Một làng...72 tân sinh viên

(SVVN) Năm nay, Hành Thiện có 75 học sinh dự thi và... 72 bạn đỗ đại học, cao đẳng (47 bạn đỗ đại học, 25 bạn đỗ cao đẳng). Đây là một kỷ lục riêng của làng và cũng có thể là kỉ lục của cả nước ở thời điểm này.

Nghèo tiền bạc, không nghèo chữ

Gia đình ông Phạm Ngọc Toán (xóm 7 làng Hành Thiện) là một hộ nông dân nghèo điển hình của làng Hành Thiện. Căn nhà trống huếch trống hoác, chẳng có một đồ vật nào đáng giá, ấy vậy, nhưng "gia tài" của vợ chồng ông lại khiến cả làng phải ngưỡng mộ.

Người dẫn đường cho chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội khuyến học Hành Thiện: "Vợ chồng nhà ấy giỏi lắm, chỉ có làm ruộng thôi mà nuôi 3 đứa con học đại học. Giờ này sang không biết có ai ở nhà không, hai vợ chồng làm việc quần quật cả ngày từ sáng đến tối, không hở tay lúc nào".

Ruộng ít, cuộc sống của vợ chồng ông Toán phải trông cậy cả vào nghề phụ nấu rượu và vài con lợn nuôi thêm. "Hoàn cảnh gia đình như thế, có năm tôi không dám mong cho các em nó đỗ, ấy thế mà cứ đỗ. Mọi người động viên nhau cố gắng vì nhà mình như thế là giàu chữ đấy, mấy năm nữa giàu cả tiền" - ông cười.

img_0715

Bác Phạm Ngọc Toàn nấu rượu và nuôi lợn - nuôi 3 con học Đại học

Chỉ tay vào tấm ảnh gia đình treo trên tường, ông Toán rạng rỡ khoe: "Đây là ba anh em nó. Cậu cả là Phạm Duy Trọng, học ĐH Nông nghiệp, sắp ra trường; cô hai là Phạm Thị Phương, đang học ĐH Thương mại năm thứ 4; thằng út là Phạm Ngọc Lâm, học ĐH Giao thông - Vận tải năm thứ 2. Chúng nó cứ tự bảo ban nhau mà học thôi".

Mỗi tháng nhận được 2 triệu đồng chắt chiu từ bố mẹ, ba anh em chi tiêu dè sẻn, thuê chung một nhà trọ, hằng tháng ra bến xe nhận gạo bố mẹ gửi lên. Đi lại khó khăn thì khắc phục bằng cách mua vé xe buýt tháng, đi mấy tuyến mới đến được trường. Không có phương tiện nên cũng không thể làm thêm được gì, cậu anh cả thỉnh thoảng lại được bác chủ nhà cho đi theo làm phụ hồ, đánh vôi. "Nhà có 8 phòng trọ nhưng ông chủ lại quý anh em nó nhất, về quê thăm chơi hai lần rồi...".

Ngày trước, tự hào về truyền thống "Đông - Cổ Am, Nam - Hành Thiện" (làng Cổ Am thuộc tỉnh Hải Dương xứ Đông xưa cùng với làng Hành Thiện của Nam Định có nhiều người học hành đỗ đạt cao), người làng thường nhắc nhau và kể cho khách đến chơi về những giai thoại như cụ Nguyễn Trọng Trù - lúc cày, bừa, giã gạo đều mang theo sách, đỗ cử nhân 25 tuổi; cụ Đặng Huyền đỗ tú tài năm 11 tuổi, cụ Nguyễn Như Bổng đỗ năm 60 tuổi...

Nay đến làng, mọi người lại khoe: nhà Phạm Ngọc Toán, chỉ ở nhà nấu rượu làm ruộng thôi mà nuôi ba con học đại học; nhà Chủ tịch xã Nguyễn Vũ Thịnh, vợ làm đồng nát mà nuôi ba con học đại học; ... Ngôi làng bé nhỏ chỉ với 6.000 dân này luôn đem đến cho người ta những điều ngạc nhiên.


Sức mạnh truyền thống

Ông Nguyễn Đăng Hùng cẩn thận lật giở từng trang giấy đã ố màu, ghi lại truyền thống của ngôi làng địa linh nhân kiệt - nơi sinh ra không biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước. Cả một tập tài liệu được giữ gìn cẩn thận với chi tiết từng cái tên, từng câu chuyện, từ thời Nho học với người "khai hoa" đầu tiên cho làng - cụ Nguyễn Thiện Sỹ (sinh năm 1501, đỗ cử nhân năm 1522) cho đến danh sách những học sinh trúng tuyển kỳ tuyển sinh 2008 - năm làng có tỉ lệ đỗ cao nhất từ trước đến nay.

Người thầy giáo - Hiệu trưởng trường chuyên của huyện năm nào giờ đã có thâm niên hơn 10 năm làm công tác khuyến học của làng. ông Hùng kể: "Ngay từ năm 1994, trước hai năm ra đời Hội khuyến học của Trung ương, chúng tôi đã có Hội khuyến học của làng Hành Thiện. Năm vừa rồi, Hội đã chi 8.292.000 đồng làm phần thưởng và quà cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh đỗ đại học, cao đẳng.

Quà động viên thì giá trị nhỏ thôi nhưng tổ chức trang trọng. Mỗi dịp có khen thưởng học sinh giỏi hay học sinh đỗ đại học làng lại như ngày hội vậy. Tôi đọc trên loa tên từng cháu một, con ông bà nào, ở xóm nào. Dân làng nghe tên con phấn khởi lắm. Nhà nào chưa được thì lại phấn đấu để được. Chúng tôi cứ tích cực kiên trì như vậy".


hoc20sinh20cap20320tan20truong

Học sinh cấp 3 tan trường

Dân Hành Thiện tự hào về truyền thống hiếu học và đỗ đạt cũng có nghĩa là tự hào về cái tên có từ thời Lê Trung Hưng thứ nhất - năm 1454 của làng mình (Hành Thiện là ngôi làng cổ thuộc hành lang phủ Thiên Trường).

"Cái đặc biệt nhất của làng là quan niệm của các cụ về chuyện học. Học không chỉ để làm ra tiền tài, của cải cho xã hội và bản thân mà còn để trở thành những con người có hiểu biết sâu rộng hơn về đạo lý làm người, gần với thánh hiền nhiều hơn. Học để có tri thức, sống hợp với luân thường đạo lý, với xã hội và với thời thế. Đồng thời học trở thành cái "nghề" của làng, ngoài hai nghề chính là nông nghiệp và dệt.

Những buổi sớm mai lẫn trong tiếng sáo diều vi vu, tiếng đập vải của các bà các chị là tiếng đọc bài ê a của các trò nhỏ. Cả làng cùng học. Hành Thiện có nghĩa là làm điều lương thiện, ông Hùng giải thích.


"Luyện thi" kiểu Hành Thiện

Lý giải về tỉ lệ đỗ đại học cao hiếm thấy của làng Hành Thiện, thầy Hoàng Trọng Sâm, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Trường - ngôi trường có rất đông con em Hành Thiện theo học, "bật mí": "Truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề định hướng nghề nghiệp và tổ chức ôn tập cho học sinh. Trong quá trình dạy và học, bản thân lãnh đạo chúng tôi phải nắm được tình hình học sinh qua các đợt thi và định hướng cho các em. Thí dụ, thi khối A phải 21 điểm trở lên và nên chọn những trường nào...

Bên cạnh đó, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật thông tin về điểm chuẩn của các trường hằng năm, dự báo cho học sinh và trước kỳ thi bao giờ cũng có tư vấn kỹ càng cho các em. Trong việc dạy học cũng phải linh hoạt. Cách thức thay đổi thì nội dung và phương pháp cũng phải thay đổi theo ngay. Thi tự luận thì ôn theo kiểu tự luận, tức là giải đề dài, khó; thi trắc nghiệm thì học hết sức cơ bản và chắc, giải những đề ngắn, một bài tập có thể chia thành 6, 7 bài nhỏ khác nhau. Có phương pháp để theo đúng thời cuộc, trong cách dạy của thầy và cách học của trò".

Niềm tự hào của ông Sâm chính là đội ngũ giáo viên ở trường. "Quan trọng nhất ở giáo viên là phải có kinh nghiệm. Trường tôi có 3 "bộ" giáo viên "ngon lành". Thông thường, Toán, Lý, Hóa được môn này sẽ "hỏng" môn kia, nhưng chúng tôi được cả ba vì cực kỳ chú trọng việc đào tạo nguồn kế cận trong chuyên môn.

Người ta chỉ hay nói đến kế cận trong lãnh đạo, nhưng ông Sâm lại có quan điểm cho rằng, kế cận trong chuyên môn mới cực kỳ quan trọng: "Hiện tại đội ngũ giáo viên trẻ, là học sinh cũ của trường rất đông và có kiến thức tốt. Chúng tôi giao chỉ tiêu cho tổ chuyên môn mỗi năm phải kèm một người, sao cho luôn có nhiều người dạy giỏi. Phải xem nếu thầy/cô này nghỉ thì ai có khả năng thay ngay được"...

Kiều Hải - Quỳnh Phương

Làng Hành Thiện là một địa danh nổi tiếng về số người học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt: 88 giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân (thống kê chưa đầy đủ). Trong khi đó, dân số của làng chỉ khoảng trên 6.000 người. Những năm gần đây, năm nào con em của làng cũng thi đỗ vào đại học, cao đẳng với tỉ lệ cao nhất nhì của cả nước.

Theo Sinh viên Việt Nam

read more “Một làng...72 tân sinh viên”

Chuyện học ở ngôi làng hình cá chép

12_giadinh1291

Gia đình anh Phạm Ngọc Toán, chị Nguyễn Thị Thanh

cấy 14 sào ruộng nuôi ba con học đại học.

Một làng có đến 72 người thi đỗ đại học, cao đẳng trong tổng số 75 người đi thi đại học năm 2008. Có gia đình, bố mẹ chỉ thuần tuý là những người nông dân, cấy đến 14 sào ruộng để nuôi 3 anh em cùng học đại học. Đó là những câu chuyện có thật ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định, một ngôi làng nổi tiếng về truyền thống học tập từ bao đời nay.

Cấy 14 sào ruộng nuôi 3 con học đại học

Theo lời chỉ dẫn tận tình của một người dân trong làng Hành Thiện, chúng tôi đến "xông đất gia đình khoa cử" Phạm Ngọc Toán ở xóm 7 Hành Thiện. Ngôi nhà thật đơn sơ, nhỏ nhắn nhường lại khoảng sân rộng trước nhà để gieo mạ, trồng rau và nuôi lợn. Anh Toán cười rạng rỡ đón chúng tôi.

Gia đình anh Phạm Ngọc Toán vẫn được người dân xã Xuân Hồng ngợi ca là gia đình điển hình cho tấm gương vượt khó học giỏi ở làng quê giàu truyền thống này. Mặc dù chỉ có nghề nấu rượu phụ thêm thu nhập gia đình với 14 sào ruộng trồng lúa mà gia đình anh Toán đã nuôi 3 cháu ăn học đại học.

Cháu đầu tiên là Phạm Duy Trọng đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp năm 2008, hiện nay đang công tác tại Viện Bảo vệ thực vật tại huyện Từ Liêm. Cháu Phạm Thị Phương hiện đang là sinh viên năm thứ 4 đại học Thương Mại, cháu Phạm Ngọc Lâm là sinh viên năm thứ 3 Đại học GTVT.

Anh Toán và chị Nguyễn Thị Thanh, vợ anh năm nay đã 51 tuổi, nhưng vẫn còn rất khỏe, da đỏ hồng hào. Sáng dậy sớm từ 4h tờ mờ đất, hai vợ chồng ra đồng, mang cơm nắm ở lại đồng buổi trưa luôn. Tối đến, xong việc đồng áng, nấu rượu cũng phải 11, 12h đêm. Vậy mà nhà anh còn cố nuôi thêm lứa lợn nái, xuất bán mỗi lứa hơn chục con, để mong có thể bỏ ra số tiền hai triệu đồng mỗi tháng nuôi ba người con học đại học.

Trong ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng anh Toán, chị Thanh không có lấy một thứ tài sản vật chất nào đáng giá. Có lẽ, thứ quý giá nhất chính là những tấm giấy khen về thành tích học tập của các cháu cùng tấm bằng công nhận Gia đình hiếu học năm 2007 của UBND xã Xuân Hồng.

Không riêng gia đình anh Phạm Ngọc Toán, các gia đình có 3, 4 con cùng học đại học và lập nghiệp tại Hà Nội trở thành chuyện phổ biến tại làng Hành Thiện. Như gia đình bác bảo vệ khu Nhà tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh-Nguyễn Viết Điều hiện cũng có 4 người con đang học đại học và cao đẳng...

Đất của "nghề học"

Chúng tôi gặp thầy Nguyễn Đăng Hùng trước đây từng là thầy dạy Toán của Trường THPT Xuân Hồng đã nghỉ hưu, hiện đang giữ chức Hội trưởng Hội khuyến học làng Hành Thiện.

Theo thầy Hùng, ngôi làng Hành Thiện có hình dáng đặc biệt, hình con cá chép, được chia thành 18 dong theo cách gọi dân gian hay 18 xóm với hơn 6.000 dân đang sinh sống. Thầy chậm rãi lật giở từng trang cuốn sổ ghi chép hết sức cụ thể về tên tuổi, địa chỉ và chức vụ của từng người dân làng Hành Thiện đã đỗ đạt và thành danh từ năm 1945 trở lại đây.

Cuốn sách mang tên Tri thức thời tân học làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Tất cả tư liệu trong cuốn sách này đều do thầy cùng với Phó Giáo sư Sử học Đặng Đức An đối chiếu lịch sử và sưu tầm. Số học sinh đỗ đại học, cao đẳng người làng Hành Thiện những năm gần đây luôn có tỉ lệ tăng dần.

Năm 2007, có 63 trên tổng số 78 người dự thi đỗ đại học, cao đẳng. Năm 2008, số người đỗ đại học, cao đẳng đã là 72 người trong tổng số 75 người dự thi. Cũng trong năm này, số học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh của làng lần lượt là 94 và 25 người.

Từ năm 1945 cho đến năm 2005, làng Hành Thiện có tới 16 người từng giữ các chức vụ từ Tổng Bí thư đến Thứ trưởng các Bộ, tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam có 6 người, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động 2 người, danh hiệu Giáo sư, Phó Giáo sư là 45 người, danh hiệu Tiến sỹ và Thạc sỹ là 166 người. Trí thức có bằng đại học lên đến 1.500 người.

Không chỉ vang danh trong nước, làng Hành Thiện còn đóng góp cho đất nước nhiều học sinh đoạt giải quốc tế. Giáo sư Vũ Khiêu cũng đã từng tự hào nói về đất Hành Thiện: Đây là đất có nhiều nghề làm ruộng, dệt vải và nghề học. Đêm đêm có thể nghe thấy tiếng sáo, tiếng đập vải, xen lẫn là tiếng học của các cậu học trò.

Để khuyến khích con em trong làng chăm chỉ học hành, Hội khuyến học làng Hành Thiện đã được thành lập. Nhiều người con Hành Thiện xa quê vẫn đều đặn gửi tiền đóng góp cho quỹ khuyến học của làng ngày càng phát triển.

Nói về phương pháp học và thi đại học, thầy Hoàng Trọng Sâm, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Hồng, nơi đang có rất nhiều học sinh người làng Hành Thiện theo học cho hay: Trường luôn quan tâm đến việc học và dạy học, đặc biệt là hướng nghiệp cho học sinh ngay từ những năm đầu học cấp 3...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất giúp học sinh vượt qua các kỳ thi với kết quả tốt vẫn là sự cố gắng học hành, phát huy truyền thống hiếu học từ chính bản thân các học sinh


Ng.Hương - Cao Hồng

Nguồn Công An Nhân Dân

read more “Chuyện học ở ngôi làng hình cá chép”

Lai lịch Hành Thiện

Sự duyên cách làng ta trước kia không rõ, duy về đời nhà Lý (khoảng thế kỷ 12) thì ấp ta thuộc làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh (xã Giao Thủy trước ở tại Quảng Lăng, Quán Các, sau cũng bị lở xuống sông, rồi di cư đến phía Nam xã Lạc Quần và đổi là làng Nghĩa Xá, phủ Hải Thanh, đến đời nhà Trần thì đổi là Thiên Trường). Khi thuộc nhà Minh thì gọi là Phụng Hóa, đến triều Tự Đức, nhà Nguyễn đổi là Xuân Trường. Đời nhà Trần, ấp ta có vườn kim quất (cam ngọt) các vua nhà Trần thường hay đến chơi, nên đặt tên là Hành Cung Trang, đến đời Hậu Lê (thế kỷ 16) vì nước sông Nhị Hà xung khích bị lở xuống sông, các cụ Tổ ta mới di cư xuống ấp mới này (tức là xã Hành Thiện bây giờ) chia ra làm hai trang, phía Tây Bắc gọi là Trang Dũng Nhuệ (triều Tự Đức gọi là Dũng Nghĩa), nay thuộc huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình; phía Đông Nam gọi là Trang Hành Cung thuộc xã Giao Thủy (giao nghĩa là keo, nên tục gọi Dũng Nghĩa là Keo trên, làng ta là Keo dưới). Đến triều Minh Mạng (thế kỷ 19) đổi là Xã Hành Cung, đến năm Quý Mùi niên hiệu Minh Mạng thứ tư (1823) mới đổi là Hành Thiện.

Vậy thì làng ta có xã danh từ triều Lý đến nay gần 800 năm (bằng cứ vào việc dựng chùa) mà khi di cư đến đây là từ triều Hậu Lê, đã được gần 400 năm vậy.
Kiểu đất hình như con cá chép, bốn bên có nước, sông con chảy quanh, bên kia sông con, về phía Nam có một khoanh ruộng mạ thuộc xã Ngọc Cục, nay là phủ lỵ đóng tại đấy, hình như cái nghiên mực, lại bên kia sông còn về phía Đông thuộc xã Thượng Phúc, có một miếng đất dài và nhọn nằm ngay cạnh sông, hình như cái bút tẩm thủy, triều sang làng ta, khoảng ruộng sứ thần ở phía tây bên kia sông con, hình như cái bảng, vì có mộ Tổ họ Nguyễn để ở đây có dựng bia nên tục gọi là ruộng bia. Theo thuyết phong thủy, thì làng ta cũng là một nơi danh thắng ở đất Tiên Châu này vậy.

Theo hình thể khu đất làng ngoài, thì đầu cá ở về cuối làng (phía Nam) có Miếu và chợ bên cạnh miếu có trũng xuống một chỗ hình như cái giếng nhưng nông, gọi là mắt cá, trên đầu làng bên Vũ chỉ, cũng trũng xuống một chỗ độ bằng cái thúng, gọi là rốn cá (tưởng truyện mắt cá và rốn cá hễ vô ý động chạm đến thì làng động, xẩy ra sự không may), phía Tây làng tức là lối trước là bụng cá, phía Đông làng tức là lối sau gọi là sống lưng cá, từ đầu làng lên đến chùa là đuôi cá, dân cư chia làm từng giong hình như khúc cá.

Đông giáp xã Thượng Phúc, Tây và Tây Bắc giáp xã Dũng Trí và sông Nhị Hà, Bắc giáp xã Hạc Châu, Nam giáp xã Ngọc Cục.
Dân cư ở làm 2 khu: Làng ngoài và làng trong. Nguyên trước chỉ có làng ngoài tức là nơi thổ cư kiểu hình cá chép, sau mới di cư vào làng trong về phía Tây Nam sông con, giáp xã Ngọc Cục, và một khu trong cư công điền là trại Chí Thiện giáp xã Bùi Chu.

Làng ngoài chia làm 14 giong, giong nọ cách dong kia 60 ngũ, mỗi going chia làm hai xóm, nửa về phía Tây là Xóm trước, nửa về phía Đông là xóm sau, đường cái đi chung quanh làng, mỗi giong đều có đường nhỏ, xóm trước đi thông với xóm sau. Trong mỗi going chia ra từng thổ cư một, mỗi thổ cư có một sào 5 miếng đất và ao, tuy có going dài going ngắn, nhưng số thổ cư chỉ nhất định là 1 sào 5 miếng mà thôi.

Làng trong, thường gọi là Xóm trong, ở về phía Tây cách làng ngoài 1 con sông nhỏ, gọi là xóm Phú Thọ, chia ra làm 4 xóm nhỏ, cũng có từng going, địa thế tuy nhỏ hẹp, nhưng sinh tụ ngày một đông đúc, cũng là một nơi phồn thịnh.

Theo Hành Thiện Xã Chí

Đặng Xuân Viện - 1934


read more “Lai lịch Hành Thiện”

Hành Thiện, đất “bút nghiên”

Ký ức của tôi về làng Hành Thiện gắn với tuổi 27 – 28, hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, khi tôi dạy Anh văn ở trường Trung học Nguyễn Khuyến (Nam Định) thì chiến sự bùng nổ vào buổi tối 19 tháng 12. Thành phố tiêu thổ, vây quân đội Pháp bên trong. Các hoạt động giáo dục văn hóa di tản ra vùng nông thôn.

Các thầy trường Nguyễn Khuyến cùng ông hiệu trưởng Phó Đức Tố đi một chuyển đò về làng Ngọc Cục, cạnh Hành Thiện, cách thành phố khoảng hai chục cây số về phía đông nam. Văn phòng trường ở Ngọc Cục.

Tôi nhớ có mấy bữa dạy ở nhà thờ xứ, lèo tèo chưa được chục học trò. Tôi cũng có dịp đi Hành Thiện luôn, vì có học trò cùng gia đình tản cư bên đó. Nhất là đất lành chim đậu, có một số văn nghệ sĩ tạm trú bên đó, đặc biệt cóVũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, …

Có cuộc họp văn hóa kháng chiến tỉnh Nam Định ở Hành Thiện, hồi đó tôi làm Chủ tịch Hội. Họp xong, vợ anh Trần Lê Văn, cô gái Thái Thuận Châu lên kể chuyện đánh tây ở Tây Bắc, anh Văn phiên dịch cho vợ. Anh bạn nhạc sĩ là Tạ Phước cũng về tản cư về Hành Thiện ít lâu.

Vì sợ quân Pháp đi tuần trên sông Ninh Cơ (nhánh sông Hồng) đổ bộ càn quét Ngọc Cục – Hành Thiện, trường Nguyễn Khuyến dời đi cách 7 km, tới Trà Bắc, sau chuyển đi Yên Mô ở Ninh Bình.

Nhớ đến Hành Thiện là nhớ đến làng khoa bảng. Các cụ cho phát như vậy là cho đất cát, phong thủy. Làng Hành Thiện thuộc phủ Xuân Trường hình con cá chép (Quan niệm xưa đi thi đỗ là cá chép vượt Vũ môn. Sách Hán có câu: “Vũ môn tam cấp lãng”. Theo Đào Duy Anh, tục ngữ ta cũng có câu: “Cá nhảy Vũ môn” để chỉ học trò đi thi.) .

Hành Thiện được sông đào Bùi Chu (chảy ra sông Ninh Cơ) bao bọc, cá thả hồ vẫy vùng. Đầu cá ở cuối làng phía chợ, cạnh miếu có mắt cá (cái giếng), nếu động vào là đau mắt cả làng. Đầu làng là rốn cá (một chỗ trống), động vào là làng có gái chửa hoang. Phía nam làng có 1 ruộng mạ hình cái nghiên mực, phía đông có mảnh đất dài hình cái đầu bút lông. Do đó mà Hành Thiện có sự nghiệp bút nghiên.

Phải qua nhiều nỗi gian truân, Hành Thiện mới định cư được ở mảnh đất “địa lý” đẹp [như] ngày nay. Vào thời nhà Lý, thế kỷ XI, các cụ tổ sống ở làng Hồ Xá (sau này thuộc huyện Nam Trực, Nam Định), giồng [trồng] loại Kim quất, - vua Trần thường đến chơi nơi này, nên có tên là Hành Cung trang. Đến thế kỷ XIV, Hồ Xá lở xuống sông Hồng. Các cụ di cư ra ngoài đê , lập làng mới. Làng này sau tách ra 2 trang, trang phía Bắc nay thuộc đất Thái Bình, gọi là Keo Trên, trang phía nam là Keo Dưới (còn gọi là trang Hành Cung). Đến thế kỷ XVI, đất lại lở, trang Hành Cung di xuống đất Hành Thiện hiện tại.

Đất học xưa có “Xứ Đông Cổ Am, xứ Nam Hành Thiện”. Hành Thiện có 7 vị đại khoa (Phó Bảng, Tiến sĩ), 92 cử nhân, 210 tú tài. Thời Nguyễn, đứng đầu toàn quốc về khoa bảng: Hành Thiện (88 vị đỗ đại khoa và cử nhân, trong đó đại khoa 7 vị), Đông Ngạc ở Hà Đông (42 đại khoa và cử nhân, trong đó đại khoa 9 vị), Cổ Am ở Hải Dương (18 đại khoa và cử nhân, trong đó đại khoa 2 vị). Từ thời Pháp thuộc cho đến nay (2005), số tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư Hành Thiện cũng rất nhiều, ở nước ngoài cũng không hiếm.

Xin kể vài vị trí thức Hành Thiện nổi tiếng về nhân cách. Cụ Đặng Mấu và cụ Đặng Hữu Bằng đi học ở Nhật trong phong trào Đông Du, cụ Đặng Kinh Luân sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục, ông Nguyễn Thế Truyền (kỹ sư hóa ở Pháp) đã ngang nhiên tát 1 Tổng đốc hống hách [(Vi Văn Định, Tổng đốc Thái Bình)] ở bến Tân Đệ (Nam Định).

Sỡ dĩ Hành Thiện trở thành “đất bút nghiên” là vì đã có truyền thống học và môi trường văn hóa từ lâu đời. Từ trước 1945, có nhiều tế lễ, hội hè đình đám, các hội tư nhân như Thi xã (hội thơ, năm 1931, nữ sĩ tương Phố tham gia các buổi ngâm thơ ở nhà nữ sĩ Mộng Lan), hội cổ nhạc, hội tân nhạc (đặc biệt các năm 1946 – 48, hội tụ nhiều nghệ sĩ). Bác sĩ Phan Thanh Hoài, gốc Hành Thiện kể lại 1 cử chỉ khuyến khích học tập như sau: Bác sĩ Đặng Vũ Lạc bỏ tiền ra xin Công xứ cho xây trường tiểu học 6 lớp ở làng Hành Thiện (các làng chỉ có trường sơ học 3 lớp, học lên nữa phải học ở trường huyện); ông quyên các nhà giàu ở trong làng đóng tiền mua ruộng khuyến học, cho cấy rẽ, lấy tiền làm học bổng cho học sinh nghèo, - khi tốt nghiệp ra đi làm, phải hoàn lại tiền cho quỹ. Do đó, nhiều con nhà nghèo học được lên đại học, như bác sĩ Nguyễn Sĩ Quốc chỉ là con 1 ông bán dầu rong.

Một điểm cuối cùng là tinh thần tôn trọng thầy học. Các môn sinh đóng tiền mua ruộng hoặc biếu thầy, hoặc lấy hoa lợi tu bổ nhà thờ, mồ mả, giỗ Tết thầy. Ngay cả thời Tây học, truyền thống vẫn còn. Từ 1975, sau chiến tranh, học trò cũ liên trường Trung học Nam Định – Trà Bắc – Yên Mô (trong đó có Hành Thiện) thường xuyên họp ở Mỹ [?] để nhớ lại những kỷ niệm đẹp 1 thời học trò. Bản thân tôi cũng rất cảm động nhận được tin tức và thư từ của 1 số học sinh cũ người Hành Thiện. Thầy trò tóc đã bạc, tình nghĩa vượt qua những hàng rào tư tưởng, nếu có.

2005

HỮU NGỌC , NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VĂN HÓA

NXB GIÁO DỤC, tháng 4 – năm 2006.

read more “Hành Thiện, đất “bút nghiên””

Làng Hành Thiện online...

Bản đồ làng Hành Thiện
Bản đồ làng Hành Thiện

Ngôi làng nhỏ ven sông Ninh Cơ (sông Cửa Lạch), một chi lưu của sông Hồng Hà chảy suốt tỉnh Nam Định từ Bắc xuống Nam, rồi đổ ra Cửa Lạch Giang, ra biển.

Một ngôi làng gắn liền với những truyền thống tốt đẹp, được vua Minh Mạng ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng "Mỹ tục khả phong", và đổi tên thành làng Hành Thiện

Ngôi làng với những nét độc đáo thật đặc biệt. Từ thời lập làng, các bậc tiền nhân đã xây dựng rất công phu, thể hiện trình độ học vấn và sự uyên thâm của người xưa. Ngôi làng cổ mang dáng hình con cá chép, như ước vọng của người xưa mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với dân làng. Phải chăng vì thế, ở Hành Thiện, đời nào cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước; đến nỗi, dân gian còn truyền tụng câu ca dao "Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện"

Với truyền thống của mình, Hành Thiện vẫn còn lưu giữ được những di tích lịch sử, gắn liền với lịch sử dân tộc như chùa Keo Hành Thiện, chùa Đinh Lan, các nhà thờ họ, nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh,...

Cùng với sự phát triển của làng, người Hành Thiện đã tỏa đi khắp đất nước, khắp năm châu, nhưng vẫn luôn giữ được những nét riêng của mình. Các hội đồng hương hoạt động rất hiệu quả trong việc nối kết những người dân Hành Thiện.

Với việc phát triển của CNTT, hi vọng blog Làng Hành Thiện sẽ là nơi để những người dân Hành Thiện có thể thỏa nỗi nhớ quê hương...

Những tài liệu, bài viết về làng được sưu tập, đăng tải tại đây sẽ giúp cho những người con của Hành Thiện, bạn bè hiểu rõ hơn về ngôi làng này.

Trang tin về làng Hành Thiện được đăng tải tại:

- Blogger: http://langhanhthien.blogspot.com/

- Wordpress: http://langhanhthien.wordpress.com

- Facebook: http://www.facebook.com/langHanhThien

Và nhiều trang mạng khác


Mọi đóng góp ý kiến, ủng hộ, tham gia xin liên hệ email: hanh_thien_village@yahoo.com hoặc kid1485@gmail.com

Tài khoản tại Nam Định Online http://namdinhonline.net là Hanh_Thien_villager

read more “Làng Hành Thiện online...”