Họ Đỗ Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường,Nam Định

HỌ ĐỖ XÓM 5 LÀNG HÀNH THIỆN

XÃ XUÂN HỒNG, XUÂN TRƯỜNG, NAM ĐỊNH
(tin từ ông Đỗ Bắc Biệt).

1/ Từ đường họ Đỗ ở xóm 5 (xóm Ngũ Phúc), Hành Thiện thờ cụ Tổ là Đỗ Đức Định, bị xung quanh tranh chấp đất đai, làm ô uế khuôn viên Từ đường. Tháng 1/2007 nhờ chính quyền địa phương can thiệp, con cháu đã tiến hành tu sửa lại Từ đường, xây tường bao quanh. Tuy việc lập sổ đỏ cấp giấy chứng nhận sở hữu đất chưa làm được nhưng con cháu được sự giúp đỡ của chính quyền sẽ làm ngay để tiến hành nâng cấp Từ đường cho khang trang.

2/ Gia phả họ Đỗ Hành Thiện do cụ Nguyệt Hiên Đỗ Ngọc Bá phụng thảo ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Tý (1949) đời thứ 10 ngành Giáp có ghi Đỗ Bội Quỳnh con cụ Đỗ Ngọc Ái như sau: "Ông sinh năm 1924 mất năm 1949 khi công tác ở Công an". Gia phả chỉ ghi được bằng ấy chữ vì thời gian đó là thời kỳ "hai năm bốn tháng" giặc Pháp đàn áp khốc liệt nhất, phá vỡ nhiều cơ sở cách mạng, nhiều gia đình có người tham gia kháng chiến bị bắt, giết, tù đày. Trong nhiều năm, ông Đỗ Thế Viêm đã đi tìm chiến công của ông Đỗ Bội Quỳnh. Tháng 1/2007 được sự giúp đỡ của ông Nguyễn Đức Minh, Thiếu tướng, nguyên Viện trưởng V21 (ĐT 048551192) và ông Đỗ Văn Hào công an huyện Xuân Trường (ĐT 0350754022) đã làm hồ sơ liệt sĩ Đỗ Bội Quỳnh, sinh thời là Quận trưởng Công an Hoàn Kiếm, Hà Nội, về họp tại Ứng Hoà, Hà Đông bị giặc Pháp ném bom, hy sinh ngày 2-9-1949. Hiện nay gia đình cụ Đỗ Ngọc Ái còn em ruột ông Đỗ Bội Quỳnh là ông Đỗ Bội Quyết. Ông Đỗ Thế Viêm đã liên hệ được với ông Quyết ngày 24-1-2007.

Nguồn Họ Đỗ Việt Nam

read more “Họ Đỗ Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường,Nam Định”

Chi họ Vũ làng Hành Thiện

CHI HỌ VŨ LÀNG HÀNH THIỆN

- HUYỆN XUÂN TRƯỜNG (NAM ĐỊNH)

Trích Gia phả

Được biết: khoảng cuối thế kỷ thứ 15, một trong những con cháu Cụ Vũ - Hồn, tên Vũ Chân Tâm(*) đã cùng gia đình di cư từ làng La Xá huyện Thanh Tâm, tỉnh Hải Dương đến định cư tại làng Đế Trạch, sau là Phương Để, trấn Sơn Nam tỉnh Nam Định.

Đến đời thứ 9 con cháu Cụ Vũ Chân Tâm là Cụ Vũ Huệ Trì đã rời bỏ làng Đế Trạch đến cư ngụ tại khu chùa ngoài làng Hành Thiện ngày nay mà khi đó gọi là Hành Cung Trang thuộc Phủ Xuân trường, tỉnh Nam Định.

SỰ HÌNH THÀNH HỌ ĐẶNG – VŨ TẠI LÀNG HÀNH THIỆN

Cụ Vũ Thiên Thể tức Vũ Huệ Hồi sanh năm Giáp Dần 1734 đời Vua Lê Huệ Tông, mất ngày 24 tháng 1 năm Mậu thìn nhằm 09 – 01 – 1809 hưởng thọ 75 tuổi.

Năm 1755 (21 tuổi) Vũ Thiên Thể lấy con gái Ông Bà Đặng Phước Long người Làng trong Hành Thiện tên Đặng Thị Từ Giảng, vì ân nghĩa và vì quyền lợi thiết thực đã đổi thành Đặng Thiên Thể.

Năm 1884 cháu 3 đời ông Tú tài (2 lần) Đặng Vũ Nghĩa đề xướng việc ghép thêm chữ Vũ sau họ Đặng cốt để cho con cháu sau này không quên Tổ của Tổ Mẫu thành Đặng Vũ Thiên Thể và họ Đặng Vũ xuất hiện từ năm 1884. Tuy nhiên về sau cũng có một số con cháu Tổ đã thay chữ Vũ bằng chữ khác như Cụ Tú tài Đặng Cao Kình, Cụ Đặng Quốc Kiều, Cụ Đặng Cao Phan…tuy nhiên vẫn duy trì tinh thần con cháu Tổ Đặng Vũ.

ĐẶNG VŨ BỔNG Sao lục Phả Ký Đặng Vũ

--------------------------------------------------------------------------------

(*) Trong phả họ Vũ Mộ Trạch chi Hiển đức có chép: khai tổ chi III (Hiển Đức, là Vũ Hữu được phong tặng Toán trạng và được ban thưởng 100 mẫu đất ở Tào Nha Nam Xương, mặc dù làm chức đại quan trong triều, nhưng nhà nghèo không có điều kiện khai khẩn canh tác nên một phần lớn cho nông dân địa phương đó làm rẽ, một phần trao cho bà Thứ thất mà Cụ cưới ở vùng đó, không biết bà này có bao nhiêu con trai, con gái chỉ biết qua lời truyền miệng của dân vùng này thì: Cụ Thượng Hữu có người con trai tên là Vũ Tán làm chất Đồng Tổng Quản ở Sơn Nam đã để con cháu khẩn hoang lập đất ở miền này. Chữ Tán còn một âm là TÂM (trong từ Tâm Tâm có nghĩa là lòng dạ hăng hái (vậy có thể nào là Vũ Chân Tâm chăng ???)). BBT


Nguồn Dòng họ Vũ Võ

read more “Chi họ Vũ làng Hành Thiện”

Họ Đặng-Vũ và Làng Hành-Thiện

Vào đầu hay giữa thế kỷ XVII , một người họ Vũ tên là Vũ Huy Pháp, nguyên quán tại Mộ Trạch , tới lập nghiệp tại phủ Thiên Trường, ở phía đông trấn Sơn Nam, tức tỉnh Nam Định hay Hà Nam ngày nay, một vùng giáp biển cả. Nơi đây là đất thang mộc, quê hương, của nhà Trần, nguyên gốc tại làng Tức Mạc. Các vua Trần, khi nhường ngôi cho con thường về ở đây, nên mới đặt tên cho vùng này là Thiên Thanh, rồi Thiên Trường; dưói đời nhà Lý Thiên trường gọi là Thanh Hải, và dưới đời nhà Nguyễn tên này bị đổi là Xuân Trường. Không rõ ông Pháp Huy đi thẳng từ Mộ Trạch đến hay từ một nơi tạm cư khác; như trường hợp tổ họ Vũ ở Vĩnh Chụ, Hà Nam, trước khi định cư ở Vĩnh Chụ, đã từng sinh sống ở làng Tây Lạc, tổng Sa Lung, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Ông di cư trong trường hợp nào ? Con cháu ông cũng không rõ. Thuyết mà chúng tôi được nghe kể lại nhiều nhất là gia đình ông bị tội tru di tam tộc, nên ông phải trốn tránh và tá túc khắp nơi; sau cùng ông dừng chân nơi một ngôi chùa ở phủ Thiên Trường, thôn Dũng Tý thuộc làng Giao Thủy -- vào đầu triều Nguyễn được đổi là Hành Cung, đến năm 1823 được được đổi là Hành Thiện -- và được một người làng này, tên là Đặng Phúc Long, giúp đỡ. Vì chịu ơn họ Đặng ông cho một người con, tên là Thiện Thể, làm rể họ Đặng, và người con này đổi họ thành Đặng-Vũ, bắt nguồn cho một dòng dõi riêng biệt.

Gia phả họ Đặng-Vũ ghi ông Đặng-Vũ Thiện Thể sinh năm 1734, không biết ở đâu, và mất năm 1765. Tính rằng khi lấy vợ, ông Thiện Thể phải khoảng 20 tuổi, thì ông Vũ Pháp Huy muộn nhất cũng xuất hiện tới vùng Hành Thiện vào năm 1754, và lúc đó ông đã đứng tuổi rồi. Nếu gia đình ông qủa mắc phải tội tru di tam tộc sau một hành động đối nghịch triều đình của ông hay người nhà ông, thì chuyện đó phải xảy ra trước năm 1754.

Xét trong sử sách thì vào giữa thế kỷ XVIII, sau vụ Trịnh Giang bạo ngược (1735), phế rồi giết vua Lê Duy Phường (1720-1732), giặc giã hay nghĩa binh, mượn tiếng phò Lê, nổi dậy khắp Việt Nam. Vào khoảng 1740, ngoài việc đối phó với phe Lê Duy Mật ở Thái Nguyên, với Nguyễn Danh Phưong ở Sơn Tây, rồi Thanh Hóa, và phe con cháu nhà Mạc ở Cao Bằng, triều đình còn phải đối phó với hai đảng lớn đều do họ Vũ khởi xướng, tức là nhóm giặc Ngân Già ở Sơn Nam và giặc Ninh Xá ở Hải Dương.

Khi nhóm giặc Ninh Xá bị dẹp năm 1741, dư đảng tiếp tục mộ quân chống triều đình; họ chia nhau chiếm cứ các vùng: Nguyễn Diên, cháu Nguyễn Tuyển ở Nghệ An; Hoàng Văn Chất ở Sơn Nam, vùng Khoái Châu; và mạnh hơn hết là Nguyễn Hữu Cầu, con rể Nguyễn Cừ, cũng gọi là giặc Cỏ, ở Kinh Bắc-Hải Dương.

Theo Luật nhà Lê và theo tuổi Vũ Pháp Huy -- vì có con sinh năm 1734, nên năm đó ông phải khoảng 20 tuổi -- nếu ông có án tru di tam tộc thì hoặc chính ông, hoặc cha, anh em trai, bác, chú, của ông đã phạm tội mưu phản hay mưu đại nghịch, tức tự mình hay cùng đồ đảng chống lại nhà vua hay nhà chúa.

Trước năm 1754, những người họ Vũ chống họ Trịnh được sử sách nhắc tới là Vũ Thước, Vũ Đình Dung và Vũ Trác Oánh đã kể trên. Nếu ông là thân nhân của Vũ Trác Oánh, thì Pháp Huy không phải là tên thật của ông; bởi vì chúng tôi có tham khảo các tài liệu về Vũ Trác Oánh, nhưng không thấy thân nhân nào của ông có tên là Pháp Huy cả.

Ngoài ra, lại có thuyết cho rằng Vũ Trác Oánh trốn được vào Nam và lập nghiệp trong đó, Về phần Vũ Đình Dung, con cháu ông vẫn còn sống ở vùng Hành Thiện, và dân Đặng-Vũ có ít xác xuất Vũ Pháp Huy cùng tộc với họ. Còn lại Vũ Thước, nhưng chúng tôi chưa dủ dữ kiện để có ý kiến.

Có thể Vũ Pháp Huy chỉ lánh pháp đình, không nhất thiết vì án tru di, vì ông phạm tội mưu bạn tức chỉ là người tham gia, nhưng không phải là chủ não cuộc phản loạn. Dù sao chăng nữa, trong trường hợp ông có dính lứu tới một cuộc nổi loạn, ông phải trốn chạy tới vùng Hành Thiện sau năm 1735 , năm các cuộc " khởi nghĩa" bát đầu, cùng với con, và có thể cả vợ, vì con ông sinh năm 1734.

Nhưng cũng biết đâu thuyết ông Vũ Pháp Huy mắc nạn, đến cư ngụ tại phủ Thiên Trường chỉ là một huyền thoại! Như chúng tôi đã nêu ở trên, nhiều người họ Vũ bỏ Mộ Trạch đi nơi khác đi nơi khác làm ăn vì một lý do rất đơn giản là sự mưu tìm kinh kế. Cứ tính rằng rằng sau chín đời, một người họ Vũ có thể sinh sôi nẩy nở tới 880 người như Gourou kể về họ Vũ ở Vinh Chụ. Vậy trải qua các thế kỷ, đinh số của họ Vũ tại Mộ Trạch sẽ cao quá độ nếu một thành phần không di tản -- thường là theo trào lưu Nam tiến.

Những người ra đi thường là những người nghèo, mà quan viên họ Vũ, bởi trọng đức thanh liêm, phần nhiều sống tron cảnh thanh bần.

Bị thúc bách bởi nhu cầu vật chất, người di cư hay tìm đến những khu đất mới; vì tại những nơi này họ gặp ít cạnh tranh phiền toái, và tương lai gia đình có nhiều triển vọng hơn. Vào thế kỷ XVII, vùng hạ lưu sông Hồng là một vùng đất bồi hãy còn bùn lầy, nên tương đối chưa có nhiều dân cư. Những làng được lập lúc đó đều là những làng mới. Chính làng Hành Thiện bây giờ lúc đó chỉ là một ấp thuộc xã Giao Thủy(1), không có địa giới nhất định trước thế kỷ XVII, vì ấp dựng trên đất bồi nơi sông ngòi hợp lưu; những nơi đó lòng sông hay di dịch, lâu đời đất bồi mới được cố định.

Địa thế của làng Hành Thiện tương lai này, lạ lùng thay, cũng tựa như huyện Đường An, nghĩa là giáp sông bốn mặt; theo phong thủy đó là một địa thế đẹp. Đặc biệt hơn, đất lại có hình con cá hay ngòi bút lông chấm vào bảng; cũng theo phong thủy nó biểu tượng cho sự phồn thịnh về khoa danh.

Nhưng vào thế kỷ XVII, thanh danh của dân Giao Thủy chẳng ai biét đến; ngược lại, lời chê, tiếng xấu nhiều hơn. Vì phải phá rừng, mở đất cưc nhọc; dân vùng đất mới này thường là những người cứng cỏi, nhưng không phải vì vậy mà ai cũng theo gương Vũ Đình Dung: "Mỗi khi có việc gì thì ùa nhau làm náo loạn," rồi "lấy những chỗ bùn lầy làm nơi hiểm trở..." như Phan Huy Chú phê phán trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (Hà nội, Sử học, tập 1, Địa Dư Chí, trang. 81).

Đối với dân ở những vùng ven biển, thành kiến xấu tồn tại đến tận cuối thế kỷ XIX. Sử gia nhà Nguyễn (2) chê họ có "tập tục quê mùa, giọng nói ngọng nghịu, người ta gọi là tiếng đường bể..., ham lợi mà ít làm điều nghĩa, lại có nhiều người làm tà thuật, đồng bóng; người sinh rasáu, bảy tuổi đi học, đến khi lớn lại bỏ để đi cạnh tranh kiếm lời; cho nên ít có kẻ sĩ danh tiếng và thành đạt; ấy là do phong thổ trở nên vậy".

Dĩ nhiên vì phần đông những người khai khẩn đất hoang là dân tạp xứ, thuộc lớp cùng đinh. Những lời chỉ trích khắt khe trên không sai hẳn, nhưng nếu có đúng thì cũng chỉ đúng một phần thôi. Trái với nhận xét của tác giả triều Nguyễn, lớp sĩ phu sống ở Thiên Trường không đến nỗi ít oỉ; cả bốn huyện đều có người khoa mục ngay từ đời Lê. Riêng Giao Thủy là huyện có văn học nhất trong phủ, dưới triều Lê, đã đếm được 12 tiến sĩ, một con số khá cao đối với một vùng đất mới; Kể từ triều Nguyễn số người đăng khoa lại càng gia tăng.

Năm 1765, khi Đặng Vũ Thiện Thể nhập tịch làng giao Thủy, định cư tại trang Hành Cung -- được Minh Mạng tăng lên làm xã, rồ đổi tên là Hành Thiện vào năm 1823 -- thì làng này đã có ba họ đứng đầu về dân số cũng như sĩ số, là họ Nguyễn, họ Phạm, và họ Đặng. Chính nhờ nhân danh người họ Đặng, vì là rể lập tự cho ông Đặng Phúc Long, mà ông thiện Thể được ghi vào sổ hộ tịch của làng.

Không rõ tổ tiên họ Đặng làng Hành Thiện đến định cư nơi đây từ bao giờ, và có liên hệ gì hay không với những người họ Đặng đã đánh dấu lịch sử Việt Nam, như họ Đặng ở Lương Xá, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông, đời đời vinh hiển khi ông Đặng Huấn lập công với nhà Lê Trung Hưng, lại có con gái lấy Trịnh Tùng và sinh ra Trịnh Tráng.

Chỉ biết rằng, nhân viết về Đặng Đình Tướng, cháu năm đời Đặng Huấn, Tham Tụng thới Trịnh Cương, Trần Tiến có ghi: " Họ Đặng phát phúc rất thịnh, ở tản mát khắp nơi, được phát đất rất nhiều. Không những được vài ngôi mà thôi, đất còn phát đến cả con gái; nên có bốn người lấy chúa" ( Đăng Khoa Lục Sưu Giảng, đã dẫn, tr. 610.)

Tình thân giữa họ Đặng và họ Vũ đưa đến sự thành lập họ Đặng-Vũ không hiểu do một sự gặp mặt tình cờ giữa hai ông Vũ Huy Pháp và Đặng Phúc Long hay là do sự kết thúc của một mối lien hệ mật thiết sẵn có giữa hai họ. Xem qua sử sách thì thấy kể: từ năm 1448, với Vũ Đức Lâm và Đặng Tuyên thi đậu tiến sĩ cùng khoa, qũy đạo của quan viên họ Vũ làng Mộ Trạch luôn luôn đụng phải người họ Đặng. Họ Đặng và họ Vũ là đồng liêu, đi sứ cùng nhau, nhậm chức cùng nơi. Từ sự đồng liêu đến chỗ thâm giao không xa mấy; như Vũ Duy Chí và Đặng Công Chất rất thân nhau.

Hai gia đình ông Vũ Huy Pháp và Đặng Phúc Long có biết nhau trước hay không chăng nữa, sự thể vẫn là họ đã thông gia với nhau: Vũ Thiện Thể đã lấy Đặng Thị Từ Giảng. Gia phả cho biết ông Vũ Pháp Huy có hai con con trai, người thứ hai tên là Vũ Thiện Vàng không biết về sau ra sao, nhưng chắc chắn là con cả; vì lệ xưa trọng việc tế tự, chỉ cho phép con thứ làm con nuôi người ngoại tộc

Ông Thiện Thể thường được chép là làm con nuôi ông Đặng Phúc Long trước khi lấy bà Từ Giảng. Chép như vậy là sai và không am hiểu luật lệ ngày xưa. Một khi đã được nhận làm con nuôi ai, kẻ dưỡng tử được coi như người ruột thịt trong nhà; con gái của cha mẹ nuôi trở thành chị em gái của đương sự; vì thế không có sư hợp giao giữa cô con gái và người dưỡng tử được. Theo Luât Hồng Đức, Thiên Chính Thư, ngay sự chung sống-- chắc cùng phòng -- giữa dưỡng tử và chị em nưôi cũng bị khép vào tôi thông dâm (Deloustal, đã dẫn, tr. 318).

Thành thử ông Thiện Thể phải thành hôn với bà Từ Giảng, rồi mới gia nhập họ Đặng. Theo truyền thuyết , sự đổi họ sở dĩ có là vì ông Đặng Phúc Long không có con trai, muốn cho người rể hưởng thừa tự.

Trong một xã hội dựa trên nho giáo, lấy việc thờ cúng gia tiên làm căn bản, sự nuôi con nuôi được khuyến khích vì làm giảm bớt số trẻ mồ côi bơ vơ, nhưng sự nuôi con nuôi làm kẻ thừa tự rất phức tạp. Theo Luật Hồng Đức cũng như Luật Gia Long, người con lập tự bắt buột phải được chọn trong hàng con thứ của anh em trai. Nhưng lệ này thật ra chỉ được áp dụng tuyệt đối dưới triều Nguyễn với điều 76, Luật Gia Long :" Kẻ nào muốn nuôi trẻ khác họ về lập tự, cũng như kẻ nào cho con làm con nuôi thừa tự người khác họ, sẽ bị phạt 60 trượng, và đứa trẻ được hoàn về tộc cũ." (xem Philastre, đã dẫn, tr. 367).

Dưới triều Lê, nhà lập pháp nể lệ làng hơn: Phong tục cho kẻ khác họ nối dõi cùng tập quán coi con gái ngang hàng với con trai trong việc thừa kế rất thịnh hành trong dân gian. Luật Hồng Đức cho phép con gái có quyền coi giữ hương hỏa nếu cha mẹ không có con trai (xem Deloustal, La Justice dans L'ancien Annam, tr. 303-305; Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Tập 3, Quốc Dụng Chí, tr. 130-131).

Lẽ dĩ nhiên, lệ cho con gái thừa tự làm các nho gia chính thống công phẫn. Trong Vũ Trung Tùy Bút (đã dẫn, tr. 69), Phạm Đình Hổ (1768-1839) cực lực phản đối tập tục đó, rằng " hợp tề nội ngoại như thế thì loạn mất luân thường". Chắc vì hai ông Vũ Pháp Huy và Đặng Phúc Long đều là nhà nho, nên thấy cần hợp thức hóa sự bà Từ Giảng thừa tự bằng cách để ông Thiện Thể nhập Đặng tộc, nhưng lấy chữ Vũ làm tên đệm; bởi đó lập thành một họ kép (3) truyền cho con cháu, cốt để con cháu khỏi quên gốc tích. Nguồn gốc đó được nhắc nhở trong câu đối treo trong từ đường họ Đặng Vũ:

Nguyên Vũ thị, bách niên tiền, đông thổ Đường An cổ quận;

Cải Đặng tính, tam thế hậu, nam châu Hành Thiện chi từ.

Có nghĩa là:

Gốc họ Vũ, trăm năm trước, quê tại miền đông đất Đường An;

Đổi họ Đặng, ba đời sau, từ đường tại Hành Thiện mạn nam.


Ông Đặng-Vũ Thiện Thể sinh được 6 người con trai làm tổ cho sáu chi họ Đặng-Vũ ngày nay:

1. Đặng-Vũ Ngọc Liễn, tổ chi 1.

2. Đặng-Vũ Phước Đa, tổ chi 2, tuyệt tự sau bốn đời.

3. Đặng-Vũ Trọng Am, tổ chi 3.

4. Đặng-Vũ Xuân Tình, tổ chi 4.

5. Đặng-Vũ Viết Xính, tổ chi 5.

6. Đặng-Vũ Viết Hiền, tổ chi 6, không ro ra sao vì con cháu thiên cư đi nơi khác.

Sau khi gia cư được ổn định, con cháu ông Thiện Thể theo gót tổ tiên bước vào nghiệp sách vở, khoa trường. Ngay từ đời thứ 3, họ Đặng-Vũ đã bắt đầ có người đỗ đạt. Thời nho học, các cụ chỉ đậu cử nhân, không có tiến sĩ. Theo gia truyền, đó không phải vì các cụ kém người, mà chỉ vì hoàn cảnh nghèo túng của gia đình không cho phép các cụ đến tận kinh kỳ thi hội.

Trong cuộc thi đua với các họ khác, đặc biệt với hai họ Nguyễn và Đặng, trong làng về vấn đề học vấn; sĩ tử họ Đặng-Vũ dần dần chiếm ưu thế. Từ 1801 đến 1915, số nho sĩ đậu tú tài trở lên thuộc họ Nguyễn là 91 người, thuộc họ Đặng là 72 người, thuộc họ Đặng-Vũ là 43 người. So với đinh số, tỷ lệ đỗ đạt của họ Đặng Vũ cao hơn cả -- theo đinh số năm 1933, họ Nguyễn có 830 đinh suất, họ Đặng 475 suất, và họ Đặng-Vũ 133 suất.

Nhờ sự ganh đua học hỏi giữa các họ trong làng, chẳng bao lâu Hành Thiện nổi tiếng là một làng văn học vào bậc nhất Việt Nam, như được chứng tỏ trong câu cổ ngữ: Bắc Cổ Am, Nam Hành Thiện -- Cổ Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuôc ngoại thành Hải Phòng . Vào đầu thế kỷ XX, Ông Đồ Hành Thiện đã trở thành một nhân vật tượng trưng cho giới nho học trong sách và tiểu thuyết.

Sự tiếp tục học hành của họ Đặng-Vũ sau khi tổ tiên rời Mộ Trạch được các cụ giải thích bởi sự linh ứng không nguôi của tổ Vũ Hồn. Ngay sự họ Đặng đương kém họ Nguyễn về khoa bảng bỗng nhìên phát khoa trội hẳn kể từ cuối thế kỷ XVIII, với bốn tiến sĩ, trong đó có Đặng Xuân Bảng là một học gỉa lớn của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, cũng được các cụ qui cho âm phúc của các bà họ Đặng-Vũ, thường được gả cho người họ Đặng theo gương bà cụ tổ Từ Giảng.

Không tin dị đoan thì có thể bảo rằng họ Đặng đăng khoa nhờ truyền thống giáo dục hướng về sĩ họan. Ngay từ thời ở Mộ Trạch, nếu không làm quan, các cụ họ Vũ thường chọn nghề dạy học và đã đào tạo được rất nhiều nhân tài; vì thế sĩ tử tranh nhau đến thụ giáo. Tất nhiên con cháu các cụ được hưởng trước tiên sự chỉ bảo của các cụ, nên có nhiều hy vọng đỗ đạt hơn người. Tới Hành Thiện cũng sự kiện trên được tiếp diễn: Tiếng tăm Ông Đồ Hành Thiện lan rộng khắp nơi, nên sĩ tử bốn phương tới Hành Thiện cầu học.

Cụ Đặng (-Vũ) Văn Tường, đời 4, chi 5, là một bậc thầy có tiếng: cả bốn người con trai của cụ đều đậu cử nhân, và trong đám học trò thành danh của cụ có hai người làng, là Nguyễn Ngọc Liên, tiến sĩ năm 1889, và Đặng Đức Cường, con rể cụ, cử nhân, sau làm Tổng Đốc Hải Dương.

Nhưng theo các cụ, bậc sĩ phu có học còn phải có hạnh. Cho nên, dù tin vào phong thủy, các cụ không ngớt răn con cháu về điều kiện cốt yếu của sự phát phúc: Tích đức, Hành Thiện, như tên làng thúc dục. Ngay sự đặt tên con là Thiện Thể và Thiện Vàng của tổ Vũ Pháp Huy đã chứng tỏ sữ chuộng đạo đức của dòng họ Đặng Vũ.

Vì trọng nhân nghĩa và lễ giáo, đặt giá trị tinh thần trên quyền lợi vật chất tới mức cực đoan, quan viên họ Đặng-Vũ thường bị coi là gàn dở: Như cụ Đặng Vũ Khải, đời 5, chi 3, còn lấy roi mây đánh em, là cụ Đặng Vũ Bân, đã hơn 60 tuổi, vì tội để con cháu chơi cờ bạc trong dịp Tết; mà cụ em cũng phải khúm núm nằm xuống lãnh hình phạt. Hay như cụ Đặng-Vũ Chiểu, đời 5, chi 5, thà nghèo kiết còn hơn nhận gia tài của nhà vợ.

Từ khi Tây học du nhập Việt Nam, dân Đặng-Vũ đua nhau học hỏi và cũng gạt được nhiều thành qủa tốt đẹp. Nhưng đồng thời nhiều người mải theo tân trào đã quen hẳn bài học đạo đúc của tổ tiên, không chăm lo việc ích quốc, lợi dân, không biết bảo tồn nền nho phong đã giúp dòng họ mở mặt với thiên hạ. Uớc mong họ xu hướng quay về cội nguồn, và nhớ lại những lời dạy dỗ của ông cha ngõ hầu góp công vào việc kiến thiết đất nước.

----------

(1) Khó bảo rằng xã này có từ thời Lý như thấy ghi trong Hành Thiện Xã Chí, vì tên xã dựa vào tên huyện, mà huyện Giao Thủy chỉ được đặt từ thời thuộc Minh, theo Đại Nam Nhất Thống Chí.

(2) Xem Đại Nam Nhất Thống Chí., Tỉnh Nam Định, Sàigòn, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, 1969, tr. 24


(3) Tuy nhiên cũng có một số người họ Đặng-Vũ, vì không rõ chủ ý của tổ Pháp Huy hay vì không muốn biệt lập với bà con họ Đặng, đã bỏ chữ Vũ trong tên họ.

Nguồn Đặng Vũ Phả Ký

read more “Họ Đặng-Vũ và Làng Hành-Thiện”

Bài vè kể chuyện Lễ hội chùa Thần quang

BÀI VÈ KỂ CHUYỆN LỄ HỘI CHÙA THẦN QUANG

(Làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định)

Chúc mừng thiên tải vạn niên,
Thanh nhàn kể chuyện thánh tiên hội hè:
Thu nhi tháng chín đã kề,
Xóm làng khấp khởi,các phe reo hò,
Mồng ba,mồng bốn hẹn hò,
Rủ nhau lên tiếng kính cho lòng thành.
Lọc đi lọc lại trong xanh,
Nếp thì nhặt hết tinh thanh mọi bề,
Bánh giày giá ruộng các phe,
Tính cho đủ hết mọi bề mới sang.
Sửa sang đường xá phong quang,
Xa xôi buôn bán về làng hội Ông.
Phướn cao mặt nguyệt đầu rồng,
Ó đen ngậm giải lụa hồng phất phơ,
Chọn ngày hạ thủy,dựng cờ,
Gieo quẻ xin Thánh chọn giờ mở sông.
Ngân vang chín tiếng chuông đồng
Hai mốt chiếc tải đồng lòng hò reo.
Ngày ngày cố sức tập chèo,
Bảo nhau cố sức mà theo giải làng.
Chủ hương chọn những quan sang,
Cụ nào thanh khiết thì dân mới dùng.
Mười hai nghe hiệu trống tùng,
Kén giai phù giá hội cùng phụng nghinh.
Rước lư hương xuống tận đình,
Rợp đường cờ kéo tùng dinh nhạc thiều.
Các dong bày lễ bái triều,
Cầu xin lân nội được điều tiêu hai.
Lắng nghe tai tiếng truyền bài,
Thành tâm phụng thánh ai hoài ngại chi.
Rồng mây gặp hội có khi,
Tranh khôi chiếm bảng tới kỳ vinh hoa?
Lễ hội xin thẻ lui ra,
Theo hầu kiệu thánh nguy nga hương trầm.
Phụng nghinh thánh giá hoàn cung.
Mười ba trống dục lung bung rước đèn.
Mười tư trầu kệ thánh hiền,
Cờ người đấu chí liên miên ba ngày
Mười rằm mới thật vui thay,
Rợp đường cờ kéo gió bay phật phờ.
Nguy nga kiệu chính kiệu hờ,
Kiệu bay nghiêng ngả lên trời xuống âm.
Người người vái lạy thành tâm,
Cầu xin phúc lộc,bách niên hoàn đồng
Lại thêm nhang án,thuyền rồng,
Long đình,tàn lọng,trống thùng nhạc công.
Phụng nghinh thánh giá xuất Đông,
Đi qua ba miếu,vẽ vòng đường ngang.
Ngọn cờ tỏ điệu Tây sang,
Phụng nghinh thánh giá,tam quan ngự tiền,
Chuông ngân,trống dóng,khánh rền,
Bài truyền vào cuộc bơi thuyền khánh tiên.
Trong hồ thuyền cốc dô khoan,
Ngoài sông thuyền trải chờ toan dô hò.
Cờ phất,ống lệnh nổ to,
Mặt sông rộn tiếng dô hò,dô khoan,
Nhấp nhô khăn đỏ,khăn vàng,
Nhịp nhàng mái đẩy diễu hành quanh quanh.
Ra ngoài sông cái bơi nhanh,
Mấy vòng xuôi ngược đua tranh sức tài.
Đường dài đấu sức dẻo dai,
Cậy mũi,bẻ lái qua phao kíp giờ.
Gò Sáu,Dũng Trí,Mom Rô,
Bổ xuôi phất giải,phất cờ giáp phe.
Đi sau,giải trước bắt đè,
Cồng vang,pháo nổ,hả hê reo “hà”.
Thưởng mừng chèo lái phe ta,
Rồi ra khăn áo hề hà lên chùa.
Giải làng,lộc thánh,ơn vua,
Rước về khao thưởng cũng vừa canh ba.
Chuyện vui trong xóm,ngoài nhà,
Mai ngày mãn hội,còn là râm ran.
Hẹn người tháng Chín sang năm.

Đỗ Quang Huyên

Sưu tầm và chỉnh lý


Trích từ Hành Thiện lịch sử và văn hóa (HĐH Hành Thiện tại Hà Nội - 1995)
read more “Bài vè kể chuyện Lễ hội chùa Thần quang”

Hai chùa Keo (bài viết của Nguyễn Trương Quý)

Theo lịch sử thì chùa Keo nguyên ở trên đất Giao Thủy, cạnh sông Cái, có từ năm 1061. Năm 1611, nước sông dâng cao làm ngập khu vực chùa. Người dân vùng Keo dựng hai ngôi chùa mới, một là Keo Trên ở Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình ngày nay và chùa kia là Keo Dưới ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định vào khoảng năm 1630. Cả hai ngôi chùa đều thuộc hàng những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Chùa Keo Duy Nhất

Đây là ngôi chùa cổ lớn nhất Việt Nam cho đến đầu thế kỷ 21, tính về số gian: 17 tòa, 128 gian trên diện tích 5,8ha. Chùa có kiến trúc cao rộng chứ không thấp, tối như nhiều chùa cổ khác. Vì thế những tòa chính điện to bằng cỡ những tòa đại đình. Chùa cũng có những chạm khắc tinh xảo và giàu sức sống. Chùa nằm ở cạnh đê sông Hồng, xung quanh là ba bốn nhà thờ. Chùa có lớp lang theo lối tiền Phật hậu Thánh, thờ Sư Không Lộ (Nguyễn Minh Không), ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam.


tam-quan-noi-chua-keo

1. Tam quan nội. Chùa có hai tam quan, bên ngoài là một tòa kiểu chữ nhất mái cong không xây tường bao. Tam quan nội có vẻ đẹp bình dị, lại gần thì rất xinh xắn do tỉ lệ cân đối. Sinh viên kiến trúc khi học môn cơ sở kiến trúc có một bài vẽ mặt bên tam quan này. Hai bên tam quan còn có hai cửa ngách xây bằng gạch

cua-tam-quan-keo-vu-thu

2. Cánh cửa tam quan nội. Đây có lẽ là cánh cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. Chủ đề chính chỉ là hai con rồng nhưng những trang trí lửa hóa long, sóng nước và vân mây sinh động làm cho tấm gỗ như gấm. Thêm vào nữa là cánh cửa khá lớn (cao 2m), mặc dù nhìn từ xa thì tòa tam quan không lớn lắm. Cánh cửa này gần đây được đền Đô copy lại làm cửa tam quan mới.


chua-keo-vu-thu

3. Sau tam quan nội là đến một bãi rộng, rồi đến tiền đường. Tòa nhà năm gian hai chái to như cái đình, hai bên là giải vũ. Vẻ nhịp nhàng và hoàn thiện của các tòa nhà khiến chùa Keo trông rất bõ công để thăm viếng.

cham-canh-bia-chua-keo

4. Hai tấm bia ở hai bên tòa tiền đường là hai tấm bia tuyệt đẹp với chạm khắc lộng lẫy cả bốn diện. Đặc biệt, bia đứng trên những cánh sen xếp lớp thay vì rùa.

canh-sen-chan-bia-chua-keo

Trên mỗi cánh sen lại có hoa văn tinh xảo. Thời gian làm mòn đi nhiều nhưng vẫn thấy vẻ tuyệt tác.

nha-tien-te-chua-keo

5. Tòa trung đường lại theo lối không có mái đao mà hai đầu hồi lại có giá kèo hai tầng (gọi là giá roi). Những chống chéo ở đây có lẽ làm cho hệ bảy hiên vuông góc đỡ cứng. Chú ý là ngày xưa dùng đinh sắt có mũ hình bông hoa thị (những cái đinh đóng ván gỗ diềm đầu hồi). Công trình vừa mộc mạc nhưng lại "ăn chơi" - những chỗ "mềm" của kết cấu gỗ đều có trang trí chạm khắc. Trong khi đó, song cửa đơn giản với hàng song đan mau và vách bưng ván lụa âm dương. Vì thế vẻ đẹp có sự tự hào của kẻ biết chơi.

tay-chong-con-son-nha-tien

6. Những cái chống chéo rất công phu, và những tầng tầng lớp lớp khối gỗ kê lên nhau cho thấy dựng được cái mái này là cả một nghệ thuật. Vì những khối gỗ khá to, chứ không chẻ nhỏ như mái của Tàu. Nhìn lại gần mới thấy những song cửa cũng không vuông đơn thuần: ở đoạn giữa, chúng được bào vát lượn góc cho nhỏ lại.

dau-hoi-hau-cung-chua-keo

7. Tòa thiêu hương. Kiến trúc cổ nằm giữa cây xanh nên mang vẻ rất thanh nhàn. Tổ hợp trang trí trên mái nhuần nhuyễn và buông mảng lớn cho diện mái và tường vách gỗ bên dưới.

hien-chua-keo-1

8. Tiếc là không còn lưu đủ ảnh để làm ví dụ, nhưng ở trong chùa có những góc nhỏ xinh thế này. Không hoa mỹ bằng Bút Tháp nhưng có cái vẻ khỏe mạnh của nét đơn giản.

ban-tho-chua-keo

9. Không Lộ thiền sư sinh năm 1065, là Quốc sư nhà Lý. Nhiều nơi thờ, trong đó có đền Lý Triều Quốc Sư ở phố Lý Quốc Sư và chùa Thần Quang, Ngũ Xã, Hà Nội. Chùa Thần Quang này có pho tượng đồng A Di Đà to nhất VN, cao 4m, nặng 12,3 tấn. Làng Ngũ Xã trước đây nổi danh đúc đồng, giờ thường người ta phải về Đồng Xâm, Thái Bình để đúc. Ai nghe bài Nắng ấm quê hương của Vũ Thanh chắc cũng biết câu: Cho anh về quê mình, cùng làm lúa cùng trồng đay, cùng dệt cói cùng đan mây. Tay em chạm vàng, tay em khảm bạc, làm giàu cho quê hương, Thái Bình ta đó, mà lòng anh yêu thương... Làm giàu thật. Đúc chuông bây giờ đang cực đắt hàng. Mỗi quả chuông cao 70cm có giá chừng chục triệu. Còn loại khổng lồ đua nhau lớn nhất VN thì khỏi nói. Nhưng quan trọng là đúc xong, đánh phải kêu.

la-han-chua-keo

10. Cũng tượng La Hán, nhưng ở chùa Keo có vẻ không sôi động lắm. Trông ông kia mới chán đời chứ.

gac-chuong-chua-keo-3

11. Gác chuông chùa Keo được xem như điểm nhấn của quần thể, đóng lại không gian chung. Những kết cấu gỗ chồng rường dưới mái có ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng ở đây các đầu dư thưa hơn, tạo thành các cụm. Độ cong của mái đao vẫn là kiểu Việt Nam, cong nhờ tầu mái và ở phần giữa vẫn dốc đều chứ không cong toàn bộ như hai nước kia. Những đầu dư vươn ra cũng tranh thủ uốn cong, làm cho các góc giao nhau như bông hoa nở. Chùa Bối Khê cũng có gian hậu cung kết cấu mái chồng rường giống thế này. Nhưng gác chuông chùa Keo với độ cao của nó thì chưa có chùa nào gây ấn tượng bằng. Thêm nữa, trang trí chạm khắc gỗ rất hoa mỹ mà không sơn phết khiến kiến trúc này tựa như một công trình điêu khắc từ một khối thô mộc - những ai hâm mộ kiến trúc thô mộc và biểu hiện sẽ kết loại này.

gac-chuong-chua-keo-2

gac-chuong-chua-keo-1

12. Hai bức ảnh này chụp hồi năm 2006, khi đó người ta đang sửa. Những công phu thế này phản ánh một đặc điểm của người Việt xưa: những gì đẹp đẽ tài hoa đều chỉ nhỏ xinh và vừa vặn. Tôi khó lòng tin rằng những tính từ mô tả "cao vài trăm trượng tới mây xanh", "tháp ngọc lưu ly, cung vàng điện ngọc san sát" là tả thứ có thực hoặc đẹp hơn thế này. Dễ hiểu bởi vì kết cấu gỗ phụ thuộc cây gỗ, vốn cũng chỉ dựng được những tòa đại đình vài gian hàng ngang là kịch kim, cũng như chiều cao hai ba tầng là hiếm hoi thấy xuất hiện. Thêm nữa, gần như thế kỷ nào cũng có loạn lạc, chiến tranh, con người không thể yên ổn mà làm nổi những gì to lớn hơn cái đã có. Cửu Trùng Đài với Vũ Như Tô là một câu chuyện đáng buồn cho tham vọng của người Việt.

goc-trong-gac-chuong-chua-k

13. Kết cấu gỗ ghép khít vào nhau. Nhưng vì thế mà trong lòng gác chuông khá tối và thấp. Người ta đã trùng tu dùng ngói chiếu có hình ngôi sao - là ngói bây giờ. Sao không dùng cái ngói nào có hình hoa gì mà lại là ngôi sao, tân kỳ thế?

ben-trong-gac-chuong

14. Mấy người đi cùng thắc mắc: đã mất công làm gác chuông đẹp thế mà sao bên trong lại chật, thấp và cầu thang khó leo thế. Chú ý là đến con kê thanh xà treo chuông ở dưới cũng chạm hoa văn. Rất trau chuốt.

chuong-chua-keo

15. Gác có hai quả chuông. Qủa chuông to và dáng hơi khum này có hẳn một bài minh dài. Chuông cao phải đến 2,5m (so sánh với chân người mặc quần bò bên dưới). chiem-nguong-nghe-thuat

16. Trên tầng 3. Rất thấp nên chỉ có thể ngồi khom khom. Qủa chuông này nhỏ hơn.


Phía sau gác chuông, là khu vực nhà Tổ và nơi ở của sư sãi. Những công trình này mới xây, hoàn toàn không có gì đáng kể so với những gì phía trước. (...)

Chùa Keo Hành Thiện


Chùa Keo Hành Thiện có lẽ làm sau chùa Keo Duy Nhất một chút. Chùa chỉ ít hơn ngôi chùa kia số gian và số tòa - 13 tòa và 121 gian. Chùa còn nguyên vẹn và bề thế, mặc dù có cấu trúc không gian giống chùa bên Thái Bình nhưng có những nét khác biệt về kiến trúc. Hai ngôi chùa nếu tính theo đường chim bay chỉ cách nhau chừng 2-3km ở hai bờ sông Hồng.

voi-da-keo-hanh-thien

1. Trước tam quan ngoại là đôi voi đá. Con voi có cả ngai, nhưng trông giống voi truyện tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình hay Mai Long ngày xưa, kiểu voi thiếu nhi biết căm thù giặc và yêu nước. Tiếc là cặp ngà đã bị gãy. Những hoa văn trên ngai và diềm cổ rất đẹp, quả chuông còn được chạm lệch. Chú ý chân voi khía hình cánh hoa!

bia-da-keo-hanh-thien

2. Con rùa đội bia thì lại tả thực quá. Cảm giác ở đây rất thanh bình, mùi rơm rạ và gió đồng thổi hây hây.

tam-quan-keo-hanh-thien

3. Gác chuông này theo lối chồng diêm, đóng vai trò của tam quan nội. Người ta giữ được chất lượng rất tốt, chỉ ghét cái cột điện trồng ngay cạnh mái đao. Hồ bán nguyệt thoáng sạch chứ không đục lờ như những chùa Bắc Ninh đã đi.

tam-quan-keo-hanh-thien-2

Cái màu ngói và dáng đầu đao thật đẹp. Đây là một ngôi chùa gây ấn tượng hoàn hảo cho mình.

tam-quan-keo-hanh-thien-3

4. Buổi chiều bình yên của làng quê Bắc Bộ. Hi vọng người ta không xây những ngôi nhà cao tầng xung quanh, để tôn được hình ảnh kiến trúc này.

tam-quan-chua-keo-hanh-thie

5. Thật buồn cười vì mãi vẫn chưa đi khỏi cái tam quan, chỉ vì nó có nhiều góc hay ho.

tran-bia-keo-hanh-thien

6. Ở tầng dưới là hai tấm bia. Trán trán bia có chạm hai hình Quan Thế Âm (hay tiên) cưỡi rồng chầu mặt nguyệt.

bia-co-mai-hanh-thien

7. Tấm bia bên kia thì có mũ với chạm khắc rất lộng lẫy. Đặc biệt những dây hoa cúc ở hai bên diềm thật tinh vi. Tay người khắc như múa vậy, vì những nét ở đây mảnh và mịn như dệt lụa.

vi-keo-tam-quan-hanh-thien

8. Tiếc là tấm ảnh hơi nhòe, nhưng để thấy được kết cấu chồng rường trên nóc, đặc trưng của thời Hậu Lê. Những con kê và đầu xà cũng uốn lượn, dùng chính cả khúc gỗ làm chi tiết trang trí trong tổng thể luôn. Giống như một ổ rồng đang quấn quýt đỡ mái.

gac-chuong-keo-hanh-thien

9. Bên này treo chuông, bên kia là khánh. Gác chuông rộng rãi và phong quang, thể hiện đẳng cấp của ngôi chùa đặc biệt.

khanh-keo-hanh-thien
Cái khánh ít trang trí nhưng khuôn nét cực sắc sảo.

tien-duong-chua-keo

10. Tòa tiền đường không hiểu sao lại có đường giọt gianh hơi vồng lên ở giữa. Có vẻ như thời sau xây thêm hai cổng ngách vì kiến trúc mái vữa bằng ngói ống là đặc trưng của thời Nguyễn. Những cái lỗ trên các cối đá giữa sân là nơi cắm lọng cho ngày lễ hội.

chan-cot-keo-hanh-thien

11. Gạch hoa đời sau viền theo đá tảng chân cột. Tuy đơn giản nhưng cho thấy nếu dụng công, hoàn toàn chấp nhận được. Viên gạch hoa cũng là kiểu cổ, và đường viền cũng rất khéo.

thieu-huong-keo-hanh-thien

12. Tòa thứ nhất của khu tam bảo. Ở chùa này, cụm tam bảo chữ công có lối vào lại từ ống muống ở giữa. Nên tượng thờ sẽ quay lưng về mặt trước này. Tỉ lệ của tòa này cân đối, xinh xắn quá. Mái cong bốn góc có cái hay là với số gian ít hay nhiều đều hài hòa, có lẽ là vì độ thấp của nó, không vươn cao quá, cũng như màu sắc trầm của ngói mũi hài.

cham-tro-keo-hanh-thien

13. Thật tuyệt đẹp! Không hiểu sao mình thực sự sung sướng (cảm động nữa) khi tận mắt nhìn thấy những chạm trổ này. Như thể người ta vẽ một bức tranh bằng thớ gỗ vậy. Mà nhất là không có màu gì ngoài màu gỗ (có quét dầu chống mối). Tỉ lệ hoàn hảo, đặc rỗng và to nhỏ thật kinh điển.

vi-keo-keo-hanh-thien-3
14. Còn đây là những chỗ tuy hơi phô trương nhưng cũng thật đẹp.

vi-keo-keo-hanh-thien-2

vi-keo-keo-hanh-thien

Người ta sơn lên khá cầu kỳ bằng sơn ta, khói nhang đã làm xỉn đi nhiều. Không biết có đồ án hay không, chứ phải nói là tâm thế người thực hiện phải rất sáng sủa để khớp tất cả lại với nhau.

ca-go-keo-hanh-thien

15. Con cá làm mõ đã bị mục, thật tiếc. Trên mình nó còn những chi tiết chạm điệu nghệ.

Chùa Keo Hành Thiện có lẽ ít người đến hơn Duy Nhất. Nếu đến thì nên tới vào mồng một hoặc rằm, thì có thể vào trong các tòa để xem và chụp tượng. Khi tôi đến thì chỉ được xem loanh quanh bên ngoài và ngó bên trong chút ít.

Nguồn blog Nguyễn Trương Quý

read more “Hai chùa Keo (bài viết của Nguyễn Trương Quý)”

Một thoáng văn hóa Hành Thiện

Tôi đi chùa đã nhiều, chiêm ngưỡng cảnh Phật cũng nhiều, nhưng đến chùa Keo Hành Thiện lại mang một cảm giác khác, suy nghĩ khác, nhất là được nghe những chuyện kể về vị Thiền Sư Dương Không Lộ - người có học vấn uyên thâm về Phật Pháp và đã tu luyện thành thần tiên và còn bao nhiêu chuyện lạ về ông... càng nghe càng kính phục, càng ngưỡng mộ về con người huyền thoại này.

52e17d3dcc

GS Vũ Khiêu giới thiệu về lịch sử dòng họ Đặng - Vũ


TỪ ĐƯỜNG HỌ ĐẶNG - VŨ

Chúng tôi nhận lời mời của GS anh hùng lao động Vũ Khiêu về dự lễ khánh thành nhà từ đường của một chi họ Đặng Vũ ở làng Hành Thiện. Đây là một làng cổ nổi tiếng, nơi đã sinh ra cố Chủ tịch nước, cố Tổng Bí thư Trường Chinh và cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa họ Đặng Vũ, trong đó có GS Vũ Khiêu, người anh hùng lao động uyên bác vào bậc nhất, cũng là người trí thức cao niên nhất, hiện còn khoẻ mạnh dù đã 94 tuổi đời.
Sau hai tiếng đồng hồ vượt 130 cây số đường trường, chúng tôi đã đến điểm tập kết - UBND Huyện Xuân Trường, một huyện đường to đẹp không kém gì một số tỉnh đường khác. Tiếp chúng tôi là Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Minh Oanh, cùng bí thư, chủ tịch huyện Xuân Trường. Tất cả đều nhiệt tình mến khách, thể hiện rõ phong cách con người đất thành Nam. Chúng tôi được nghe Chủ tịch Trần Minh Oanh nói về niềm tự hào của vùng đất khu 3 nói chung và Nam Định nói riêng, nơi mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nơi mà đã có hàng triệu người tham gia ở các chiến trường miền Bắc cũng như miền Nam, cũng là nơi khởi nghiệp của vương triều Trần với hào khí Đông A... Nam Định, đất Văn hiến ngàn năm, cái rốn của văn hoá sông Hồng, có Phủ Thiên Trường với biết bao danh lam thắng cảnh, danh nhân nổi tiếng, nơi có nghệ thuật chèo, có múa rối nước, ca trù, hát chầu văn, múa lục cúng và có cả nghệ thuật hiện đại nữa.
Chúng tôi tiếp tục đến làng Hành Thiện cách cơ quan huyện Xuân Trường sáu cây số. GS Vũ Khiêu ra tận cưả đón khách. Ngôi nhà từ đường thuộc một chi họ Đặng - Vũ vừa mới được khôi phục lại theo kiểu dáng cũ, gồm hai gian, hai chái và một sân rộng, cây cỏ xanh tươi. Gian bên trái là thờ một nhà nho yêu nước, Cụ cử nhân Đặng Vũ Lễ người đã đào tạo rất nhiều học sinh theo cụ Phan Bội Châu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Gian bên phải là phòng lưu niệm di vật của những người con yêu nước của Cụ, đặc biệt là con rể Cụ, là nhà cách mạng Phạm Tuấn Tài, người cùng Nguyễn Thái Học sáng lập ra Quốc dân Đảng, sau trở thành liệt sỹ cộng sản. Gian naỳ cũng đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ vật và tài liệu quý của GS Vũ Khiêu.
Buổi lễ khánh thành nhà truyền thống của chi họ được tiến hành gọn nhẹ và trang nghiêm, sau lễ dâng hương, GS Vũ Khiêu nói về lịch sử dòng họ Đặng Vũ mà ông Tổ là gốc họ Vũ và con nuôi họ Đặng. Đây là sự ghép hai họ Vũ và họ Đặng để ghi ân của người sinh và người dưỡng, một cách làm hơi khác lạ, nhưng lại thể hiện được truyền thống văn hoá Việt:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

THĂM CHÙA KEO HÀNH THIỆN
Nói đến Hành Thiện là nói tới chùa Keo, di tích văn hoá được toàn quyền Đông Dương liệt vào “cổ tự” (1952) và được Bộ văn hoá Việt Nam dân chủ Cộng hoà xếp hạng quốc gia từ năm 1962. Đây là ngôi chùa cổ vào bậc nhất được xây dựng từ thời Lý và cũng có nhiều cái nhất về kiến trúc, truyền thuyết, về tính thiêng liêng và huyền thoại ly kỳ... Vì thế mà giáo sư khuyên chúng tôi nên đi thăm chùa Keo.
Ông trưởng ban quản lý di tích đã cao niên nhưng còn nhanh nhẹn và nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm chùa. Keo cách đó chừng hơn một cây số. Ông cho biết: Trên đầu tư cho chùa hai tỷ đồng để trùng tu toàn bộ Tháp Chuông và hai dãy hành lang. Công việc đang gấp rút hoàn thành cho kịp ngày khai mạc lễ hội vào 15 tháng 8 ÂL. Ông giải thích: Chùa Keo còn gọi là chùa Thần Quang (Thần Quang Tự), chùa được xây dựng từ thời Lý nhưng năm tháng vật đổi sao dời, thiên tai tàn phá nên chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu phục dựng như bài ký trùng tu đã ghi:

Phía trước dùng xà giang chầu vào bao la vạn khoảnh
Phía sau sông Hoàng Giang vòng lại bát ngát ngàn tầm
Bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình dải lụa xanh
Dãy rừng cây tua tủa vươn cao như búi tóc mây sắc lục

Thiên tai tàn phá, thậm chí dạt cả một bộ phận người làng Dũng Nhuệ sang bên kia sông Hồng về đất Vũ Thư Thái Bình để sau đó họ lại xây dựng một chùa Keo khác thành “Chùa Keo Dũng Nhuệ” và đều thờ chung một vị thánh Không Lộ, tức Khổng Minh Không. Từ xa đã nhìn thấy chùa Keo Hành Thiện được xây dựng trên một khu đất rộng mênh mông, cảnh quang thật đẹp như bài minh trên bia chùa Thần Quang đã mô tả:

Biển xanh ở phía Đông
Sông Hồng quanh phía Bắc
Phía Nam sông bao bọc
Nước lững lờ chảy quanh
Phía Tây núi dựng thành
Rừng xanh xanh trùng điệp.


Cảnh chùa thật hùng vĩ và hữu tình không chê vào đâu được.
Chùa Keo xây theo luật Tiền Phật, Hậu Thánh. Toà phía trước thờ Phật, toà phía sau thờ Thánh, hai dãy hành lang tả hữu kéo dài hàng trăm mét nay được dỡ ra làm mới hoàn toàn bằng gỗ lim vàng óng.
Trước khi bước vào nội thất ngôi chùa, ta được chiêm ngưỡng gác Chuông cao tầm 8 mét, với 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng có chạm khắc hoa văn cánh sen nở, thể hiện cái kỳ vĩ của một công trình Phật giáo có một không hai. Gác chuông này cũng đang được trùng tu cho đồng bộ với hai dãy hành lang, chắc chắn sẽ làm thoả mãn khách hành hương trong kỳ lễ hội chùa Keo năm nay và những năm tới. Nối tiếp với Tháp Chuông là một không gian rộng lớn nơi bày những hiện vật như voi, ngựa, kiệu các loại, thuyền bơi chải để phục vụ lễ hội bên ngoài chùa.
Bước vào toà Tam Bảo, tôi thật sự kinh ngạc trước những pho tượng Đức Di Đà, Quan Thế Âm Đế Chí, tượng vua Đế Thích, rồi tượng Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu Nam Tào, tượng Hộ Pháp... Tiếp theo là tầng tầng lớp lớp tượng Phật thật sinh động và uy nghiêm, nhất là khi có tiếng chuông chùa rung lên đâu đó và ngân vang trong cảnh hoang tịch thiêng liêng thì người ta cảm thấy như các pho tượng đang “nói chuyện” với mình...
Tôi đi chùa đã nhiều, chiêm ngưỡng cảnh Phật cũng nhiều, nhưng đến chùa Keo Hành Thiện lại mang một cảm giác khác, suy nghĩ khác, nhất là được nghe những chuyện kể về vị Thiền Sư Dương Không Lộ - người có học vấn uyên thâm về Phật Pháp và đã tu luyện thành thần tiên và còn bao nhiêu chuyện lạ về ông... càng nghe càng kính phục, càng ngưỡng mộ về con người huyền thoại này.
Cảm ơn giáo sư, anh hùng LĐ Vũ Khiêu, người con ưu tú của Hành Thiện đã tạo cho tôi cơ hội được đến với mảnh đất địa linh nhân kiệt, được nghe, được nhìn những gì về quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ về di tích văn hoá, về con người văn hoá Hành Thiện nổi tiếng từ xưa.

Nam Định - Hà Nội 04/09/2008


Nguồn Văn hiến Việt Nam

read more “Một thoáng văn hóa Hành Thiện”

Lời nguyền ở chùa không... Sư

Chuyện rằng, khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa, dân chúng nơi đây không mấy mặn mà với đạo Phật và khói nhang, tượng Phật. Thuở đó, Đức Thánh tổ nổi giận trừng phạt dân gian. Trong một đêm mưa gió bão bùng, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, cho tất cả tượng Phật vào đó.

Rồi ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình. Và tất cả tượng Phật, cái gì liên quan đến nhà Phật cũng xuôi theo dòng nước, theo ngài về nơi đất mới. Đến giữa sông, ngài ngoảnh cổ lại và nói một lời nguyền rằng sẽ không có vị sư nào đến ở ngôi chùa trên...

Cho đến tận bây giờ, chẳng sư nào trụ lại được ở ngôi chùa này, làm cho tích chuyện thêm phần kỳ bí... Ngôi chùa bề thế đó, có độ tuổi đến vài trăm năm, rêu phong và cổ kính nhất nhì miền Bắc, thế nhưng lại không có bóng dáng của áo thâm, nón tu-lờ - chùa không có sư ở, có vẻ lạ ở trên đời ấy là chùa Keo Hành Thiện, thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định.

chua-keo-26

Người giữ... “lời nguyền”

Chúng tôi đến thăm chùa không sư vào tờ mờ sáng, khi chưa có khách hành hương về đất Phật. Nhìn ngắm ngôi chùa trong sương sớm, lại ngược thời gian nghe huyền thoại, chợt xao lòng, thấy ngôi chùa thêm bao phần kỳ bí mà chưa ai rõ thực hư của vấn đề.

Ông Thủ từ Nguyễn Trường Lý từ trong xóm nhỏ đi ra, từ tốn mở cánh cửa lim nặng nề. Một không gian chùa qua 400 năm đang được “cách ly” với bên ngoài bỗng vỡ òa trong chốc lát, tượng Phật, màu ngói rệu rã rêu phong như làm sửng sốt cho những người lạ chúng tôi.

Như đoán được suy nghĩ của khách, ông kể rằng: Kể từ khi ngôi chùa này có mặt trên doi đất hình con cá chép này thì tổ tiên nhà ông là những Thủ từ truyền từ đời này qua đời khác, những khi có việc làng, trùng tu hay lễ hội thì ông lại bàn giao cho làng sử dụng. Lúc hội làng sắp mở, làng bắt đầu cắt cử đội bảo vệ chùa, chọn ông chủ lễ phải là người “đức cao vọng trọng”. Thường người được chọn là bậc cao niên, hai ông bà còn song toàn, phải thượng thọ, được ăn yến lão.

Khi hội làng vừa xong, lại bàn giao ngôi chùa này cho ông Thủ từ. Nên, mọi lịch sử, biến đổi đều do Thủ từ ghi chép lại trong cuốn “Hành thiện xã chí”, Ông vừa làm nhiệm vụ khói nhang cho đức Phật.

Ông Thủ từ cho biết: “Bố tôi kế nghiệp của ông tôi, ông tôi kế nghiệp của cố... đã qua 20 đời nhà tôi làm nghề Thủ từ. Và đến đời tôi, cũng phải ghi chép đầy đủ mọi cái diễn ra, từ cái nhỏ, đến cả tên tuổi, ngày tháng năm sinh của các Thủ từ. Nên cũng từ đó, ngôi chùa có bao nhiêu bí mật đều nằm trong cuốn “Hành thiện xã chí” cả, nhưng số người được tiếp cận tính đến nay thì rất hiếm”.

Cuốn “Hành thiện xã chí” còn ghi, cách đây mấy trăm năm, chùa đã từng có rất nhiều vị sư hành khất đến, ở được một thời gian, thấy trong người khó ở, lại khăn gói ra đi bởi nhiều điều không ngộ ra giáo lý của ngôi chùa, cũng bởi trong người có một cái gì đó rối rắm như tơ vò mà ra đi không giải thích lý do gì. Ông Thủ từ cho biết: “Cách đây vài năm, có một vị sư khăn gói từ Thái Bình lên, quyết tâm xin ở lại tu đạo và cũng là nghiên cứu, hóa giải lời nguyền nhưng rồi cũng phải ra đi.
Lúc đó, Thầy bảo tôi là bị nhức đầu, suy nhược thần kinh, không đủ khả năng để tịnh cái tâm, phải đi mới yên ổn”.

Từ đó, câu chuyện về chùa không sư lại tăng thêm phần kỳ bí, nhưng đến giờ chưa một nhà làm khoa học, học thuật hoặc nhà sư nào hóa giải nổi tính khí huyền thoại của ngôi chùa. Còn ông Thủ từ kín đáo ấy, có bao nhiều bí mật về ngôi chùa lạ, ông mãi giấu những điều bí mật thuộc về giới đạo chăng?

chua-keo-21

Lịch sử chùa không sư

Trong cuốn “Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục yếu tập” có ghi, chùa Hành Thiện do thánh Không Lộ Thiền sư (1016- 1094) xây cất. Thiền sư Không Lộ xuất thân trong một gia đình họ Dương, làm nghề ngư phủ, lớn lên ông xuất gia theo thiền sư Lôi Hà Trạch. Truyền thuyết còn kể lại rằng, khi viên tịch, ông hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên khúc gỗ trầm hương biến thành tượng.

Thánh tượng này còn được lưu giữ trong hậu cung, quanh năm khóa kín cửa, không cho ai được thấy dung nhan của ngài. Cứ phải qua 12 năm, một chủ lễ và 4 viên chấp sự được cử để làm lễ trang hoàng tượng thánh. Nên rất nhiều du khách đến chùa muốn xem “mặt ngài” cũng phải đợi 12 năm mới có dịp.

Nói thêm về phần chọn người tắm rửa, trang hoàng cho ngài cũng phải thuộc những người có nhân phẩm, ăn chay, mặc quần áo mới. Sau khi rước thánh ra từ cấm cung mới dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm gội và tô son lại cho ngài. Nhưng họ buộc phải giữ bí mật cho đến khi chết mang đi về những điều đã thấy khi trang hoàng cho ngài. Điều đó càng tạo nên lớp sương mù bí hiểm bao bọc lấy ngôi chùa nhiều huyền thoại này...

Nghiên cứu thêm về lịch sử của chùa

Chùa Hành Thiện mang dấu tích của chùa Keo ở làng Dũng Nhân, Giao Thủy, Nam Định. Vì năm 1061, Không Lộ Thiền sư dựng chùa Nghiêm Quang bên hữu ngạn sông Hồng, theo thời gian, chùa bị nước làm cho xói mòn. Đến 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi tất cả các dấu tích của ngôi chùa. Dân làng Keo phải rời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng (Về sau, dựng nên chùa Keo Thái Bình). Còn một phần xuống Xuân Trường, Nam Định, dựng chùa Hành Thiện và tồn tại cho đến tận bây giờ.

Bao giờ giải được “lời nguyền”? Chúng tôi đã cố gắng vén một chút về bức màn bí ẩn này, thế nhưng đến nay cũng chỉ biết được về lịch sử ngôi chùa: Chùa là một trong hai ngôi chùa gắn với tên tuổi của nhà sư Không Lộ. Ông có công truyền bá rộng rãi đạo Phật trong dân gian. Khởi nguồn về mô hình của Chùa Hành Thiện được tính từ hồi 1062, thời Tiền Lý, người ta di dân đến xây mô hình chùa ở làng Dũng Nhuệ- Giao Thủy.

Sau đó về đất Hành Thiện vào năm 1588, sang Thái Bình năm 1611, về mặt quy mô chùa Keo Thái Bình lớn hơn chùa Keo Hành Thiện, bề thế hơn nhưng cấu trúc lại sao chép như nguyên vẹn; Cả hai chùa đều dựng bằng gỗ Lim, kết với nhau bằng mộng tre, mộng vược.... và mang cấu trúc thời Tiền Lê, thời kỳ Phật giáo phát triển thịnh vượng nhất ở nước ta.

Trải qua ngàn năm Bắc thuộc, rồi đến thời kỳ kháng chiến chống pháp, chống Mỹ, chùa Hành Thiện vẫn uy nghi, nhiều phen bọn thực dân Pháp có ý đồ phá, mà do sự tích kỳ bí về chùa quá lớn đến nỗi họng súng của bọn giặc cũng không dám nhóm ngó tới. Ngày xưa, Thái Bình, Nam Định là những nơi nằm trong các dự án di dân dưới các triều đại phong kiến.

Dân hai bên sông Hồng chạy lũ, kéo theo đủ nét văn hóa, phong tục, từ văn minh lúa nước đến tín ngưỡng đạo Phật mà cụ thể là đem theo cấu trúc cũng như mô hình chùa chiền đến vùng đất mới. Đói kém, mất mùa, thiên nhiên bạc đãi, thú dữ… là những thế lực mà con người sợ. Thế nên người ta tôn sùng ngài Không Lộ Thiền sư, người đi đâu, đem ngài theo đó để thờ cúng, như một biểu tượng của sự che chở tinh thần.

Nên khi chùa Hành Thiện được dựng lên, những cái gì thuộc về nguyên sơ mà người ta đem đến đều được tôn sùng, giấu kín để thờ phụng, thì đến nay, nhiều thứ còn lại thuộc về di sản đó đang là điều bí mật, không được công bố cho dư luận cũng là điều thường thấy ở các chùa chiền. Nhưng đó cũng là yếu tố để tạo nên những huyền thoại về thánh thần nơi cửa Phật...

Còn về vấn đề sao các sư không sống được ở chùa, trong một số sách, trong đó có cuốn “Hành Thiện xã chí” của gia tộc Thủ từ cũng có đề cập đến: “Có thể, do không quen với thổ nhưỡng, chướng khí... Mà cụ thể là cơ địa con người, nhà sư đạo cao cũng là người, thì không hợp chất đất, nguồn nước... là phải.
Thì sinh ra ốm đau, bệnh tật, ở lâu có sư bị “viên tịch” ngoài ý muốn là phải”.

Như vậy, mới có chuyện sinh ra các sư đến lưu trú, hành đạo, tu đạo trong chùa sẽ bị ốm, bệnh, chết... rồi bỏ đi chăng? Về cơ sở lý thuyết này, đến nay vẫn chưa có nhà khoa học, tổ chức nào nghiên cứu cụ thể, sát với thực tế, vấn đề “lời nguyền” trong truyền thuyết làm cho câu chuyện về “chùa không sư” thêm phần huyền bí.

Dẫu chùa không sư, không vãi, không tiếng mõ vang âm nhưng ngôi chùa vẫn tồn tại với thời gian. Du khách đến đây ngoài tìm lại bản chất con người nơi cửa chùa ra, còn tìm về huyền thoại, tín ngưỡng của cha ông ta- những điều chưa biết chăng?


Nguồn Phật tử Việt Nam

read more “Lời nguyền ở chùa không... Sư”

Không chỉ có một chùa Keo

Nhắc đến tên chùa Keo, thường người ta nghĩ đến ngôi chùa Keo ở Thái Bình. Không mấy người biết đến ngôi chùa “Keo” khác thuộc xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định - Một ngôi chùa không có sư nhưng trải qua hàng trăm năm vẫn sừng sững uy nghi và được bao phủ thêm bởi những lớp lang huyền thoại.


chua-keo-41

Chùa tọa lạc trên một khu đất cao nổi lên nơi đầu mom rô

(gò đất cao nơi cửa sông - TG), án ngữ bờ sông Hồng vào làng Hành Thiện.

Dấu tích đầu tiên của chùa Keo là ở làng Dũng Nhân (huyện Giao Thủy - Nam Định) (?). Năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang bên hữu ngạn sông Hồng. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa; đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi tất cả các dấu tích, cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải dời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông Bắc tả ngạn sông Hồng (về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình); một phần xuống vùng Xuân Trường dựng chùa Keo (hay còn gọi là chùa Hành Thiện).

Bí ẩn lời nguyền

Trong sân chùa rộng mênh mông và hoang vắng, những mái chùa cong cong, cột, kèo nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”; cửa tam quan đóng im ỉm... Gác chuông hai tầng nằm lặng lẽ. Tất cả dường như đang chìm đắm trong giấc ngủ. Bà cụ bán hương, giấy vàng nơi cổng co rúm lại bên cạnh những cây cột lim đã lên nước. Biết tin có khách đến vãn cảnh chùa, ông Nguyễn Trường Lý từ trong xóm đi ra, từ tốn mở cánh cửa lim nặng nề. Sự im lặng của gỗ lạt, gạch ngói 400 năm được “cách ly” qua cánh cửa, một không gian thiền vỡ òa ào đến trong sự kinh ngạc của tôi. Theo lời ông thủ từ tên Lý, ông là đời thứ 20 được đảm nhiệm “chức vụ” thủ từ trông coi chùa. Những ông thủ từ trước đều đã về thiên cổ. Kể từ ngày chùa có mặt trên doi đất hình con cá chép này, mọi việc trông coi, trùng tu, lễ lạt nhất nhất đều do làng đảm nhiệm. Ngày lễ hội, ban quản lý chùa, đội bảo vệ toàn là những người do làng cắt cử. Ông chủ lễ được chọn phải là người có “tiêu chuẩn” đặc biệt: hai ông bà còn song toàn, được ăn yến lão (thượng thọ), gia đình văn hóa, không có tì vết... Ngay như đội bảo vệ thủ từ cũng phải là những người có “gốc tích”. Riêng thủ từ phải theo kiểu “cha truyền, con nối”. Đời cha truyền đời con, đời sau kế thừa đời trước.

Cũng như những ngôi chùa khác, nghĩa là chùa cũng bao gồm cổng tam quan, cung chùa Phật, đền thánh, đền thờ đức tổ sư... Trước cổng chùa cũng có hai cây đa cổ thụ ngót bốn trăm tuổi soi bóng xuống mặt hồ; hai dãy hành lang gồm bốn mươi gian gỗ lim, mái ngói vảy cá chạy dọc sân chùa lát gạch nghiêng, viên nào viên nấy cũng rắn đanh một màu lửa nung già dặn. ông Lý kể: Bố tôi kế nghiệp của ông nội; ông tôi thừa hành từ cụ cố... Đến đời tôi là đời thứ 7. Tất cả tên tuổi, ngày tháng của những ông thủ từ đều được ghi rõ trong cuốn “Hành Thiện xã chí”... Còn lý giải cho sự lạ của ngôi chùa “kỵ sư” này là huyền thoại truyền miệng trong dân gian. Truyền rằng, khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa, dân làng nơi đây không mấy mặn mà với khói nhang, tượng phật. Đức Thánh tổ liền giận dữ rời chùa đi nơi khác. Trong một đêm, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, rồi tất cả tượng phật ngài đều cho cả vào đấy. Ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình. Tất cả tượng phật nằm trong rọ tre cũng rẽ nước theo ngài về nơi đất mới. Cũng nội trong đêm ấy, khi dân làng Duy Nhất (huyện Vũ Thư - Thái Bình) tỉnh giấc đã thấy ngôi chùa sừng sững mọc lên. Đức Thánh tổ rời bỏ chùa cũ cùng với lời nguyền: sẽ không có sư nào đến ở đất Hành Thiện. Theo lời nguyền đó, sau này, nhiều lần các vị sư theo sự phân công của Hội Phật giáo về trông coi chùa Hành Thiện, được dăm ba ngày chẳng hiểu vì lý do gì cũng đều khăn gói ra đi. Cũng từ đó, đất Hành Thiện “có tiếng” là đất kỵ sư. Câu chuyện truyền miệng ấy cứ tồn tại theo miệng nhân thế, nó làm cho ngôi chùa càng mang theo những nỗi niềm dã sử.

Giải mã

Về mặt quy mô, chùa Keo Thái Bình bề thế hơn nhiều so với chùa Keo Hành Thiện, thế nhưng về kiến trúc là sự mô phỏng gần như nguyên vẹn. Cả hai ngôi chùa đều được dựng bằng gỗ lim, liên kết với nhau bằng mộng ngậm, đinh tre, mộng vược... Sau gần một ngàn năm Bắc thuộc, từ thế kỷ 10, dân tộc ta giành quyền tự chủ, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ cả về chính trị và văn hóa. Thái Bình và Nam Định khi đó được coi là những vùng “kinh tế mới”, gắn với phong trào mở rộng dân cư, khai hoang, lấn đất lập nghiệp. Cùng với việc xây dựng cuộc sống vật chất của họ thì các nhà sư cũng đến đây để xây dựng đền chùa, đảm bảo cuộc sống tâm linh cho các cư dân vùng đất mới. Theo sử sách, vùng đất này có tên gọi là Keo hay vùng đất Giao Thủy, nơi nước sông gặp gỡ với nước sông, nước sông gặp với nước biển tạo nên những vùng hồ nước mênh mông. Trong cái khoáng đạt của tự nhiên như thế, con người phải đối mặt với biết bao thử thách, bao rình rập của tự nhiên, thú dữ. Người ta cần tìm đến những đấng bậc thần linh để được che chở về tinh thần. Đó cũng là lý do để những ngôi đền, chùa mọc lên với cường độ nhiều ở giai đoạn này. Còn căn cứ theo năm xây cất của chùa Keo Hành Thiện và chùa Keo Thái Bình, so sánh với năm sinh, năm mất của Thánh Không lộ Thiền sư có thể thấy được đó chẳng qua chỉ là sự mở rộng phạm vi truyền bá đạo phật của các bậc tăng ni trong dân chúng. Đức Thánh Không Lộ sinh năm 1016, mất năm 1094. Thời gian ngài sống gắn với việc xây cất chùa Keo trên đất Dũng Nhuệ (huyện Giao Thủy); sau này do trận lụt lớn năm 1611, chùa dời về đất Hành Thiện. Hơn 20 năm sau, chùa Keo Thái Bình mới được hoàn thành (năm 1632). Như thế, sự mở rộng về không gian đó chẳng qua là sự mở rộng phạm vi truyền bá của Phật giáo, do những bậc tăng ni hậu thế kế tiếp công việc của Thiền sư Không Lộ. Còn giải thích cho tích “chùa không sư Hành Thiện”, có chăng đó là do những chướng khí hay sự không hợp đất, hợp nước mà sinh ra đau ốm của những vị sư đã có lần đến với chùa rồi sau đó mau chóng ra đi!?

chua-keo-20

Giữa cảnh đất trời khoáng đạt, cái im ắng, tĩnh lặng mang đậm không khí thiền của chùa Keo Hành Thiện càng làm cho du khách hướng tới cõi tâm linh. Dẫu chùa không có các sư, các vãi chăm lo nhang khói, dẫu không khí có lạnh lẽo vì thiếu hơi hướng, bóng dáng con người... song người ta hướng tới phật bằng cõi tâm chứ đâu có câu nệ những cái thuộc về hình thức. Và trong cái điều đã trở thành chân lý “chùa nào mà chẳng có sư”, cái sự lạ “không sư” của chùa Keo Hành Thiện chẳng phải là nét riêng có, nét độc đáo để người ta tìm về mang theo niềm hướng thiện, nhất là về với mảnh đất địa linh, đất học nổi tiếng của vùng đất Xuân Trường.

Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục yếu tập, chùa Hành Thiện do thánh Không Lộ Thiền sư (1016 - 1094) xây cất. Thiền sư Không Lộ vốn họ Dương, sinh ra trong một gia đình ngư phủ, xuất gia theo Thiền sư Lôi Hà Trạch. Tương truyền, khi ngài đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước, có tài thuần phục được rắn, hổ. Truyền thuyết còn kể rằng, trước khi viên tịch, ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biễn thành tượng.

Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung, quanh năm khóa kín cửa, cứ sau 12 năm, một chủ lễ và 4 viên chấp sự được cử ra để làm lễ trang hoàng tượng thánh. Những người được cắt cử làm nghi lễ tôn nghiêm này phải ăn chay, mặc quần áo mới, sau khi rước thánh tượng từ cấm cung ra mới dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm gội và tô son lại cho tượng thánh. Họ buộc phải giữ bí mật những điều đã thấy khi trang hoàng tượng thánh. Điều đó càng tạo nên lớp sương bí ẩn bao bọc quanh ngôi chùa nhiều huyền thoại.


Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp

read more “Không chỉ có một chùa Keo”