Bước đầu kiểm kê lại những tác phẩm của Đặng Xuân Bảng trong kho sách Hán Nôm

BƯỚC ĐẦU KIỂM KÊ LẠI NHỮNG TÁC PHẨM

CỦA ĐẶNG XUÂN BẢNG

TRONG KHO SÁCH HÁN NÔM

HOÀNG VĂN LÂU

Đặng Xuân Bảng là một nhà hoạt động xã hội, nhà giáo dục học... Nhưng ông rất có ý thức hoạt động sáng tác ở mọi hòan cảnh. Khi lên nhận chức Bố chính ở Tuyên Quang, bọn tàn quân Ngô Côn(2) đánh phá khắp nơi thổ phỉ nổi lên như ong “Quê khách gặp người toàn chuyện giặc, khắp nơi làng bản chỉ quân binh”(3). Thế mà ông vẫn làm thơ. Số thơ này, sau tập hợp thành tác phẩm Như Tuyên thi tập.

Lại, thời gian bị đầy ở Đồn Vàng, Hưng Hóa, rừng thiêng, nước độc, ông bị ngã nước, bị lên nhọt, nhưng vẫn tận dụng thời gian biên soạn bộ Nam phương danh vật bị khảo. Ông nói: “Tôi đi làm quan các nơi, mỗi khi gặp sự vật gì, thì đều cho kiểm tra lại, rồi thuận tay cầm bút ghi chép. Thường tiếc là các sách của bậc tiền bối còn nhiều thiếu sót và sơ lược. Năm Kỷ Mão (1879) bị đầy ở Đà Giang, tôi nhân dịp ấy đem các sách của cổ nhân và chư vị tiền bối nước ta, sách Nhất thống chí của bản triều và những gì bản thân ghi chép được hàng ngày ra khảo đính lại, chỗ còn thiếu thì bổ sung, chỗ sai lầm thì đính chính, chỗ chưa biết thì để trống, chia thành môn loại, chú âm Việt, ghi rõ hình trạng để làm tài liệu tham khảo” (Nam phương danh vật bị khảo tự).

Khi ông còn sống, Nguyễn Xuân Chức đã nêu một danh mục tác phẩm của ông gồm 12 tên sách: Nhân sự kim giám thư, Nam phương danh vật bị khảo, Độc sử bị khảo, Cổ kim thiện ác kinh, Cổ nhân ngôn hành lục, Cư gia khuyến giới tắc, Diễn huấn tục quốc âm, Thiện Đình thi, Thiện Đình văn, Kinh Truyện toát yếu, San bổ thông giám tập lãm tiện đọc sử, Tuyên Quang phú(4).

15 năm sau khi ông mất, năm 1925 Đặng Nguyên Khu có kiểm lại tác phẩm của ông đưa ra một danh mục như sau: 1. Cổ nhân ngôn hành lục. 2. Nam phương danh vật bị khảo. 3. Bắc sứ thông giám tập lãm. 4. Huấn tục. 5. Nam sư tập lãm. 6. Sử học bị khảo. 7. Thiện ác kinh. 8. Cư gia khuyến giới tắc(5).

Lại, 60 năm sau khi ông mất, cụ Trần Văn Giáp đã liệt kê một danh mục 18 tác phẩm của ông: Độc sử bị khảo, Diễn huấn tục quốc âm, Thiện Đình thi, Thiện Đình văn, Khâm định tập vận trích yếu, Huấn tử quốc âm ca, Cư gia khuyến giới tắc, Cổ kim thiện ác kinh, Thánh Tổ hạnh thực diễn ca, Bắc sử thông giám tập lãm tiện độc sử, Nam sử tiện lãm, Nam phương danh vật bị khảo, Huấn tục ca, Tuyên Quang phú, Như Tuyên thi tập(6).

Riêng Ban Hán Nôm, nay là Viện Nghiên cứu Hán Nôm, là trung tâm lưu giữ sách Hán Nôm lớn nhất, vào năm 1977, biên soạn Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác giả, ở mục Đặng Xuân Bảng, đã liệt kê một danh mục 11 tác phẩm của ông:

1. Huấn tục quốc âm ca. AB.287.

2. Nam phương danh vật bị khảo. VHb.288.

3. Sử học bị khảo. AB

4. Tiên nghiêm hội định thí văn. VHv.2377.

5. Thiện Đình Khiêm Trai văn tập. VHv.1600

6. Cổ nhân ngôn hành lục. VHb.285/1-3.

7. Cư gia khuyến giới tắc .A.166.

8. Việt sử chính biên tiết yếu. VHv.2737

9. Việt sử cương mục tiết yếu. VHv.2383.

10. Nhị độ mai truyện. AB.419.

11. Thánh tổ hạnh thực diễn âm ca. VHv.2380(7).

Nhận thấy các danh mục nêu trên có nhiều điểm chưa nhất trí, chúng tôi đã tiến hành công việc xem xét lại toàn bộ số tác phẩm của Đặng Xuân Bảng, chủ yếu là số sách hiện lưu giữ tại Viện NCHN. Sau đây là kết quả điều tra của chúng tôi:

1. Tiên nghiêm hội đình thí văn: sách chép tay, ký hiệu VHv.2384, VHv.2377; sưu tập các bài thi của Đặng Xuân Bảng trong khoa thi Hội năm Bính Thìn (1856) và bài thi Đình. Gồm:

a, Quyển thi Hội, có 4 kỳ: Kỳ đệ nhất có 4 bài kinh nghĩa; Kỳ đệ nhị có 1 bài văn sách; Kỳ đệ tam có 1 bài thơ, 1 bài phú; Kỳ đệ tứ có 1 bài chiếu, 1 bài biểu, 1 bài luận.

b, Bài văn sách thi Đình

Ngoài ra, sách còn có: Biểu tạ ơn thi đỗ của Đặng Xuân Bảng; Tờ tâu của Tổng đốc Định - Ninh Cao Xuân Dục xin khai phục chức hàm cũ cho Đặng Xuân Bảng; Bản đồ Hà Nội năm 1889...

2. Khâm định nhân sự kim giám: 13 tập. Nội các triều Nguyễn, trong đó có Đặng Xuân Bảng, biên soạn theo lệnh vua. Bản chép tay của Thư viện Long Cương. Ký hiệu VHv.419/1-13.

Thư mục đề yếu(8) ghi Cao Xuân Dục, hiệu Long Cương biên soạn. Nhưng xét ra, đây là một tác phẩm lớn (13 tập, 2748 trang) nội dung đều bàn về đạo “đế vương”, được biên soạn theo lệnh của Hoàng đế nên mới dùng chữ “Khâm định”. Xét các mục của tập sách như Đế hiếu, Đăng dung, Tiềm hối. Sáng nghiệp, Trung hưng... Hoàng hậu, Thái tử, Thái tôn, Hoàng phi, Công chúa... đều là những nội dung về đường lối, phương pháp, chính sách, đạo đức của Đế vương, đúc kết từ hàng trăm tác phẩm thuộc các bộ Kinh, Sử , Tử, Tập. Chính trong tờ tâu gửi về triều đình, Cao Xuân Dục cũng khẳng định. Năm Tự Đức 10 (1857), Đặng Xuân Bảng được sung vào Nội Các để tu sửa Nhân sự kim giám(9). Như vậy, bộ Khâm định nhân sự kim giám là do một tập thể tác giả trong Nội các triều Nguyễn biên soạn, trong dó có Đặng Xuân Bảng.

3. Tuyên Quang tỉnh phú: biên soạn năm Tự Đức 14 (1861). Ký hiệu A.964.

Sách này, Mục lục tác giả không đưa vào danh mục tác phẩm của Đặng Xuân Bảng. Thư mục đề yếu (tập III, tr 472-473) không ghi tên tác giả.

Xét: Lời Tựa ở đầu sách có đoạn (Dịch): Tháng 3, năm thứ hai hồi tôi coi phủ Yên Bình, Lê hầu (Lê Dụ, người La Sơn, Nghệ An) từ Thanh Hóa đổi ra làm Bố chính Tuyên Quang. Yên Bình là đất của Tuyên Quang. Tôi đến chào Lê hầu. Ông bảo tôi làm bài phú về Tuyên Quang...”

Năm Tự Đức 14 (1861) (niên đại biên soạn Tuyên Quang tỉnh phú) đúng là năm thứ 2 Đặng Xuân Bảng làm Tri phủ Yên Bình. Tác phẩm này do Đặng Xuân Bảng biên soạn đã rõ.

Đây là bài phú nói về địa lý, lịch sử và truyền thống văn hóa của các dân tộc ở Tuyên Quang. Sách đã được viên Đại tá người Pháp Bonifacy dịch ra tiếng Pháp(10).

4. Như Tuyên thi tập: biên soạn năm 1868, vào dịp tác giả làm Bố chính Tuyên Quang. Ký hiệu VHv.2384 (đóng chung với sách Tiên nghiêm hội đình thí văn), gồm 25 bài thơ chữ Hán. Phần lớn đều nói về việc tiễu phỉ và quan hệ với các tướng lĩnh quân Thanh sang dẹp phỉ.

5. Nam phương danh vật bị khảo: biên soạn vào các năm 1876-1878. In năm Thành Thái Nhâm Dần (1902). Ký hiệu VHb.288. Đây là một bộ từ điển song ngữ Hán - Việt (Nôm), đồng thời cũng là bộ từ điển tường giải “ghi lại hình dạng (sự vật) để tham khảo”. Các từ trong sách được xếp theo 30 chủ điểm để dịch và giải thích.

6. Huấn tục quốc âm ca: Khắc in năm Thành Thái 7 (1895). Hành Thiện Nhị thánh từ tàng bản. Ký hiệu AB.287.

Ba bài ca Nôm khuyên giữ phong tục thuần hậu:

a, Huấn tử ca: nguyên của ông Hoàng Giáp họ Phạm soạn, Đặng Xuân Bảng san bổ, nhuận sắc và khắc in.

b, Vương trung thư khuyến hiếu ca: Phạm Đình Toái người xã Quỳnh Đôi (Nghệ An) biên soạn. Đặng Xuân Bảng nhuận sắc và khắc in.

c, Thái Thượng cảm ứng thiên quốc âm ca: Đặng Xuân Bảng soạn. Bản dịch Thái Thượng cảm ứng thiên ra thể thơ Nôm 6-8.

7. Cổ nhân ngôn hành lục: Đặng Xuân Bảng biên soạn, Đặng Ngọc Toản bình điểm, Đặng Xuân Hồn hiệu đính. In năm 1895, Hành Thiện Nhị Thánh từ tàng bản, 3 quyển, ký hiệu A.1058.

Bộ sưu tập những lời nói hay, hành vi đẹp của danh nhân các đời, chia theo chủ điểm, như Trau dồi phẩm chất (Lập nhân phẩm) , Hiếu kính với cha mẹ (Hiếu phụ mẫu), Thân ái trong anh em (Hữu huynh đệ).

8. San bổ Thông giám tập lãm tiện độc hay Thông giám tập lãm tiện độc: Đặng Xuân Bảng biên tập, 13 quyển, khắc in năm 1817. Nhị Thánh từ tàng bản. Ký hiệu AC.241.

Tóm tắt lịch sử Trung Quốc từ thời Bàn Cổ đến Quế Vương nhà Minh. Về sự kiện lịch sử, dựa theo bộ Thông giám tập lãm của nho thần nhà Thanh. Về nghị luận của các tiên nho, thì dựa theo bộ Thiếu Vi tiết yếu của Bùi Huy Bích.

9. Thánh Tổ hạnh thực diễn âm ca: Đặng Xuân Bảng biên soạn, Đặng Xuân Khanh chép năm 1962 theo bản in năm 1898. Nguyễn Tấn Minh kiểm duyệt. Ký hiệu VHv.2380.

Bài ca Nôm theo thể thơ 6-8 kể sự tích thánh Không Lộ, họ Dương, húy Minh Nghiêm, ở hương Giao Thủy, phủ Hải Thanh...

10. Cổ huấn nữ ca: Đặng Xuân Bảng biên soạn. Chép trong Thánh tổ hạnh thực diễn âm ca ký hiệu VHv.2380/

Lời khuyên con gái ăn ở nết na, hiếu kính với cha mẹ.

11. Cư gia khuyến giới tắc: Đặng Xuân Bảng biên tập. In năm 1901. Hạnh Thiện Nhị Thánh từ tàng bản. Ký hiệu A.166.

Những lời nói hay, hành vi đẹp của tiên hiền, dùng để khuyên răn trong gia đình. Có 8 điều khuyên và 8 điều răn gồm 16 mục.

12. Nhị độ mai truyện: Đặng Xuân Bảng biên dịch. Đặng Ngọc Toản bình điểm. Bản chép tay. Ký hiệu AB.419.

Bản dịch Nôm theo thể thơ 6-8 truyện Nhị độ mai của Trung Quốc từ vận giao thái, tức từ đoạn giữa đến hết.

13. Thiên Đình Khiêm Trai văn tập: Đặng Xuân Bảng soạn, sách chép tay. Ký hiệu VHv.1600

Sưu tập văn của Đặng Xuân Bảng, có bài phú nói về việc xây dựng cầu Long Biên, câu đối, trướng, làm trong các dịp chúc thọ, mừng thi đỗ, viếng tang... Có một số bài thơ của Nguyễn Thượng Hiền và Vũ Phạm Khải.

14. Sử học bị khảo: Đặng Xuân Bảng biên khảo. Sách chép tay, 2 ký hiệu A.1490 và A.8.

3 chuyên khảo về lịch sử Việt Nam: Khảo về Thiên văn, khảo về địa lý, khảo về quan chế. Phần Địa lý khảo được Đào Duy Anh đánh giá là “một công trình nghiên cứu địa lý học lịch sử quan trọng nhất trong giới học thuật Việt Nam thời phong kiến(11).

15. Việt sử cương mục tiết yếu: Đặng Xuân Bảng biên tập. Sách chép tay. Các ký hiệu VHv.161/1,4,5,6 và VHv.2737/II, III, IV, VII, VIII. Trọn bộ gồm 8 quyển. Lời tựa viết năm Thành Thái 17 (1905).

Bộ sử Việt Nam từ Hùng Vương đến Tây Sơn, trình bày sự kiện một cách cô đọng, theo lối “cương mục”, có các phần chú, án, bình, khảo của tác giả và nhiều sử gia khác(12). Sách này còn bản VHv.2383, có bài tựa, trích thơ vịnh sử, bải Tổng luận lịch sử Việt Nam (thiếu) và nội dung tóm tắt lịch sử Việt Nam, có thể xem như đề cương của bộ Việt sử cương mục tiết yếu.

Trên đây, là những tác phẩm của Đặng Xuân Bảng còn giữ được ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Ngoài ra, trong Văn đàn bảo giám(13), có sưu tập 10 bài thơ Nôm của Đặng Xuân Bảng, chưa rõ xuất xứ.

Lại, trong Hành Thiện xã chí, có 2 tác phẩm của Đặng Xuân Bảng là Thánh Tổ sự tích viết về đức thánh Không Lộ họ Dương húy Minh Nghiêm và Thánh Tổ sự tích khảo bạt, đính chính sai lầm của Hậu lục và truyền văn về đức Không Lộ(14).

Với gần 20 tác phẩm còn giữ lại được, chúng ta thấy hoạt động sáng tạo của Đặng Xuân Bảng thực phong phú và đa dạng. Tác phẩm của ông thuộc cả bình diện sáng tác và nghiên cứu, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, như văn học, ngôn ngữ, đạo đức, giáo dục, tôn giáo, lịch sử... Ông xứng đáng được liệt vào hàng ngũ những tác gia quan trọng của nửa cuối thế kỷ XIX mà chúng ta cần chú ý khai thác, nghiên cứu và học tập.



CHÚ THÍCH

1. Về tiểu sử của Đặng Xuân Bảng, xin xem: Việt sử cương mục tiết yếu, vài nét về tác giả và tác phẩm, TCHN, số 3 -1995, tr.21-25.

2. Ngô Côn, Ngô Kính là tàn quân của Thái bình thiên quốc, bị quân triều đình nhà Thanh đánh bại.

3. Như tuyên thi tập, ký hiệu VHv.2384, tờ 41a.

4. Dẫn theo Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, Nxb. Văn hóa, H. 1984, tr.310.

5. Đặng Nguyên Khu: Hy Long dĩ thặng, Nam phong số 139-140, tháng 6-7 năm 1929.

6. Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I, Nxb, KHXH, H. 1970.

7. X. Ban Hán Nôm: Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác giả, Bản in Rônéo, tr.443.

8. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Tập II, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.22.

9. Tiên nghiêm hội đình thí văn, ký hiệu VHv.2384, tờ 38b, dòng 2.

10. X. La province de Tuyên Quang composition littéraire de M.Dang Xuan Bang, duitéeet annotée par M.le colonel Bonifacy. Revue In dochinoise No.9,10, 1922, P138-139.

11. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. KHXH, H. 1961, tr.5.

12. Xin xem: Về văn bản bộ Việt sử cương mục tiết yếu. Tạp chí Hán Nôm, số 4- 1994, tr.32-36.

13. X. Trần Trung Viên: Văn đàn bảo giám. Q.II, Mặc Lâm xuất bản, 1968, tr.33-37.

14. X. Đặng Xuân Viên: Hành Thiện xã chí, Hành Thiện tương tế hội ấn hành. Gia Định, 1974, tr19-24./.

Nguồn Viện Hán Nôm Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét