Bí mật nào khiến Người như vậy: Tình Yêu! (Phần III)

Tôi bắt đầu được sống trong thế giới tâm hồn Tuấn – Thư và diễn biến mối tình cảm động của họ. Ở đó tôi gặp những điều thật là mộc mạc, giản dị và gần gũi cuộc sống. Có lúc tôi thấy họ đang ngồi trong lớp học tranh luận một câu thơ, đoạn văn. Có lúc tôi thấy họ đang dạo bước trên bãi cát mịn màng nhặt hòn sỏi dẹt thi nhau thia lia rồi cùng đếm bước nhảy của hòn sỏi trên mặt sóng sông Đà... Tình cảm của họ và những người quanh họ vừa sục sôi vừa kìm nén để rồi cùng vỡ oà hạnh phúc.

Ngay từ những lá thư đầu tiên Tuấn làm quen với Thư, lời lẽ rất thẳng thắn, chân thành chỉ với nguyện vọng: Kết bạn. Và cái duyên đã gặp duyên, Thư đồng ý làm bạn với Tuấn. Đến lá thư thứ 2-3 trở đi, Tuấn đã nói rõ điều kiện gia đình và bản thân, cùng những khó khăn vất vả trong cuộc sống, sinh hoạt của riêng anh… Thư đã thực sự xúc động, thực sự đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ với anh tất cả mọi điều.

Qua tấm ảnh Tuấn gửi cho Thư, thấy đôi chân của Tuấn co quắp tóp teo, Thư đã khóc rất nhiều và càng thương Tuấn hơn. Giao lưu tâm sự, Thư thấy Tuấn là người rất minh mẫn, am tường khá nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Là người tật nguyền đã lâu nhưng Tuấn không hề mặc cảm bi lụy. Tuấn có nhiều sở thích và quan điểm tương đồng với Thư. Được trò chuyện với Tuấn, Thư thấy rất thoải mái thú vị, không những thế, Thư còn học hỏi được ở Tuấn nhiều điều.

8313_tinhyeu_3

Thư đưa ông Tấn (bố Tuấn) đến thăm Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh
làng Hành Thiện

Với Thư, Tuấn thường xuyên khích lệ động viên và quan tâm chu đáo (điều mà lẽ ra Thư phải làm với Tuấn). Tất cả, tất cả những cái đó khiến Thư quý mến và cảm phục Tuấn. Dù tật nguyền về thể xác, nhưng Tuấn rất minh mẫn về trí tuệ, cao đẹp về tâm hồn. Thư nghĩ, có lẽ những người khỏe mạnh không phải ai cũng có được vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ như Tuấn.

Về phía Tuấn - một người nằm một chỗ mà được tâm sự với một cô gái trẻ biết tôn trọng mình, thực lòng đồng cảm “niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa’’ thì còn hạnh phúc nào bằng. Nhất là một khi hai người lại đồng điệu về nhiều sở thích, cùng quan điểm, cùng những mối quan tâm chung thì niềm vui, hạnh phúc ấy lại càng được nhân lên. Vì vậy mỗi lần nhận và đọc thư của Thư, tinh thần Tuấn càng thêm lạc quan và cảm xúc thăng hoa.

Không chỉ quan tâm đến nhau, họ còn quan tâm đến người thân của nhau, coi bố mẹ, anh em của bạn như bố mẹ, anh chị em của mình. Ngoài những tâm sự về gia đình – xã hội, họ còn bình phẩm về một bài thơ, bài hát hay mà cả hai người cùng thích, cùng bình luận và nêu quan điểm về bất kỳ một vấn đề gì của xã hội mà họ cùng quan tâm. Đó là những vấn đề rất thực tế của đời thường, chứ không phải là chuyện trên trời dưới biển, viển vông, vô bổ.

Họ cứ thư từ qua lại như thế đến năm 2000. Và đã đến lúc Thư thực sự rung động. Trái tim của người con gái đã đập những nhịp đập của tình yêu. Mặc dù thời điểm này ở quê có 2-3 chàng trai đặt vấn đề tìm hiểu, nhưng trong trái tim và khối óc của Thư đã có bóng hình của Tuấn – một chàng trai tật nguyền nhưng rất giàu nghị lực.Thư muốn đem con tim yêu thương, tấm lòng chân thật tự nguyện hiến dâng cho Tuấn.

Rồi cũng đến lúc Thư nghĩ đến những tình cảm lớn hơn là bạn bè. Với suy nghĩ sau này khi bố mẹ Tuấn qua đời thì ai là người chăm sóc anh, Thư đã mong muốn mang đến cho Tuấn niềm hạnh phúc như người bình thường. Và, Thư đã dũng cảm vượt qua định kiến xưa nay đối với phụ nữ: “Trâu đi tìm cọc chứ ai đời cọc đi tìm trâu’’ để chủ động bày tỏ tình yêu với Tuấn. Thư đã đòi Tuấn vẽ đường để Thư lên Hoà Bình thăm anh.

Mặc dù đã được ngắm Thư qua ảnh, nhưng thật tâm Tuấn vẫn muốn một lần được nhìn thấy Thư bằng xương bằng thịt cho thỏa. Muốn đấy, nhưng Tuấn lại thấy thương và lo cho Thư một mình thân gái dặm trường đến quê người xứ lạ. Thư viết thư lên trấn an Tuấn: “Anh cứ yên tâm, Hà Nội, Hà Tây em đã qua, Yên Thủy, Kim Bôi, Hòa Bình em cũng tới rồi’’. Tuy vậy, Tuấn cứ lần lữa mãi…

Cho đến khi ông bà Tấn chuẩn bị tổ chức thành hôn cho em trai út của Tuấn vào ngày 18/12/2000, Tuấn xin phép bố mẹ rồi viết thư đồng ý cho Thư lên thăm Tuấn, gặp gỡ những người thân yêu của Tuấn và biết thêm thực tế về hoàn cảnh gia đình Tuấn. Kèm theo thư là sơ đồ hướng dẫn tỉ mỉ đường đi.

Một buổi sáng mùa đông se lạnh, Thư hối hả đạp xe ra bến xe Xuân Trường đi ô tô Nam Định - Hòa Bình. Đến ngã ba Kỳ Sơn, Thư xuống xe rồi rẽ phải, đạp xe xuôi sông Đà. Lúc này đã 12 giờ trưa. Với một chai nước mang theo và chiếc bánh mì lót dạ, Thư đạp xe gần 20 cây số đường đất gồ ghề, qua 5-6 con ngòi có cầu tre, gỗ bắc qua, vượt 4-5 con dốc ngoằn ngoèo qua xóm Đồng Sông, Nhà máy giấy và khu Cánh Chành để đến xóm Độc Lập xã Hợp Thịnh. Xa xa núi đồi trùng điệp. Trước mắt, sông Đà trong xanh lững lờ trôi. Thư cắm cúi đạp xe để nhanh chóng gặp người bạn tật nguyền đang mong chờ người tri âm tri kỷ.

Hơn 3 giờ chiều, Thư đã tìm đến được nhà Tuấn. Trong lúc mọi người đang tất bật cho ngày cưới, Thư bỏ chiếc xe đạp ngoài sân mà lao vào với Tuấn. Qua 6 năm giao lưu trên hàng ngàn trang giấy giờ mới được gặp nhau. Mắt trong mắt, tay trong tay kể sao cho hết nỗi niềm. Sau thoáng bàng hoàng, những người đang có mặt chuẩn bị cho đám cưới đã lẳng lặng quay ra để hai con người tri kỷ xa cách về không gian nay được thoả ước lần đầu gặp mặt. Thư cảm thấy như đang được ở nhà mình bên người thân yêu nhất. Sau 2 ngày vui với gia đình và thỏa sức tâm sự với Tuấn đã đến lúc Thư phải trở về Nam Định. Nói sao hết sự lưu luyến bùi ngùi. Họ bịn rịn chia tay, Thư hẹn ngày trở lại đất Hòa Bình.

Trở về Nam Định, nỗi niềm thương nhớ quặn thắt trong trái tim yêu của Thư. Thư muốn sớm trở thành người vợ của Tuấn, được gần gũi yêu thương và chăm sóc cho anh từng phút, từng giờ. Vì thế tình yêu trong Thư lại càng cháy bỏng hơn, lòng quyết tâm để trở thành người vợ của Tuấn ngày càng cao hơn.

Trong khi đó, con tim Tuấn thổn thức tình yêu nhưng lý trí của Tuấn lại băn khoăn trăn trở: “Mình là người tật nguyền nên dù rất yêu Thư nhưng nếu thành vợ chồng thì người yêu mình sẽ khổ. Mình không thể làm cho vợ được sung sướng. Mình có lành lặn đâu mà âu yếm cho vợ được hạnh phúc. Mình không thể là bờ vai nương tựa, là trụ cột gia đình nếu đi đến hôn nhân”.

Nhận được những lời ngay thẳng như trên của Tuấn, Thư đã khóc rất nhiều. Thư vừa giận lại vừa thương Tuấn vô cùng. Thư đã trả lời cương quyết: Anh không phải đắn đo lo ngại. Em tự nguyện yêu anh, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn vất vả thiệt thòi, hy sinh những niềm vui sở thích đời thường để gắn bó với anh trọn đời. Em sẽ là cánh tay, đôi chân của anh, nguyện bù đắp cho anh tất cả. Đến nước này, Tuấn không thể phụ tấm lòng và tình yêu của Thư. Và khi Tuấn nhận lời yêu, Thư bật khóc vì sung sướng hạnh phúc. Tuấn đã thưa chuyện của mình với bố mẹ, để xin ý kiến và cùng mừng cho Tuấn sẽ có hạnh phúc như người lành lặn.

8313_tinhyeu_2

Những lá thư tình yêu được Thư cất vào trong tủ cẩn thận

Bố mẹ Tuấn và mọi người trong gia đình rất vui rồi đoán già đoán non về mối tình Tuấn Thư. Nay nghe Tuấn thưa chuyện thì họ mừng lắm mà cũng lo lắm. Ông bà Tấn bảo: “ Con hãy viết thư nói với Thư là bố mẹ rất vui và trân trọng tấm lòng của Thư dành cho con. Nhưng cuộc sống gia đình đối với hai vợ chồng khỏe mạnh đã không đơn giản thì với cặp vợ chồng mà một người tật nguyền lại càng không đơn giản chút nào. Thư cứ suy nghĩ cho kỹ, cho chín đi đã để về sau không ân hận’’.

Trong khi đó ở Nam Định, Thư cũng thưa chuyện với bố mẹ anh chị em của mình: “Như bố mẹ đã biết, con và anh Tuấn đã giao lưu tình cảm suốt mấy năm qua, hai chúng con thấy ý hợp tâm đồng và con đã yêu anh ấy cho dù Tuấn hơn con 13 tuổi lại bị liệt 2 chân. Con đã gặp gỡ bố mẹ và các em của anh ấy. Con thấy kinh tế gia đình cũng bình thường thôi nhưng mọi người đều chất phác thật thà, sống có tình có nghĩa, con muốn xây dựng gia đình với anh để được gắn bó trọn đời cùng anh Tuấn.’’

Lần nào gửi thư về cho Thư, Tuấn đều có lời hỏi thăm và kính chúc sức khỏe bố mẹ, anh chị em của Thư, Tết Nguyên đán nào Tuấn cũng gửi thiếp chúc mừng năm mới tới toàn thể gia đình. Biết Tuấn là người tật nguyền (Thư đã cho bố mẹ xem ảnh của Tuấn) bố mẹ Thư thầm cảm phục. Nhưng họ không thể ngờ con gái mình lại yêu thương Tuấn, muốn xây dựng gia đình với Tuấn. Mẹ của Thư giãy nảy lên mà rằng: “Con có tỉnh táo không? Đường quang không đi, lại đâm quàng vào bụi rậm. Những người có học thức, có nghề nghiệp đàng hoàng, đẹp trai khỏe mạnh, gia đình khá giả, sao con không ưng mà lại muốn lấy một người tật nguyền nằm một chỗ, không làm gì được thì sống làm sao hả con?’’

Thư nói: “Mẹ dạy rất phải, nhưng ý con đã quyết, có lẽ đây cũng là cái duyên cái số của con, sướng khổ sau này con xin chịu. Bố mẹ thương con thì bằng lòng cho con lấy anh Tuấn’’. Sau nhiều ngày khuyên giải, ông bố Thư nói với vợ: “Bà xót con cũng phải, nhưng nghĩ đi thì phải nghĩ lại. Con nó có tấm lòng nhân ái cao cả. Tuy Tuấn là người tật nguyền nhưng lại là người nó yêu thương thật sự thì mình cũng không nên ngăn cấm. Ngay trong họ tộc nhà ta chả có đứa cháu trai bị câm mà cũng có cô gái tự nguyện yêu thương rồi đã thành cháu dâu họ nhà ta đó sao! Chả nhẽ bố mẹ của cháu dâu mình lại không xót con của họ? Quay sang Thư, ông bảo: “Thôi thì tùy con, bố mẹ tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của con!’’

(Còn nữa)

Lê Va (Vietimes)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét