Chuyện học ở ngôi làng hình cá chép

12_giadinh1291

Gia đình anh Phạm Ngọc Toán, chị Nguyễn Thị Thanh

cấy 14 sào ruộng nuôi ba con học đại học.

Một làng có đến 72 người thi đỗ đại học, cao đẳng trong tổng số 75 người đi thi đại học năm 2008. Có gia đình, bố mẹ chỉ thuần tuý là những người nông dân, cấy đến 14 sào ruộng để nuôi 3 anh em cùng học đại học. Đó là những câu chuyện có thật ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định, một ngôi làng nổi tiếng về truyền thống học tập từ bao đời nay.

Cấy 14 sào ruộng nuôi 3 con học đại học

Theo lời chỉ dẫn tận tình của một người dân trong làng Hành Thiện, chúng tôi đến "xông đất gia đình khoa cử" Phạm Ngọc Toán ở xóm 7 Hành Thiện. Ngôi nhà thật đơn sơ, nhỏ nhắn nhường lại khoảng sân rộng trước nhà để gieo mạ, trồng rau và nuôi lợn. Anh Toán cười rạng rỡ đón chúng tôi.

Gia đình anh Phạm Ngọc Toán vẫn được người dân xã Xuân Hồng ngợi ca là gia đình điển hình cho tấm gương vượt khó học giỏi ở làng quê giàu truyền thống này. Mặc dù chỉ có nghề nấu rượu phụ thêm thu nhập gia đình với 14 sào ruộng trồng lúa mà gia đình anh Toán đã nuôi 3 cháu ăn học đại học.

Cháu đầu tiên là Phạm Duy Trọng đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp năm 2008, hiện nay đang công tác tại Viện Bảo vệ thực vật tại huyện Từ Liêm. Cháu Phạm Thị Phương hiện đang là sinh viên năm thứ 4 đại học Thương Mại, cháu Phạm Ngọc Lâm là sinh viên năm thứ 3 Đại học GTVT.

Anh Toán và chị Nguyễn Thị Thanh, vợ anh năm nay đã 51 tuổi, nhưng vẫn còn rất khỏe, da đỏ hồng hào. Sáng dậy sớm từ 4h tờ mờ đất, hai vợ chồng ra đồng, mang cơm nắm ở lại đồng buổi trưa luôn. Tối đến, xong việc đồng áng, nấu rượu cũng phải 11, 12h đêm. Vậy mà nhà anh còn cố nuôi thêm lứa lợn nái, xuất bán mỗi lứa hơn chục con, để mong có thể bỏ ra số tiền hai triệu đồng mỗi tháng nuôi ba người con học đại học.

Trong ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng anh Toán, chị Thanh không có lấy một thứ tài sản vật chất nào đáng giá. Có lẽ, thứ quý giá nhất chính là những tấm giấy khen về thành tích học tập của các cháu cùng tấm bằng công nhận Gia đình hiếu học năm 2007 của UBND xã Xuân Hồng.

Không riêng gia đình anh Phạm Ngọc Toán, các gia đình có 3, 4 con cùng học đại học và lập nghiệp tại Hà Nội trở thành chuyện phổ biến tại làng Hành Thiện. Như gia đình bác bảo vệ khu Nhà tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh-Nguyễn Viết Điều hiện cũng có 4 người con đang học đại học và cao đẳng...

Đất của "nghề học"

Chúng tôi gặp thầy Nguyễn Đăng Hùng trước đây từng là thầy dạy Toán của Trường THPT Xuân Hồng đã nghỉ hưu, hiện đang giữ chức Hội trưởng Hội khuyến học làng Hành Thiện.

Theo thầy Hùng, ngôi làng Hành Thiện có hình dáng đặc biệt, hình con cá chép, được chia thành 18 dong theo cách gọi dân gian hay 18 xóm với hơn 6.000 dân đang sinh sống. Thầy chậm rãi lật giở từng trang cuốn sổ ghi chép hết sức cụ thể về tên tuổi, địa chỉ và chức vụ của từng người dân làng Hành Thiện đã đỗ đạt và thành danh từ năm 1945 trở lại đây.

Cuốn sách mang tên Tri thức thời tân học làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Tất cả tư liệu trong cuốn sách này đều do thầy cùng với Phó Giáo sư Sử học Đặng Đức An đối chiếu lịch sử và sưu tầm. Số học sinh đỗ đại học, cao đẳng người làng Hành Thiện những năm gần đây luôn có tỉ lệ tăng dần.

Năm 2007, có 63 trên tổng số 78 người dự thi đỗ đại học, cao đẳng. Năm 2008, số người đỗ đại học, cao đẳng đã là 72 người trong tổng số 75 người dự thi. Cũng trong năm này, số học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh của làng lần lượt là 94 và 25 người.

Từ năm 1945 cho đến năm 2005, làng Hành Thiện có tới 16 người từng giữ các chức vụ từ Tổng Bí thư đến Thứ trưởng các Bộ, tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam có 6 người, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động 2 người, danh hiệu Giáo sư, Phó Giáo sư là 45 người, danh hiệu Tiến sỹ và Thạc sỹ là 166 người. Trí thức có bằng đại học lên đến 1.500 người.

Không chỉ vang danh trong nước, làng Hành Thiện còn đóng góp cho đất nước nhiều học sinh đoạt giải quốc tế. Giáo sư Vũ Khiêu cũng đã từng tự hào nói về đất Hành Thiện: Đây là đất có nhiều nghề làm ruộng, dệt vải và nghề học. Đêm đêm có thể nghe thấy tiếng sáo, tiếng đập vải, xen lẫn là tiếng học của các cậu học trò.

Để khuyến khích con em trong làng chăm chỉ học hành, Hội khuyến học làng Hành Thiện đã được thành lập. Nhiều người con Hành Thiện xa quê vẫn đều đặn gửi tiền đóng góp cho quỹ khuyến học của làng ngày càng phát triển.

Nói về phương pháp học và thi đại học, thầy Hoàng Trọng Sâm, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Hồng, nơi đang có rất nhiều học sinh người làng Hành Thiện theo học cho hay: Trường luôn quan tâm đến việc học và dạy học, đặc biệt là hướng nghiệp cho học sinh ngay từ những năm đầu học cấp 3...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất giúp học sinh vượt qua các kỳ thi với kết quả tốt vẫn là sự cố gắng học hành, phát huy truyền thống hiếu học từ chính bản thân các học sinh


Ng.Hương - Cao Hồng

Nguồn Công An Nhân Dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét