Đất khoa bảng, quê mỹ nhân

Những tưởng câu nói: “Bắc Hà, Hành Thiện, Quan Diễn, Quỳnh Lôi” nói về các “miền gái đẹp” như vùng đất sông Lô nhưng hóa ra đây lại là câu vinh danh đất học và khoa bảng. Một làng có truyền thống hiếu học và nhiều người thành đạt, lại là nơi có lắm mỹ nhân...

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, có một điều bất ngờ đầy thú vị là một người con làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vùng đất nổi danh khoa bảng trở thành Á hậu 2, đó là Đặng Minh Thu. Trước đấy, hai Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Diệu Hoa (1990) và Nguyễn Thu Thủy (1994) cũng là người quê ở Hành Thiện.


Đường vào xóm 7 làng Hành Thiện

Quê hương những người đẹp

Vượt qua thành phố Nam Định khoảng 30 km, chúng tôi có mặt ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường vào một buổi sáng. Trời mưa to nên đường làng vắng lặng, thoảng có người qua thì lại trùm kín áo mưa nên đi mãi mà chúng tôi vẫn chưa có cơ may được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cô gái làng.

Theo như chúng tôi được biết thì Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy có bố là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi - Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - thuộc dòng họ Nguyễn ở làng Hành Thiện.

Hiện tại ông bà nội của Thu Thủy vẫn đang sinh sống ở quê. Hoa hậu Việt Nam 1990 Nguyễn Diệu Hoa thì có mẹ là người gốc làng Hành Thiện. Ông ngoại cô là Giáo sư y khoa Đặng Vũ Hỷ, cậu ruột là Giáo sư - Viện sĩ Đặng Vũ Minh nổi tiếng khắp vùng về tinh thần hiếu học và đỗ đạt cao.

Còn Á hậu 2 Đặng Minh Thu vừa đăng quang đêm 2/9 thì thuộc dòng họ Đặng Xuân ở Hành Thiện. Rời làng xuất cảnh sang Nga từ khi 3 tuổi, ký ức về quê hương của Thu rất ít nên cô chỉ biết quê mình ở Nam Định, thuộc họ Đặng Xuân ở làng Hành Thiện.

Thấy chúng tôi hỏi thăm về những mỹ nhân Hành Thiện đã từng đăng quang ngôi hoa hậu, á hậu của các cuộc thi người đẹp Việt Nam, ông Phó chủ tịch xã Xuân Hồng ngớ người ra: “Thế à! Giờ chị nói tôi mới biết đấy. Chúng tôi có biết thông tin gì đâu. Chắc các cô ấy chỉ là gốc gác ở Hành Thiện thôi chứ không phải người sinh sống ở làng. Người làng hiện tại mà có người đoạt giải lớn như thế, lại phát trên truyền hình thì chúng tôi biết ngay”.

Anh Phan Hùng Cường, cán bộ chuyên trách văn hóa xã cũng lắc đầu thành thật: “Quả thực là chúng tôi không biết gì thông tin về những người đẹp này cả. Chắc chỉ có đời cụ, đời ông, hoặc cùng lắm đời bố của họ là sinh ra ở Hành Thiện thôi. Còn họ hoặc sinh ra ở nơi khác, hoặc rời làng từ khi còn rất nhỏ. Còn nói về lịch sử thì Hành Thiện không nổi danh là “miền gái đẹp” như một số địa danh khác. Con gái Hành Thiện chưa thấy có ai đẹp nổi trội hẳn đến mức phải làm dư luận xôn xao”.

Nhờ sự dẫn đường của anh Phan Hùng Cường, chúng tôi tìm đến những người dòng họ Đặng Xuân hiện còn đang sinh sống tại làng. Anh Đặng Xuân Tiến, người duy nhất của họ Đặng Xuân ở lại làng trông coi nhà thờ cụ Đặng Xuân Bảng - ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh - vui vẻ trao đổi với chúng tôi: “Tôi cũng có theo dõi cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt 2007 trên truyền hình. Khi xem phần dự thi của thí sinh Đặng Minh Thu, thấy giới thiệu quê ở Nam Định, tôi đã ngờ ngợ cô gái này thuộc dòng họ Đặng ở Hành Thiện. Thế nhưng vì thiếu thông tin nên khi tra gia phả tôi không thể tìm ra cô ấy thuộc chi nào, nhánh nào.

Đặng Minh Thu - cô gái đất khoa bảng

là ứng cử viên đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Thế giới.

Nhờ sự dẫn đường của anh Phan Hùng Cường, chúng tôi tìm đến những người dòng họ Đặng Xuân hiện còn đang sinh sống tại làng. Anh Đặng Xuân Tiến, người duy nhất của họ Đặng Xuân ở lại làng trông coi nhà thờ cụ Đặng Xuân Bảng - ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh - vui vẻ trao đổi với chúng tôi: “Tôi cũng có theo dõi cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt 2007 trên truyền hình. Khi xem phần dự thi của thí sinh Đặng Minh Thu, thấy giới thiệu quê ở Nam Định, tôi đã ngờ ngợ cô gái này thuộc dòng họ Đặng ở Hành Thiện. Thế nhưng vì thiếu thông tin nên khi tra gia phả tôi không thể tìm ra cô ấy thuộc chi nào, nhánh nào.

Họ Đặng ở Hành Thiện có 4 dòng Đặng Đức, Đặng Khắc, Đặng Xuân, Đặng Ngọc. Còn như dòng họ Đặng Vũ bên ngoại của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa thì là dòng con nuôi họ Đặng. Hiện tại, gia phả dòng họ Đặng Xuân có chép đến đời thứ 11, còn gia phả họ Đặng đại tôn thì ghi đến đời thứ 18. Gia phả chỉ ghi đến đời ông, thậm chí không có cả tên bố nên việc tìm ra tên con cái là rất khó.

Còn nói về con gái đẹp trong dòng họ Đặng Xuân thì hầu như thế hệ nào cũng có. Thế nhưng các cụ chỉ chú ý ghi chép về truyền thống hiếu học và thành đạt của dòng họ chứ chẳng ai ghi chép về sắc đẹp của các cô gái họ Đặng cả. Vì thế đến nay chúng tôi chỉ nghe phong thanh các bậc cha chú vui miệng trò chuyện về một bà, một cô nào đó rất đẹp trong họ nhưng chưa bao giờ được diện kiến. Vì những người đó hoặc là già cả, đã mất, hoặc là rời làng đi nơi khác từ rất lâu rồi”.

Luôn coi việc học tập là một nghề

Theo ông Nguyễn Đặng Hùng thì thời phong kiến, Hành Thiện có 419 người đỗ đạt, trong đó có đến 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan thượng thư, 4 người là tuần phủ, 4 người là tổng đốc, 69 người làm tri phủ, tri huyện...

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, Hành Thiện có 45 người là giáo sư, phó giáo sư; 166 người là tiến sĩ, thạc sĩ; 1.493 người tốt nghiệp đại học.

Hành Thiện còn là nơi xuất thân của 16 cán bộ cao cấp, đảm nhiệm các chức vụ từ Thứ trưởng đến Tổng bí thư của Đảng; 7 tướng lĩnh quân đội; 3 Anh hùng LLVTND.

Đặc biệt, đây còn là quê hương của đồng chí Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh, là Tổng Bí thư của Đảng nhiều năm, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Để có được truyền thống khoa bảng và hiếu học nổi danh khắp nơi là do người Hành Thiện luôn coi việc học tập là một nghề bên cạnh nghề làm ruộng và dệt vải. Người làng không sợ thiếu tiền của mà chỉ sợ thiếu chữ. Vì vậy người Hành Thiện đều cố công học chữ để làm người sống có đạo lý, có tri thức, phục vụ xã hội.

Có những người như ông Nguyễn Trọng Trù cảnh nhà hàn vi, nhờ tranh thủ học trong những lúc đi cày, đi bừa, giã gạo mà thi đỗ tú tài năm 19 tuổi, 25 tuổi thì đỗ cử nhân. Ông Nguyễn Đăng Thiện, đỗ tú tài năm 19 tuổi nhưng vẫn miệt mài theo đuổi đèn sách đến năm 60 tuổi mới thi đỗ cử nhân.

Ông Đặng Vũ Tường, 4 lần thi đỗ tú tài, đến 53 tuổi thì đỗ cử nhân và được bổ nhiệm làm quan tri huyện. Theo quy định ngày ấy thì quan lại không được phép dự thi tiếp nên ông đã treo ấn từ quan để về quê tiếp tục sách bút và vào kỳ thi Hội năm 64 tuổi.

Người dân Hành Thiện vẫn nhớ về thần đồng Đặng Xuân Bảng (ông nội đồng chí Trường Chinh) như một điển hình cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng. Thời đó, ông Bảng nhà nghèo, không có tiền theo học thầy mà chỉ học cha là ông Đặng Viết Hòe mà đỗ Tiến sĩ năm 29 tuổi. Biết chuyện, Vua Tự Đức cảm phục đã ban cho bố con ông 4 chữ “Giáo tử đăng khoa” (Dạy con thi đỗ).

Những tưởng câu nói: “Bắc Hà, Hành Thiện, Quan Diễn, Quỳnh Lôi” nói về các “miền gái đẹp” như vùng đất sông Lô nhưng hóa ra đây lại là câu vinh danh đất học và khoa bảng. Một làng có truyền thống hiếu học và nhiều người thành đạt, lại là nơi có lắm mỹ nhân... Thật đúng là hiếm quá!


Hải Châu

Theo báo CAND


0 nhận xét:

Đăng nhận xét