Bí mật nào khiến Người như vậy? Tình yêu!

6 năm. 304 bức thư. Ngắn nhất là 5 trang. Dài nhất là 20 trang giấy “phơi đúp” viết tay của hai con người chưa hề biết mặt nhau lại cách nhau hàng trăm cây số. Người con trai ngoài 30 tuổi gần như bất động trên giường đánh vật với từng con chữ. Người con gái tuổi đôi mươi, xinh xắn, khỏe mạnh, nết na thức thâu đêm để viết. Thế rồi họ đi đến hôn nhân tính đến nay đã được 6 năm. Và giờ đây họ đang tiếp tục say sưa xây dựng một “tượng đài Tình Yêu” kỳ vĩ bên dòng Đà Giang thơ mộng.



8304_ky_vy_1

Những bức thư đã xây lên một “tượng đài Tình Yêu” kỳ vĩ .


Trưởng thành trên giường bệnh


Sinh 1962, là con trai cả trong một gia đình có bốn anh em, Chu Phạm Minh Tuấn lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác. Hơn nữa, em còn thông minh, ngoan ngoãn. Từ lớp một đến lớp năm, Tuấn luôn là học sinh giỏi đứng đầu lớp. Tuy còn nhỏ nhưng Tuấn đã biết ra đồng giúp mẹ làm cỏ, gặt lúa, vào rừng kiếm củi, lên nương trồng sắn. Không những thế, em còn biết chèo thuyền, giữ lái cho bố đánh cá trên sông Đà.


Nằm ở phía hạ lưu cách đập Thuỷ điện Hoà Bình vài cây số đường chim bay, xã Hợp Thịnh huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) – một vùng đất thanh bình và thơ mộng. Ở đó, sông Đà trong xanh sớm chiều in bóng núi, những cánh đồng màu mỡ trải rộng từ chân đồi ra bờ sông, những đồi cát mịn màng đẹp như mơ được nhuộm đỏ vào mùa hoa gạo… Một đứa trẻ đẹp trai, thông minh, hiếu động, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê như thế hẳn sẽ hứa hẹn bao điều.


Nhưng rồi số phận thật phũ phàng. Đang học lớp 5 (1974), một căn bệnh quái ác kéo đến hành hạ Tuấn. Lúc đầu, các khớp chân em sưng tấy. Gia đình đưa Tuấn đi khám, bác sĩ kết luận em bị viêm đa khớp. Hết bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh. Hết Tây y đến Đông y rồi Đông – Tây y kết hợp. Cũng có giai đoạn bệnh tình thuyên giảm, Tuấn như con chim sổ lồng bay đến trường học tiếp lớp 6 trong niềm vui mừng khôn tả của gia đình, bạn bè và các thầy cô giáo.


Buồn thay, chẳng được bao lâu, con bệnh quay lại hành hạ cậu học sinh hiếu học. Không chịu xa trường, xa bạn, xa thầy cô, Tuấn nhờ bạn cùng lớp cõng đến trường để tiếp tục là học sinh giỏi đứng nhất lớp và tích cực giúp đỡ bạn trong học tập. Vừa thuốc thang vừa tập luyện, song sự quyết tâm của Tuấn cũng không thể kéo dài. Hết học kỳ I lớp 6, Tuấn lại phải xa trường, xa lớp lần thứ hai và không ngờ từ đây em vĩnh viễn phải từ giã mái trường thân yêu – nơi mình từng gắn bó và nuôi bao ước vọng. Đã bị bệnh tật hành hạ thể xác, nay nỗi đau không được tiếp tục đi học càng dày vò tâm hồn Tuấn khiến em suy sụp.


Thời gian đầu, hai tay hai nạng Tuấn còn nhúc nhắc vận động và giúp bố mẹ một số việc như bóc sắn, tẽ ngô. Và bằng với sự khéo léo, Tuấn còn chẻ nan đan những chiếc rổ, rá xinh xắn đủ dùng trong gia đình. Nhưng càng cố gắng bao nhiêu, càng hy vọng bao nhiêu, Tuấn càng thất vọng bấy nhiêu khi hai chân em cứng đờ và bắt đầu teo tóp. Từ hai chân, bệnh leo lên cột sống làm cho Tuấn cử động rất khó khăn.


“Có thể chữa được bệnh nhưng không chữa được mệnh”. Đó là câu nói nén tiếng thở dài của bà con đến thăm như là để động viên và cũng thông cảm sự cam chịu, sự bất lực của gia đình và bản thân Tuấn mà anh còn nhớ như in cho tới bây giờ. Tuy vậy, ai mách bảo ở đâu có thầy hay, gia đình Tuấn lại tìm đến với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhưng rồi tất cả đều bó tay. Từ cột sống, bệnh lan ra cánh tay trái, Tuấn không thể dùng hai tay nhờ vào hai nạng mà đu thân mình lên nữa. Thậm chí, bò bằng hai tay Tuấn cũng không đủ sức. Nỗi lo sợ âm thầm thành người bại liệt toàn thân nay thành sự thật. Kể từ tháng 6/1983, Tuấn gần như bất động trên giường.


Dù thiệt thòi do bệnh tật nhưng Tuấn không thiệt thòi về tuổi. Nghĩa là Tuấn vẫn sống. Nhưng Tuấn phải từ giã tuổi thiếu niên để đón tuổi trưởng thành trên giường bệnh và cứ thế cho đến ngày nay.


Thương con, ông bà Tấn mua cho Tuấn một chiếc rađiô nhỏ cho có bầu bạn. Tuấn rất chăm chú nghe đài. Mà thực ra không nghe đài thì cũng chẳng biết làm gì. Vốn thông minh, nhớ giỏi, Tuấn thuộc giờ giấc các chương trình phát thanh. Không những thế Tuấn còn tham gia vào Chương trình góp ý của bạn nghe đài. Năm 1993, Tuấn được bầu chọn là một trong 10 thính giả xuất sắc nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam và được tặng thưởng một chiếc rađiô. Đây là một phần thưởng tinh thần quý giá, là tiếp thêm nghị lực cho chàng trai “chịu bại liệt về thể xác nhưng quyết không chịu bại liệt về tâm hồn”.



8304_ky_vy_2

Chu Phạm Minh Tuấn “chịu bại liệt về thể xác
nhưng quyết không chịu bại liệt về tâm hồn”.



Những “lá bùa” tình yêu nồng cháy

Năm 1995, khi đã vào tuổi 33, Tuấn tham gia mục “Kết bạn” của Chương trình Thời sự và Âm nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam. Thông qua các tên người và địa chỉ mà Đài giới thiệu, Tuấn viết thư giao lưu với bạn bè. Đó là Kiều Oanh ở Mỹ Lộc, Lệ Ngân ở Xuân Thủy, Anh Thư ở Xuân Trường, Minh Huế ở Thái Bình. Với tình cảm chân thành, văn phong trong sáng, nét chữ cứng cỏi mà hào hoa, Tuấn đã cùng những người bạn tâm giao tâm sự suốt mấy năm trời.


Thế rồi với những lý do khác nhau mà chủ yếu là lý do xây dựng gia đình nên những người bạn lần lượt viết thư xin nghỉ giao lưu trong sự nuối tiếc của Tuấn. Không biết có phải vì lý do cá nhân hay ông Trời sắp đặt mà đã để lại duy nhất một người con gái sinh 1975 tên là Đặng Anh Thư quê ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định tiếp tục thư từ với anh. Từ những đồng cảm nội tâm, chung nhau nhiều sở thích… hai người nhanh chóng hiểu nhau và giao lưu thư từ không ngừng nghỉ.


Nếu như Anh Thư sau một ngày làm việc vất vả lại cặm cụi đêm khuya thanh vắng ngồi viết thư cho Tuấn thì ngược lại, Tuấn nằm ngửa trên giường, co bên chân phải đã teo tóp của mình lên, kê tấm bìa vào đó rồi dùng tay phải vừa viết vừa giữ giấy cho khỏi trôi, khỏi lệch. Trong tư thế ấy, bình thường thì dù cố gắng đến mấy, anh cũng chỉ viết được vài dòng là phải nghỉ. Chính Tuấn đã nói về việc viết của mình bằng thơ: “Nằm ngửa, đầu gối hơi cao/ Đùi kê bìa cứng kẹp giấy vào/ Tay phải vừa viết vừa ghìm giữ/ Được mươi dòng lại nghỉ giải lao”. Thế mà khi viết gửi cho Thư, Tuấn đã viết liên tục 20 – 30 dòng trong sự hưng phấn đến tột độ.


Bạn đọc có thể nóng ruột muốn biết bao giờ và lá thư thứ mấy thì Thư mới biết người bạn trai tên Tuấn của mình bị bại liệt? Xin thưa là chỉ ngay lá thư thứ hai Thư đã biết hoàn cảnh của Tuấn. Lá thư thứ nhất Tuấn gửi làm quen với Thư đề ngày 29/6/1995. Sau những ý tứ gợi mở, giản dị là mấy vần thơ: “Tâm hồn ta chiều nay thanh thản/ Nét bút gầy tìm đến với nhau/ Ghi gì đây hỡi bạn chưa quen/ Xin gửi tặng vần thơ kết bạn.”


Nhận được lá thư đầu tiên của Tuấn, không để anh phải đợi lâu, đêm đó, Thư đã thức đến 3 giờ sáng để viết thư cho anh. Và cứ thế, thư đi, thư đến. Và cứ thế, hết tháng lại năm, mối tình Tuấn – Thư ngày càng nồng cháy. Cho đến một ngày, Thư chủ động đặt vấn đề hôn nhân với Tuấn thì không những gia đình Tuấn mà ngay đến cả Tuấn cũng bàng hoàng, có lúc như muốn trốn chạy.


Sinh ra ở làng Hành Thiện - một địa danh được xếp vào hàng “địa linh nhân kiệt”, trong một gia đình nền nếp, bố giỏi chữ nho, một cô gái hiểu biết, mạnh khỏe, nết na chưa một lần yêu mà ngay từ năm 21 tuổi, qua thư từ đã đem lòng yêu một chàng trai chưa hề gặp mặt, hơn mình 13 tuổi lại bị bại liệt toàn thân… Trước sự thật ấy, không ít người cho là nhất định cô gái ấy có vấn đề không bình thường. Còn tôi, khi đã mục sở thị hạnh phúc của hai con người ấy sau 6 năm hôn nhân thì khẳng định người con gái ấy hoàn toàn bình thường như trăm ngàn những người con gái khác mà tôi đã gặp. Chỉ có điều, người con gái bình thường Anh Thư ấy đã làm nên một chuyện cổ tích giữa đời thường. Để từ đó góp phần làm cho tình yêu càng thêm kỳ bí.


Tôi và có lẽ tất cả chúng ta sẽ chẳng bao giờ giải thích được điều bí ẩn của tình yêu. Nhưng tôi sẽ cố gắng tìm cho tôi và mang đến cho các bạn thêm những bí mật mối tình Tuấn – Thư mà tôi cho là một tượng đài kỳ vĩ. Tôi sẽ cố gắng khám phá cái kho tài sản vô giá của họ. Đó là 304 bức thư tình với tổng cộng hàng ngàn trang viết tay, vượt qua chặng đường hàng trăm ngàn cây số trong khoảng thời gian trên hai ngàn ngày.


304 bức thư ấy không những được sắp xếp theo trình tự thời gian mà còn được xếp cạnh nhau theo thứ tự: Thư đi – thư đến. Tất cả đang được bảo quản vô cùng cẩn thận trong một chiếc hòm sắt 70 x 40 x 40 (cm) mà tôi đang lờ mờ nghĩ: Đó chính là những “lá bùa” của tình yêu!



(Còn nữa)

Lê Va (Vietimes)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét