Một thoáng văn hóa Hành Thiện

Tôi đi chùa đã nhiều, chiêm ngưỡng cảnh Phật cũng nhiều, nhưng đến chùa Keo Hành Thiện lại mang một cảm giác khác, suy nghĩ khác, nhất là được nghe những chuyện kể về vị Thiền Sư Dương Không Lộ - người có học vấn uyên thâm về Phật Pháp và đã tu luyện thành thần tiên và còn bao nhiêu chuyện lạ về ông... càng nghe càng kính phục, càng ngưỡng mộ về con người huyền thoại này.

52e17d3dcc

GS Vũ Khiêu giới thiệu về lịch sử dòng họ Đặng - Vũ


TỪ ĐƯỜNG HỌ ĐẶNG - VŨ

Chúng tôi nhận lời mời của GS anh hùng lao động Vũ Khiêu về dự lễ khánh thành nhà từ đường của một chi họ Đặng Vũ ở làng Hành Thiện. Đây là một làng cổ nổi tiếng, nơi đã sinh ra cố Chủ tịch nước, cố Tổng Bí thư Trường Chinh và cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa họ Đặng Vũ, trong đó có GS Vũ Khiêu, người anh hùng lao động uyên bác vào bậc nhất, cũng là người trí thức cao niên nhất, hiện còn khoẻ mạnh dù đã 94 tuổi đời.
Sau hai tiếng đồng hồ vượt 130 cây số đường trường, chúng tôi đã đến điểm tập kết - UBND Huyện Xuân Trường, một huyện đường to đẹp không kém gì một số tỉnh đường khác. Tiếp chúng tôi là Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Minh Oanh, cùng bí thư, chủ tịch huyện Xuân Trường. Tất cả đều nhiệt tình mến khách, thể hiện rõ phong cách con người đất thành Nam. Chúng tôi được nghe Chủ tịch Trần Minh Oanh nói về niềm tự hào của vùng đất khu 3 nói chung và Nam Định nói riêng, nơi mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nơi mà đã có hàng triệu người tham gia ở các chiến trường miền Bắc cũng như miền Nam, cũng là nơi khởi nghiệp của vương triều Trần với hào khí Đông A... Nam Định, đất Văn hiến ngàn năm, cái rốn của văn hoá sông Hồng, có Phủ Thiên Trường với biết bao danh lam thắng cảnh, danh nhân nổi tiếng, nơi có nghệ thuật chèo, có múa rối nước, ca trù, hát chầu văn, múa lục cúng và có cả nghệ thuật hiện đại nữa.
Chúng tôi tiếp tục đến làng Hành Thiện cách cơ quan huyện Xuân Trường sáu cây số. GS Vũ Khiêu ra tận cưả đón khách. Ngôi nhà từ đường thuộc một chi họ Đặng - Vũ vừa mới được khôi phục lại theo kiểu dáng cũ, gồm hai gian, hai chái và một sân rộng, cây cỏ xanh tươi. Gian bên trái là thờ một nhà nho yêu nước, Cụ cử nhân Đặng Vũ Lễ người đã đào tạo rất nhiều học sinh theo cụ Phan Bội Châu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Gian bên phải là phòng lưu niệm di vật của những người con yêu nước của Cụ, đặc biệt là con rể Cụ, là nhà cách mạng Phạm Tuấn Tài, người cùng Nguyễn Thái Học sáng lập ra Quốc dân Đảng, sau trở thành liệt sỹ cộng sản. Gian naỳ cũng đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ vật và tài liệu quý của GS Vũ Khiêu.
Buổi lễ khánh thành nhà truyền thống của chi họ được tiến hành gọn nhẹ và trang nghiêm, sau lễ dâng hương, GS Vũ Khiêu nói về lịch sử dòng họ Đặng Vũ mà ông Tổ là gốc họ Vũ và con nuôi họ Đặng. Đây là sự ghép hai họ Vũ và họ Đặng để ghi ân của người sinh và người dưỡng, một cách làm hơi khác lạ, nhưng lại thể hiện được truyền thống văn hoá Việt:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

THĂM CHÙA KEO HÀNH THIỆN
Nói đến Hành Thiện là nói tới chùa Keo, di tích văn hoá được toàn quyền Đông Dương liệt vào “cổ tự” (1952) và được Bộ văn hoá Việt Nam dân chủ Cộng hoà xếp hạng quốc gia từ năm 1962. Đây là ngôi chùa cổ vào bậc nhất được xây dựng từ thời Lý và cũng có nhiều cái nhất về kiến trúc, truyền thuyết, về tính thiêng liêng và huyền thoại ly kỳ... Vì thế mà giáo sư khuyên chúng tôi nên đi thăm chùa Keo.
Ông trưởng ban quản lý di tích đã cao niên nhưng còn nhanh nhẹn và nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm chùa. Keo cách đó chừng hơn một cây số. Ông cho biết: Trên đầu tư cho chùa hai tỷ đồng để trùng tu toàn bộ Tháp Chuông và hai dãy hành lang. Công việc đang gấp rút hoàn thành cho kịp ngày khai mạc lễ hội vào 15 tháng 8 ÂL. Ông giải thích: Chùa Keo còn gọi là chùa Thần Quang (Thần Quang Tự), chùa được xây dựng từ thời Lý nhưng năm tháng vật đổi sao dời, thiên tai tàn phá nên chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu phục dựng như bài ký trùng tu đã ghi:

Phía trước dùng xà giang chầu vào bao la vạn khoảnh
Phía sau sông Hoàng Giang vòng lại bát ngát ngàn tầm
Bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình dải lụa xanh
Dãy rừng cây tua tủa vươn cao như búi tóc mây sắc lục

Thiên tai tàn phá, thậm chí dạt cả một bộ phận người làng Dũng Nhuệ sang bên kia sông Hồng về đất Vũ Thư Thái Bình để sau đó họ lại xây dựng một chùa Keo khác thành “Chùa Keo Dũng Nhuệ” và đều thờ chung một vị thánh Không Lộ, tức Khổng Minh Không. Từ xa đã nhìn thấy chùa Keo Hành Thiện được xây dựng trên một khu đất rộng mênh mông, cảnh quang thật đẹp như bài minh trên bia chùa Thần Quang đã mô tả:

Biển xanh ở phía Đông
Sông Hồng quanh phía Bắc
Phía Nam sông bao bọc
Nước lững lờ chảy quanh
Phía Tây núi dựng thành
Rừng xanh xanh trùng điệp.


Cảnh chùa thật hùng vĩ và hữu tình không chê vào đâu được.
Chùa Keo xây theo luật Tiền Phật, Hậu Thánh. Toà phía trước thờ Phật, toà phía sau thờ Thánh, hai dãy hành lang tả hữu kéo dài hàng trăm mét nay được dỡ ra làm mới hoàn toàn bằng gỗ lim vàng óng.
Trước khi bước vào nội thất ngôi chùa, ta được chiêm ngưỡng gác Chuông cao tầm 8 mét, với 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng có chạm khắc hoa văn cánh sen nở, thể hiện cái kỳ vĩ của một công trình Phật giáo có một không hai. Gác chuông này cũng đang được trùng tu cho đồng bộ với hai dãy hành lang, chắc chắn sẽ làm thoả mãn khách hành hương trong kỳ lễ hội chùa Keo năm nay và những năm tới. Nối tiếp với Tháp Chuông là một không gian rộng lớn nơi bày những hiện vật như voi, ngựa, kiệu các loại, thuyền bơi chải để phục vụ lễ hội bên ngoài chùa.
Bước vào toà Tam Bảo, tôi thật sự kinh ngạc trước những pho tượng Đức Di Đà, Quan Thế Âm Đế Chí, tượng vua Đế Thích, rồi tượng Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu Nam Tào, tượng Hộ Pháp... Tiếp theo là tầng tầng lớp lớp tượng Phật thật sinh động và uy nghiêm, nhất là khi có tiếng chuông chùa rung lên đâu đó và ngân vang trong cảnh hoang tịch thiêng liêng thì người ta cảm thấy như các pho tượng đang “nói chuyện” với mình...
Tôi đi chùa đã nhiều, chiêm ngưỡng cảnh Phật cũng nhiều, nhưng đến chùa Keo Hành Thiện lại mang một cảm giác khác, suy nghĩ khác, nhất là được nghe những chuyện kể về vị Thiền Sư Dương Không Lộ - người có học vấn uyên thâm về Phật Pháp và đã tu luyện thành thần tiên và còn bao nhiêu chuyện lạ về ông... càng nghe càng kính phục, càng ngưỡng mộ về con người huyền thoại này.
Cảm ơn giáo sư, anh hùng LĐ Vũ Khiêu, người con ưu tú của Hành Thiện đã tạo cho tôi cơ hội được đến với mảnh đất địa linh nhân kiệt, được nghe, được nhìn những gì về quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ về di tích văn hoá, về con người văn hoá Hành Thiện nổi tiếng từ xưa.

Nam Định - Hà Nội 04/09/2008


Nguồn Văn hiến Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét