tình Tuấn – Thư ngày càng nồng cháy. Cho đến một ngày, Thư chủ động đặt vấn đề hôn nhân với Tuấn thì không những gia đình Tuấn mà ngay đến cả Tuấn cũng bàng hoàng, có lúc như muốn trốn chạy.


Sinh ra ở làng Hành Thiện - một địa danh được xếp vào hàng “địa linh nhân kiệt”, trong một gia đình nền nếp, bố giỏi chữ nho, một cô gái hiểu biết, mạnh khỏe, nết na chưa một lần yêu mà ngay từ năm 21 tuổi, qua thư từ đã đem lòng yêu một chàng trai chưa hề gặp mặt, hơn mình 13 tuổi lại bị bại liệt toàn thân… Trước sự thật ấy, không ít người cho là nhất định cô gái ấy có vấn đề không bình thường. Còn tôi, khi đã mục sở thị hạnh phúc của hai con người ấy sau 6 năm hôn nhân thì khẳng định người con gái ấy hoàn toàn bình thường như trăm ngàn những người con gái khác mà tôi đã gặp. Chỉ có điều, người con gái bình thường Anh Thư ấy đã làm nên một chuyện cổ tích giữa đời thường. Để từ đó góp phần làm cho tình yêu càng thêm kỳ bí.


Tôi và có lẽ tất cả chúng ta sẽ chẳng bao giờ giải thích được điều bí ẩn của tình yêu. Nhưng tôi sẽ cố gắng tìm cho tôi và mang đến cho các bạn thêm những bí mật mối tình Tuấn – Thư mà tôi cho là một tượng đài kỳ vĩ. Tôi sẽ cố gắng khám phá cái kho tài sản vô giá của họ. Đó là 304 bức thư tình với tổng cộng hàng ngàn trang viết tay, vượt qua chặng đường hàng trăm ngàn cây số trong khoảng thời gian trên hai ngàn ngày.


304 bức thư ấy không những được sắp xếp theo trình tự thời gian mà còn được xếp cạnh nhau theo thứ tự: Thư đi – thư đến. Tất cả đang được bảo quản vô cùng cẩn thận trong một chiếc hòm sắt 70 x 40 x 40 (cm) mà tôi đang lờ mờ nghĩ: Đó chính là những “lá bùa” của tình yêu!



(Còn nữa)

Lê Va (Vietimes)
read more “Bí mật nào khiến Người như vậy? Tình yêu!”

“Săn hụt” ở làng hoa hậu

Nhận thông tin: Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) là “làng sản xuất” ra 2 hoa hậu, 1 á hậu, chúng tôi “bay” ngay xuống vùng quê này khi dư âm cuộc thi HHTG người Việt vẫn còn đang... nóng hôi hổi.

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, rất nhiều tràng vỗ tay đã vang lên khi thí sinh mang số báo danh 49 Đặng Minh Thu “hiên ngang” tuyên bố rằng, món ăn Việt Nam được cả thế giới biết đến là phở có xuất xứ từ quê hương Nam Định của cô. Và cô còn tiết lộ mình quê ở làng Hành Thiện, quê hương của 2 Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Diệu Hoa (1990) và Nguyễn Thu Thủy (1994).

toasang203

Đặng Minh Thu - Á hậu 2 HHTG người Việt 2007.

Không phải “miền gái đẹp”?

Vượt qua thành phố Nam Định khoảng 30 km, chúng tôi có mặt ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường vào một buổi sáng trời mưa tầm tã. Trời mưa to nên đường làng vắng lặng, thoảng có người qua lại thì trùm kín áo mưa, nên đi mãi mà chúng tôi vẫn chưa có cơ may được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cô gái làng như trong tưởng tượng.

Thấy chúng tôi hỏi thăm về những mỹ nhân Hành Thiện đã từng đăng quang ngôi Hoa hậu, Á hậu của các cuộc thi người đẹp Việt Nam, ông phó Chủ tịch xã Xuân Hồng ngớ người ra: “Thế à! Giờ anh nói tôi mới biết đấy. Chúng tôi có biết thông tin gì về những cuộc thi này đâu. Chắc các cô ấy chỉ là gốc gác ở Hành Thiện thôi chứ không phải người làng đang sinh sống. Người làng hiện tại mà có người đoạt giải lớn như thế, lại chiếu trên truyền hình thì chúng tôi biết ngay”.

65103329-small_112526
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa cùng chồng và các con.

Quay sang anh Phan Hùng Cường, cán bộ chuyên trách văn hóa xã, chúng tôi cố vớt vát hy vọng tìm được một chút thông tin về vấn đề đang tìm hiểu, nhưng anh Cường cũng lắc đầu thành thật: “Quả thực là chúng tôi không biết gì thông tin về những người đẹp này cả. Chắc chỉ có đời cụ, đời ông, hoặc cùng lắm đời bố của họ là sinh ra ở Hành Thiện thôi. Còn họ hoặc sinh ra ở nơi khác, hoặc rời làng từ khi còn rất nhỏ. Còn nói về lịch sử thì Hành Thiện không nổi danh là “miền gái đẹp” như một số địa danh khác. Con gái Hành Thiện chưa thấy có ai đẹp nổi trội hẳn đến mức phải làm dư luận xôn xao”.

Những người đẹp dòng họ Đặng Xuân

Liên hệ qua điện thoại với anh Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, thành viên Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, cũng là một người con của làng Hành Thiện, anh cho biết: “Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy có bố là GS.TS Nguyễn Văn Lợi - Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - thuộc dòng họ Nguyễn ở làng Hành Thiện. Hiện tại ông bà nội của Thu Thủy vẫn đang sinh sống ở quê. Hoa hậu Việt Nam 1990 Nguyễn Diệu Hoa thì có mẹ là người gốc làng Hành Thiện. Ông ngoại cô là GS y khoa Đặng Vũ Hỷ, cậu ruột là GS.VS Đặng Vũ Minh nổi tiếng về tinh thần hiếu học và đỗ đạt cao. Còn Á hậu 2 Đặng Minh Thu vừa đăng quang đêm 2/9 vừa qua thì thuộc dòng họ Đặng Xuân ở Hành Thiện, nhưng đã rời làng xuất cảnh sang Nga từ khi 3 tuổi”.

65103329-small_112528

Nguyễn Thu Thủy đăng quang Hoa hậu 1994.

Nhờ sự dẫn đường và giới thiệu của anh Phan Hùng Cường, chúng tôi tìm đến những người dòng họ Đặng Xuân hiện còn đang sinh sống tại làng. Anh Đặng Xuân Tiến, người duy nhất của họ Đặng Xuân ở lại làng trông coi nhà thờ cụ Đặng Xuân Bảng - ông nội Cố Tổng bí thư Trường Chinh - vui vẻ trao đổi với chúng tôi: “Tôi cũng có theo dõi Cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt 2007 ở trên truyền hình. Khi xem phần dự thi của thí sinh Đặng Minh Thu, thấy giới thiệu quê ở Nam Định, tôi đã ngờ ngợ cô gái này thuộc dòng họ Đặng ở Hành Thiện. Thế nhưng vì thiếu thông tin nên khi tra gia phả tôi không thể tìm ra cô ấy thuộc chi nào, nhánh nào. Tôi ngờ cô ấy là cháu của bà bác ruột đằng bố tôi”.

Vậy là chuyến đi để khám phá “miền gái đẹp” đã trở thành “chuyến săn hụt”.

Nguyễn Thắng

Nguồn Báo Gia đình và Xã hội

Bên ngoài, Á hậu 2 Đặng Minh Thu trông trẻ và xinh xắn hơn những lúc được trang điểm kỹ. Thu hồn nhiên từ giọng nói và trẻ trung trong cách trả lời. Thu đến cùng bố, nhưng khi được mời giới thiệu phụ huynh, cô bé thật thà: “Em đến đây cùng bố nhưng bố em ngại quá nên không chịu lên đây”. Á hậu 2 cho biết, ban đầu cô rất ngại, không định dự thi vì trước đó đã tham gia cuộc thi Hoa hậu Biển, nhưng do được bố mẹ nhiệt tình động viên nên Thu đã quyết định thử sức lần nữa. Và với Thu, điều lớn nhất cô đạt được là sự giao lưu, là những kỷ niệm đẹp với những người bạn.

Theo Giadinh.Net.Vn
read more ““Săn hụt” ở làng hoa hậu”