Cổ tích mới về “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”

Thời Hán học, xã Cổ Am, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và làng Hành Thiện Xuân Hồng, Xuân Trường (Nam Định) sáng danh là làng khoa bảng “Đệ nhất đất Việt” về số người đỗ đạt cao trong các kỳ thi hương, thi hội; là miền quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng; là nơi “xuất khẩu” nhân tài cho Tổ quốc; trong đó có nhiều người giữ chức vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành khoa học xã hội nhân văn. Trong mạch chảy truyền thống, “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” hôm nay lại viết thêm nhiều “sự tích” về sự nghiệp khuyến tài, xây dựng và phát triển bộ mặt nông thôn khởi sắc thời đổi mới.

article15891

Đình Phần- công trình kiến trúc cổ của Cổ Am

“Một thỏi vàng không bằng nang chữ”

Mặt trời đứng ngọn tre, thế nhưng tại thư viện xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng vẫn nươm nượp người dân đến đọc sách, báo. Phòng đọc nhà cấp 4, chừng 50m2 với 200 ghế ngồi, không còn một chỗ trống. Tất bật phục vụ người đọc, chị thủ thư Đào Thị Nguyên niềm nở với chúng tôi: “Đọc sách là một nét “cá tính” của người Cổ Am. Thư viện xã hơn 40 năm qua là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân”. Hỏi chuyện một bé trai, học lớp 4, về lịch sử, mảnh đất, con người, danh nhân, di sản văn hóa ở Cổ Am, em kể dõng dạc, tường tận, khá chi tiết. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cụ lão tuổi ngoài 80, quay sang tâm sự: con trẻ ở đất này, từ nhỏ được giáo dục thông tỏ về truyền thống văn hiến của quê hương, dân tộc. “Ngọc bất trúc bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý”. Đó là chính sách khuyến học, khuyến tài vì sự nghiệp trăm năm trồng người” ở đất Cổ Am này.

“Hải Dương tứ hổ, nhất Cổ vi tiên “ (Bốn con hổ lớn ở Hải Dương, chỉ có một Cổ Am đứng đầu). Xã Cổ Am xưa có tên là Úm Mạt thuộc tổng Đông Am, Hải Dương. 800 năm lịch sử sáng nghiệp, mảnh đất Cổ Am được biết đến “Cổ Am tiếng nhất xứ Đông” về truyền thống đất hiếu học, làng khoa bảng. Tọa lạc trên vùng hạ lưu sông Hóa, cách biển chừng vài dặm đường chim bay, đất và người Cổ Am tự thưở dựng ấp, lập thôn luôn luôn phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Đồng chua, nước mặn, đất chật, người đông, ấy cũng là cái duyên cơ mà người dân nơi đây, ngoài nghiệp trồng lúa còn có một thứ nghề: “Nghề học”. Đất nghèo sinh chí học. Từ thế kỷ 15. Cổ Am đã có hàng chục sĩ tử theo học tại Quốc Tử Giám, Chiều Văn Cát, Tứ Lâm cục... Nhà nho Trần Công Huân là người đầu tiên của làng đỗ Tiến sĩ khoa thi Quý Sửu (1733), nổi tiếng về tài thi phú, được người đương thời mệnh danh là một trong “Ngũ hỗ Tràng Am”. Cũng tại miền quê “linh địa này” Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã về đây ẩn cư và mở lớp học tại chùa Mét (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia), đào tạo nhiều học trò nổi tiếng như: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dư, Nguyễn Quyện, Lương Hữu Khánh... Đến thế kỷ 19, đất Cổ Am lại “cung cấp” cho đất nước một thế hệ hiền tài được mệnh danh là “Tứ Kiệt xứ Đông” (đó là” Nhất Đội, nhì Huy, tam kỳ, tứ Vượng). Sau Cách mạng Tháng 8-1945 đến nay, xã Cổ Am, có hơn 50 người được phong tặng học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ và hàng trăm cử nhân, kỹ sư. Bên cạnh đó, Cổ Am còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng, chi bộ xã Cổ Am là chi bộ đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo được thành lập; cũng là xã đầu tiên của huyện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ. Nâm 1946, Đảng bộ và nhân dân xã Cổ Am vinh dự được Bác Hồ tặng thư khen và ảnh Bác về thành tích “diệt giặc đói, giặc dốt”. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, có hàng trăm lượt người con quê hương lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó có hơn 200 người là liệt sĩ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Cổ Am chưa phải là xã mạnh về kinh tế, chưa thật nhiều ngôi nhà cao tầng, đời sống của bà con nông dân chủ yếu vẫn “trông vào cây lúa”. Nhưng, sự “giàu có” với nơi đây, quả như cách dẫn dụ của ông Trần Văn Hót, gia đình được cả vùng biết tiếng có nhiều con đỗ đạt: “Một thỏi vàng không bằng nang chữ. Dân Cổ Am chúng tôi thà bớt ăn, bớt mặc, thà cứ nhà tranh, vách đất, chứ nhất định không thể để cho con em thiếu chữ, thất học!”. Được biết hơn 10 năm nuôi các con học đại học “cơ nghiệp” của gia đình ông Hót chỉ là mấy sào ruộng. Cá chuối đắm đuối vì con. Thế là, người ở nhà cùng “đồng hành” với người đi học. Vợ chồng ông Hót động viên nhau, bươm chải lên thành phố làm mọi thứ nghề tứ giúp việc quán ăn, xe thồ, phụ xây, bán hàng rong để có kinh phí cấp cho con ăn học. Đến nay, các con ông đều tốt nghiệp các trường đại học Bách khoa Hà Nội, Học viên Ngân hàng, Đại học Giao thông vận tải, có công việc và thu nhập ổn định. Đưa có chúng tôi xem những giấy khen và ảnh các con ông xúng xính mũ áo cử nhân, ông Hót cười hềnh hệch: “Ôi dào, ở đất này, gia đình nghèo có con cái vào tất đại học như nhà tôi... đầy ra đấy!”.

Hai hôm lưu lại Cổ Am, đến thăm các xóm Lê Lợi, Minh Khai, Thuận Hòa, Gia Cát..., chuyện một nhà có nhiều con học đại học ở xã đúng là “đầy ra đấy!”. Gia đình ông Lực xóm Lê Lợi cũng có 3 người con đỗ đạt. Nhà bà Én ở xóm Thuận Hòa rất nghèo, hàng ngày bà bán rau ở chợ, chồng làm phụ hồ, nhưng hai người con trai đều học Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhờ đầu tư vào “nghề học” mà người dân nơi đây đã đưa cái tên Cổ Am vượt qua khỏi lũy tre làng, rạng danh khắp vùng miền Tổ Quốc. Đồng chí Đào Nguyên Cự, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 1994, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cổ Am lần thứ 25 đã xác định: học là một nghề; đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài đến từng thôn xóm, dòng họ, toàn dân tích cực tham gia thực hiện. Hội nghị khuyến học của xã được thành lập năm 1993 cón sớm hơn hội khuyến học Việt Nam (1996), hiện có tổnh số quỹ gầy 250 triệu đồng; hàng năm, trao thưởng cho các em học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện, những em đỗ điểm cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, hơn 20 dòng họ và các khu dân cư cũng đua nhau làm khuyến học. Các dòng học lớn như Đào Trọng, họ Đắc, họ Trần, họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Bùi... Mỗi dịp giỗ tổ họ, đều tổ chức trang trọng lễ dâng hương, tuyên dương khen thưởng con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Chỉ riêng 10 năm lại đây, cả xã có gần 400 em đã và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong nước. Năm đỗ cao có khoảng 60 em trúng tuyển đại học, cao đẳng, có nhiều con em học sinh Cổ Am đoạt giải quốc tế: Trần Trọng Đan giành Huy chương bạc kỳ thi Toán quốc tế (tổ chức tại Mehicô tháng 8-2005); Đào Thị Lan Phương giành Huy chương Vàng môn Pháp ngữ khối ASEAN (tại Xin-ga-po năm 2005); Đào Vĩnh Ninh giành Huy hương Bạc kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế và rất nhiều em đoạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thành phố và huyện.

Rạng danh "Đệ Nhất đất Việt"

Nếu xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) sáng danh "Cổ Am tiếng nhất xứ Đông) về truyền thống đất học, thì làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (Nam Định) là quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, của cách mạng Việt Nam, là vùng đất "trai học hành, gái canh cửi" được vua Tự Đức năm thứ 16 sắc phong 4 chữ "Mỹ tục khả phong". Đó là minh chứng sinh động, chân thực về truyền thống thượng võ, trọng văn của dải đất "lý ngư" (hình cá chép) vượt vũ môn hóa rồng trở thành "Lý ngư địa xưởng nhân văn úy/ Kim biến thiên lai mỷ tục tồn" (đất hình cá chép nhân văn sản sinh ra nhiều người làm quan. Dù thời thế dẫu có đổi thay song mỹ tục đẹp mãi còn).

Trong lịch sử sáng nghiệp, lập ấp và phát triển, Hành Thiện luôn song hành với "thương hiệu" làng khoa bảng. "Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện". Thời Nho học, cùng với Cổ Am, làng Hành Thiện được xếp "Đệ Nhất đất Việt" về số người đỗ đạt cao trong các kỳ thi Hương thi Hội, thi Đình. Tại các khoa thi trong các triều phong kiến, làng có 7 người đỗ đại học (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người đỗ cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội đồng chí Trường Chinh, đỗ Tam giáp tiến sĩ năm 1856). Theo các nhà khoa học, nếu tính cả số cử nhân và tiến sĩ từ thời Nguyễn đổ lại, các làng nhiều nhất như Đông Ngạc (Hà Nội), Quỳnh Lưu (Nghệ An) cộng lại, cũng chỉ bằng phần nửa của Hành Thiện. Còn chỉ tính riêng thời triều Nguyễn (1805-1915), làng có 88 người đỗ từ cử nhân đến đại khoa và gần 150 người đỗ tú tài. Nhìn chung, các sĩ tử xuất thân từ miền quê "trai học hành, gái canh cửi" đều trí tâm dùi mài kinh sử, vượt khó vươn lên; khi đỗ đạt làm chức quan cao trong triều, họ luôn giữ khí tiết, được nhân dân kính trọng. Đó là Thượng thư Bộ lễ Đặng Đức Địch, Tổng đốc Nghệ An Đặng Kinh Toán, Thị lang Bộ công Nguyễn Xuân Hiền, Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hân, Tổng đốc Hải Dương Đặng Đức Cường...

Có thể nói, so với các vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ, Hành Thiện là làng có trường học công lập sớm nhất. Năm Khải Định thứ 10, Tổng đốc Đặng Đức Cường cùng các vị hương quản đem đấu cố 36 mẫu ruộng để lấy kinh phí xây dựng trường học cho các con em trong làng theo học, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo. Từ xa xưa, 17 dòng họ trong làng đều có hương ước quy định và khuyến khích, khen thưởng những người đỗ đạt. Đặc biệt, nhân dân xây dựng đình làng không phải để thờ cúng các vị nhân thần, nhiên thần như xứ Đông, xứ Đoài, mà dùng làm nơi hội họp và đọc "Mười điều ban huấn" nhằm cổ vũ, động viên, khuyến học, khuyến tài. Đất linh ắt sinh nhân kiệt. Hành Thiện là miền đất hiếu học, trọng văn, thượng võ, là nơi "xuất khẩu" nhân tài cho đất nước. Từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay, làng có 116 giáo sư, tiến sĩ và có hơn 800 cử nhân, kỹ sư; trong đó, có nhiều người giữ chức vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước và là đầu ngành các ngành khoa học. Tiêu biểu là cố Tổng Bí thư Trường Chinh; cố Bộ trưởng Bộ y tế Đặng Hồi Xuân; Bộ trưởng Đặng Vũ Chư; Giáo sư Đặng Vũ Khiêu (giải thưởng Hồ Chí Minh); giáo sư Đặng Vũ Hỷ (giải thưởng Hồ Chí Minh); Giáo sư, tiến sĩ Đặng Viết Bích; các Giáo sư Đặng Vũ Minh, Phạm Ngọc Triều, Đặng Huy Hiền...

Không chỉ nổi danh về khoa bảng, Hành Thiện là quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Mảnh đất này đã "gieo mầm" và tôi luyện những người cộng sản như các đồng chí: Đặng Xuân Khu (Trường Chinh); Nguyễn Thế Dục; Đặng Xuân Thiền. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đế quốc Mỹ, nhân dân Hành Thiện một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đồng tâm "một tấc không đi, một ly không rời", bám đất, bám làng, trong đó có nhiều người con quê hương được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Anh hùng Phạm Gia Triệu, Anh hùng Đặng Quốc Bảo, Anh hùng Đặng Quân Thụy...

Sức sống mới trên nền truyền thống

Với bề dài của vùng đất "địa linh, nhân kiệt", làng Hành Thiện hôm nay dang vững tiến trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh và phong trào khuyến học, khuyến tài "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" là những huyền tích mới trong trang sử vẻ vang của vùng đất " lý ngư "thời đổi mới. Mỗi dịp về Hành Thiện để tìm một "lời giải" về thế đứng Hành Thiện, mắt thấy, tai nghe chuyện xưa, chuyện nay, chúng tôi càng thấu đáo lời tự sự của Anh hùng lao động, Giáo sư Vũ Khiếu khi ông viết về quê hương: "Hành Thiện đất đai chật chội, chẳng đủ cày ruộng thì phải cày sách, đỗ đạt rồi lại biết giúp nhau học tập. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Nói chung, vai trò của người phụ nữ là cực kỳ quan trọng. Ông tôi, nhà rất nghèo, ăn cơm cám thôi nhưng bà bắt chồng đi học, sau đỗ cử nhân, bắt bốn con đi học, cũng đỗ cử nhân hết; hai con gái lấy chồng cũng lo cho chồng đi học, một người đỗ tiến sĩ, một người đỗ cử nhân. Người phụ nữ ở Hành Thiện lấy chồng đều dồn hết tâm sức lo cho chồng thi đỗ..., chẳng thế người đỗ đạt, một phần ba khoa thi là dân Hành Thiện!".

Quả thực, phong trào khuyến học, khuyến tài cũng như những câu chuyện "cá chuối đắm đuối vì con" ở trên dải đất này thật cảm động. Tấm gương người mẹ Đặng Thị Huỳnh, chồng mất sớm, một hình tần tảo nuôi con là Đỗ Đức Địch ăn học, đỗ Phó bảng khoa thi Kỷ Dậu (1849), làm tới chức Thượng thư Bộ Lễ luôn là nét khắc cao đẹp về truyền thống hiếu học, trọng tài của làng, được các thế hệ con cháu truyền tụng và noi theo. Là một vùng quê thuần nông, lại cận giang, đất và người Hành Thiện từ thuở lập ấp, sáng nghiệp luôn phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Đó cũng là cơ duyên "chẳng đủ cày ruộng thì phải cày sách". Hạt gạo, hạt muối ở nơi đây dường như nửa để sống, nửa để nuôi con ăn học. Chính trong môi trường đó, mà ở làng Hành Thiện bao giờ thiếu các tấm gương hiếu học, thành đạt từ vượt khó. Câu chuyện về cụ Nguyễn Thị Phấn ở xóm 4, chồng mất sớm, một mình "thân cò lặn lội" nuôi 3 con ăn học thành tài được cả vùng biết tiếng, trân trọng. Đến nay gia đình cụ có 15 người con cháu có bằng đại học, trong đó cháu nội là em Nguyễn Ngọc Minh, đỗ thủ khoa Trường đại học Bách khoa Hà Nội đạt 30/30 điểm. Được đi du học tại Xin-ga-po, vợ chồng ông Nguyễn Tiến Lộc, ở xóm 7, thu nhập của gia đình chỉ "trông vào cây lúa", nhưng cùng động viên nhau thắt lưng buộc bụng nuôi các con thành đạt (2 tiến sĩ, 4 cử nhân, kỹ sư). Rồi nhắc đến vợ chồng anh chị Đào Thị Bình, Nguyễn Ngọc Tiến ở xóm 10, một gia đình thuần nông nuôi con ăn học, ai cũng cảm động và khâm phục, nhà nghèo để có kinh phí lo cho con ăn học, ông Tiến phải lên Hà Nội làm cửu vạn, ai thuê việc gì làm việc nấy, nơi quê nhà chị Bình vừa làm ruộng, lúc nông nhàn đi đồng nát, xoay đủ nghề để kiếm từng đồng để cho con đóng học phí. Giờ đây, bù đắp lại những năm tháng khó khăn vất vả của anh chị, là sự thành đạt của các con. Cháu lớn Nguyễn Văn Dũng tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Mỏ- Địa chất ngành Dầu khí, hiện đang công tác tại Quảng Ninh; cháu Nguyễn Thị Dung tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải có công việc và thu nhập ổn định; con trai út là Nguyễn Ngọc Diệp tốt nghiệp trường đại học Sư phạm Hà Nội về giảng dạy tại trường cấp III của huyện.

Đúng là, "có ruộng bề bề, không bằng có nghề trong tay". Người dân Hành Thiện tự bao đời nay, đã cùng "quyết" theo một nghề: "nghề học". Trao đổi với chúng tôi về sự nghiệp trồng người, đồng chí Nguyễn Đăng Hùng, Chi hội trưởng Hội khuyến học tâm sự: "Người Hành Thiện, chuyện gì có thể bất đồng quan điểm, chứ chuyện khuyến học, khuyến tài thỉ luôn cùng tiếng nói". Được biết, trong 5 năm qua, ngôi làng với hơn 1000 hộ dân nay, đã "xuất xưởng" tới gần 300 sinh viên đại học, cao đẳng. Năm 2005, cả làng có 72 em dự thi, thì có tới 57 đỗ đại học, cao đẳng. Năm 2006, tại lễ tuyên dương các em có thành tích cao trong kỳ thi đại học, có 52 em là tân sinh viên của làng được nhận phần thưởng. Như vậy, nếu tính từ thời Nho học đến nay, làng Hành Thiện có hơn 1000 người có trình độ từ đại học đến tiến sĩ, trung bình mỗi gia đình có một cử nhân, không ít gia đình có từ 5-10 cử nhân (còn gọi là: Tứ tử đăng khoa) như gia đình ông Tường, ông Hùng, ông Minh,ông Phấn... Tất cả các dòng họ trong làng đểu có người đỗ đạt, có học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ. Mỗi dòng họ có phương thức động viên con cháu theo cách riêng, nhưng đều hết lòng vì sự nghiệp khuyến học chung của làng. Ngay từ năm 1993, Hội khuyến học Hành Thiện được thành lập, kinh khí chưa nhiều nhưng đã động viên kịp thời con em; phát động sâu rộng phong trào khuyến học, khuyến tài đến từng thôn, xóm, thu hút toàn dân tham gia thực hiện. Đây cũng là cơ sở để người dân Hành Thiện đưa ra Nghị quyết: Phấn đấu đến năm 2010 sẽ phổ cập đại học cho thanh niên với chỉ tiêu 100% học sinh THPT đỗ đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề. Cũng từ chính sách "đầu tư vào nghề học" người dân nơi đây đã đưa cái tên Hành Thiện nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Đúng như nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) đã dẫn dụ một cách chân thực về truyền thống của đất và người Hành Thiện: "Trăng sáng trải chiếu hai hàng/ Cho anh đọc sách cho nàng quay tơ".

Lê Việt Thắng


Nguồn Báo Hải Phòng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét