Việc thi cử của các triều vua dưới dạng các con số

Dưới đây là phần trích trong nghiên cứu "Việc thi cử của các triều vua dưới dạng các con số" của Vietsciences-Nguyễn Văn Lục có nói về làng Hành Thiện trong phần miền Bắc

Tỉ Lệ Thi Đỗ Tại Bắc Kỳ.

Ngoài Bắc, thì số người đỗ đạt tập trung nhiều nhất ở 14 biên trấn quanh Hànội mà cái trục chính là Sơn Tây, Hải Dương và đặc biệt là Nam Định. — tỉnh Nam định thì đặc biệt là vùng Hành Thiện đã phá kỷ lục về số người đỗ với 73 người từ năm Gia Long 1813 cho đến lúc chấm dứt thi cử 1918. Nghiã là tròn 100 năm.

Xã Hành Thiện, tỉnh Nam Định.

Trong bài này, chúng tôi thấy phải dành riêng một phần để nói về xã Hành Thiện. Xã Hành Thiện thuộc huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Xã có 18 (Giông). Giông là tiếng địa phương để chỉ những con đường, hai bên có nhà cửa. Đó cũng là lối tổ chức nhà cửa xây cất có thứ tự của làng Hành Thiện. Trong QTHKL tôi thấy mãi đến năm Gia Long 1813 (Gia Long lên ngôi 1802), mới có Nguyễn trọng Trù là người đầu tiên thi đậu. Sau đến năm 1821 có 2 người em của Nguyễn Trọng Trù đậu cùng khoa. Và cũng kể từ đó liên tiếp các khoa thi đều có người của làng Hành Thiện thi đậu.

Trong số những người thi đậu này, có nhiều trường hợp đáng nêu ra ở đây. Thứ nhất là dòng họ Đặng có 39 người thi đậu. Có người đỗ Phó Bảng như Đặng Đức Địch sau làm đến Thượng thư Bộ Lễ. Có người đỗ Tiến sĩ như Đặng xuân Bảng (Tự Đức 1850. hay Đặng hữu Dương (Thành Thái 1891). Có trưòng hợp cả dòng họ, ông, cha con cháu, anh em đều thi đậu. Tỉ dụ Gia đình Đặng hữu Dương (Ông cháu, anh em cùng thi đậu,) Gia đình Đặng văn Độ, cả 3 anh em đều thi đỗ., Gia đình Đặng vũ Mẫn cũng 3 anh em cùng thi đậu. Đặc biệt gia đình Đặng vũ Phong Cha con cùng thi đậu, anh em đậu cùng khoa. Con là Đặng văn Tường, anh Đặng vũ Oánh, cháu Đặng vũ Uyển, em họ Đặng vũ Thực, Đặng cao Chi, Đặng vũ Hoan. Thật là vinh hạnh hết chỗ nói.Thật khó mà hiểu tại sao có một dòng họ đỗ đạt nhiều như vậy. (17)

Huyện Xuân Thủy (sau đổi là Giao Thuỷ) gồm nhiều xã, xã nào giỏi lắm thì có độ 3, 4 người thi đỗ như Trà Lũ, Kiên lao. Hoặc chỉ có một người thi đỗ trong suốt 100 năm như các xã Hội Kê, Hộ Xã, Lạc Nam vv... Tôi cũng nhận thấy một số làng, khá nổi tiếng về mặt này, mặt kia như làng Ngọc Cục, đối diện với Hành Thiện hay làng Trung Lao, Sở Kiện, Hoàng Nguyên hay làng Cự Đà, vậy mà trong suốt hơn 100 năm triều Nguyễn, không có một người nào trong các làng này có người thi đỗ.. (Xứ Trung Lao sau này có cụ Thượng Nhạ, nhưng tìm lại danh sách các người thi đậu thì không có tên cụ. Tôi giả đóan là cụ thuộc lớp nho học, bắt đầu có học Tây học, rồi được người Pháp nâng đỡ cho chức Thượng mà không phải thi cử gì cả, cũng giống như trường hợp các cụ Thượng Oánh, Thượng Bùi. Cái câu trong nhân gian nói về cụ là; Lý trưỏng bất túc, Tổng đốc hữu dư có thể giải thích được phần nào cái chức Thượng của cụ.

Do sự tò mò mà chúng tôi khám phá ra một đìều hết sức lý thú và quan trọng là suốt hơn trăm năm thi cử dưới triều Nguyễn, Hơn 50 chục làng công giáo mà chúng tôi biết được thì hầu như trong tất cả các làng đó đều không có người nào thi đỗ làm quan. Thoạt đầu, chúng tôi xem xét các làng chung quanh làng Hành Thiện để xem có người thi đỗ không, từ đó suy diễn ra cái tầm ảnh hưởng của Hành Thiện trên các làng lân cận. Về địa lý, làng Ngọc Cục chỉ cách một con sông với Hành Thiện, vậy mà không có lấy một người thi đậu suốt dọc dài hơn 100 năm. Một điều thật khó hiểu. Từ đó suy ra các làng công giáo khác. Kết quả thật ngạc nhiên: Hầu như không có làng công giáo nào cả. Những làng công giáo nổi tiếng như Phát Diệm, Sở Kiện, Trung Lao, Phúc Nhạc, Thạch Bích, Trung đồng,An Lộc, Bói kênh, Bình Cách, Lưu Phương Mưỡu Giáp vv Và rất nhiều xứ khác không cần kể ra đều không có ai thi đỗ và ra làm quan.

Từ những dữ kiện thu lượm đụợc ở trên, tôi suy diễn ra là có một chính sách ngăn cấm, hay tối thiểu thì cũng có giới hạn không cho phép người công giáo có cơ hội để đi thi. Cơ hội học thì có, nhưng không có cơ hội để thi.. mà không thi thì việc học sẽ rất hạn chế.

Cho mãi đến Thành Thái 1894 mới thấy có ông Vũ Luyện, người làng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là một làng thuần công giáo có người thi đậu. Và đến năm1900, lại có người ở làng Quần Phương thi đậu. Nhưng năm 1900 là những năm cuối trào về thi cử và niên hiệu Thành Thái cũng cho thấy đó là giai đọan cởi mở hơn về chính sách cấm đạo.

Có những liên hệ gì cho phép chúng ta đi đến một kết luận là chính sách cấm đạo đã là nguyên do, trong dó gần 100 năm, người công giáo và các làng công giáo trở thành một loại công dân hạng nhì, vì không có cơ hội tiến thân về con đường học vấn, đóng góp nhân tài cho xứ sở. Nhưng cho đến nay, tôi không tìm thấy bất cứ văn bản chính thức nào giúp chúng ta có thể khẳng định dứt khoát là có một chính sách ngăn cản người công giáo thi cử. Trong sách vở về phía công giáo, tôi cũng chưa có cơ hội đọc hoặc nghe những cơ quan thẩm quyền xác định về điều này. Vậy thì, tất cả chỉ là những suy đoán mà thôi. Nhưng cái vấn đề các làng công giáo không có người thi đậu vẫn là một thực thể không chối cãi được và tự nó đòi hỏi có câu giải đáp.

Trở lại trường hợp làng Hành Thiện, làm sao cắt nghĩa được vào năm Thành Thái thứ 6 (1894), Trường Hà Nam có 9700 dự thi, lấy 60 ngùời đỗ, làng Hành Thiện chiếm 6 chỗ, 54 chỗ còn lại dành cho khoảng hơn 400 xã khác. Làm sao giải thích được sự kiện có làng thi đỗ có làng không Một giải thích dễ dãi, thiếu cơ sở khoa học là nói đến đất, đến có mả, hoặc văn hoa hơn gọi là đất ngàn năm văn vật. Cần tìm một lối giải chứng có cơ sở và khả tín hơn.

Có những giai thoại nghe ra có vẻ khinh bạc, nhưng cũng chứng tỏ một phần sự thật về vùng này, Người Hà nội có thói quen khá kiêu sa là thay vị gọi tên một người, họ lại gọi chức vị xã hội của người đó. Chẳng hạn cụ Tham Bảng, ông Đốc Ninh, Ông Phủ Dõan vvv. Xem Hồi Ký của Vũ Ngọc Phan, cuốn Những năm tháng ấy. (18)

Và nếu có một người khách nào đó về làng Hành Thiện, theo thói quen, hỏi thăm nhà cụ tham, cụ phó vv. Người dân làng sẽ trả lời là ở đây cụ tham, cụ cử nhiều như lợn con, hỏi thế biết đường nào mà lần.

Giải thích về con số đỗ đạt ở vùng này vì dù sao đất Bắc từ xưa tới nay, vẫn là cái nôi, của văn hoá và trí tuệ của cả nước. Nó có truyền thống lâu đời về việc học. Số trường học, cũng như trung tâm thì cũng nhiều hơn các nơi khác Một trường cho 6000 người ứng thi. — các vùng như Sơn Tây Hải Dương, Bắc Ninh thì khoảng 3000 người ứng thi cho một trường. Cái nọ nó kéo cái kia; truyền thống, tổ chức trường ốc, truyền thống địa phương, gia đình, họ hàng, sự giao tiếp cách này cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, hoặc được nghe nói về đã là những cơ hội giúp những kẻ hậu sinh cố gắng vươn lên theo những mô hình lý tưởng khuôn mẫu là các bậc đàn anh.

Cách giải thích đúng lý nhất là TINH THÂN GIA TỘC, giáo dục gia đình bằng gương sáng cha anh đỗ đạt, mô hình lý tưởng là cha anh được mọi người kính trọng, được hưởng lợi lộc quan tước của trều đình. Lấy trường hợp họ Đặng sẽ giúp giải thích được yếu tố gia đình có tác dụng quan trọng thế nào cho việc thi đỗ của một người. Chúng tôi nhận thấy trong thời kỳ Gia Long đến năm 1825, tỉ lệ dòng họ Đặng thi đỗ so với các họ khác tại Hành Thiện 2 trên 6 sau đó 1850 là 8 trên 9, 1906 thì trội vượt là 36 trên 32 và cuối cùng là 39 trên 34, Riêng đời Thành Thái 1897, dòng họ Đặng có 6 người đỗ trong một khoa, kết quả đó cũng lặp lại một lần nữa vào năm 1903. Biểu đồ giúp ta hiểu chính xác truyền thống gia đình, cha truyền con nối, trong cùng gia đình, cùng dòng họ, có nhiều người thi đỗ. Sự trội vượt của họ Đặng cắt nghĩa bởi họ cùng huyết thống. Các họ Nguyễn, Trần, Phạm trong làng Hành Thiện chưa chắc đã cùng chung huyết thống nên đường dài sẽ thua sút họ Đặng. Điều đó xét ra cũng đúng một phần nào cho trường hợp người Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là Montréal, mà một số đông con cái các gia đình đã thành công trong việc học.


Ngoài ra bài viết còn được đăng tại:

- Diễn đàn Văn hóa Phương Đông

- Vietsciences2 (08/10/2005 )

- Dòng họ Vũ - Võ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét